Năm 2014, ngư dân Nguyễn Ngọc Sơn, thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn hợp đồng với một cơ sở đóng tàu tại tỉnh Quảng Nam để đóng mới vỏ tàu cá trị giá 200 triệu đồng. Khi đưa tàu về Quảng Ngãi, anh Sơn tiếp tục sử dụng gần 800 triệu đồng để mua máy móc ngư lưới cụ phục vụ đánh bắt thủy sản. Dù tàu có chiều dài 16,5 mét, công suất máy 280 CV, ngư trường khai thác chính không chỉ có vùng biển Quảng Ngãi mà còn ở nhiều tỉnh khác như Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị tuy nhiên tàu chưa được đăng kiểm, đăng kí. Anh Nguyễn Ngọc Sơn cho hay: “Tôi chọn đóng tàu ở Quảng Nam vì giá phù hợp với điều kiện của gia đình, tàu đẹp, chất lượng. Nhưng từ lúc đưa tàu về đến nay không đăng kiểm được, tôi đã nhiều lần kiến nghị đến cơ quan chức năng nhưng họ cho rằng tàu không có hồ sơ thiết kế nên không được đăng kiểm. Tiếc số tiền bỏ ra mua tàu, ngư lưới cụ quá lớn nên tôi vẫn ra khơi dù biết như vậy là sai”.
Việc tàu cá không đăng kí, đăng kiểm vẫn ra khơi khai thác thủy sản không chỉ bị xử phạt nếu cơ quan chức năng kiểm tra mà còn thiệt hại rất lớn nếu gặp sự cố trên biển. Đồng thời, các tàu không đăng kiểm, đăng kí cũng không truy xuất được nguồn gốc thủy sản. Ngư dân Nguyễn Văn Tiến, xã Bình Hải chia sẻ: Tàu của gia đình tôi không đăng kiểm được nên cũng không thể mua bảo hiểm, nếu tàu bị sự cố ngư dân phải tự chịu. Mỗi lần khai thác thủy sản trở về chúng tôi đều phải bán cá với giá thấp hơn giá thị trường vì các thương lái cho rằng cá không có nguồn gốc rõ ràng. Nếu tàu vào cảng cá ở các tỉnh khác để bán cá thì cũng phải lén lút vì sợ bị lực lượng chức năng phát hiện.
Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 23 tàu cá công suất trên 90 CV không đăng kí, đăng kiểm được, những tàu này chủ yếu do ngư dân xã Bình Hải, huyện Bình Sơn sở hữu. Việc tàu cá không đăng kí, đăng kiểm nhưng vẫn ra khơi khiến công tác quản lý của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa bão. Đại úy Trần Thế Vinh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Bình Hải, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Lực lượng Biên phòng phụ trách công tác quản lý tàu thuyền trên biển, 23 tàu cá không đăng kiểm này thường lén lút ra khơi. Vào mùa mưa bão lực lượng Biên phòng không thống kê chính xác số tàu thuyền còn trên biển và khó khăn trong việc triển khai cứu nạn cứu hộ nếu có sự cố xảy ra.
Ông Phùng Đình Toàn, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, cho biết 23 tàu cá của ngư dân xã Bình Hải, huyện Bình Sơn không đăng kiểm được là do các tàu này đều được ngư dân đặt mua vỏ tàu tại tỉnh Quảng Nam, vỏ tàu này chỉ được phép lắp máy 45 mã lực. Theo quy định, các tàu lắp máy 45 mã lực không thuộc diện phải lập hồ sơ thiết kế khi đóng tàu. Thế nhưng ngư dân ở xã Bình Hải khi mua vỏ tàu về lại lắp máy mấy trăm mã lực do đó phải có hồ sơ thiết kế. Theo tính toán của các cơ quan chức năng, các tàu này không đảm bảo an toàn, vì tàu 45 mã lực dùng để hoạt động vùng biển ven bờ và vùng lộng nên chiều dày ván vỏ và kích thước gian đà nhỏ. Nếu dùng vỏ này để lắp máy công suất quá lớn và hoạt động ở vùng khơi sẽ không đảm bảo an toàn. Do đó, cơ quan chức năng không thể đăng kiểm được, mà không đăng kiểm được thì không đăng kí được.
"Quy tắc là tàu không đảm bảo an toàn thì không được ra khơi. Nếu cơ quan nào cho phép tàu không đủ giấy tờ ra khơi và xảy ra sự cố thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như chỉ đạo của UBND tỉnh, Chi cục Thủy sản tỉnh không cấp giấy chứng nhận an toàn và giấy chứng nhận khai thác cho 23 tàu cá trên. Các cơ quan chức năng cũng sẽ tăng cường kiểm tra an toàn kỹ thuật trước khi tàu ra khơi", ông Toàn cho biết thêm.