Theo đó, Ủy ban nhân dân các cấp củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Lực lượng phòng chống cháy rừng bảo đảm hoạt động có hiệu quả trong suốt mùa khô, tổ chức lực lượng trực bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng trên địa bàn.
Các huyện, thị xã trong tỉnh có rừng rà soát, bổ sung quy chế phối hợp bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng, xây dựng và thực hiện phương án bảo vệ. Các chủ rừng chủ động triển khai: xây dựng đê bao giữ nước; đường băng cản lửa; làm giảm khối lượng vật liệu cháy trong rừng. Đồng thời, tổ chức thực hiện nghiêm biện pháp phòng chống cháy rừng theo cấp dự báo cháy rừng.
Bên cạnh đó, lực lượng phòng chống cháy rừng thông tin cảnh báo thường xuyên; kiểm tra chặt chẽ không để người và phương tiện ra vào rừng tùy tiện; nghiêm cấm tuyệt đối không được đốt lửa trong và ven rừng. Lực lượng canh phòng được bố trí 24/24 giờ để kịp thời khoanh vùng, dập tắt ngay đám cháy xảy ra. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh để người dân chấp hành tốt quy định không đốt lửa trong rừng và người dân ven các cánh rừng ký cam kết không vi phạm.
Hiện tỉnh Long An được trang bị 65 máy chữa cháy, 130 vòi nước và hơn 28.000 m dây tưới nước chữa cháy. Ngoài ra, địa phương đang chờ bổ sung kinh phí khoảng 13 tỷ đồng (giai đoạn 2016 - 2020), trong dự án “Nâng cao năng lực phòng chống cháy rừng” để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân. Đồng thời, tập huấn lực lượng bảo vệ rừng, trang bị thêm phương tiện chữa cháy và lắp đặt biển báo cháy….
Tỉnh Long An hiện có 25.000 ha rừng tập trung và 248 triệu cây phân tán các loại như bạch đàn, tràm, sao, dầu, tràm bông vàng. Phần lớn diện tích rừng tập trung ở các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, thị xã Kiến Tường, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Cần Đước, Đức Huệ.
Trong năm 2016, tỉnh Long An xảy ra hơn 10 vụ cháy rừng nhưng nhờ phát hiện, ngăn chặn kịp thời nên chỉ thiệt hại 1,4 ha tại huyện Thạnh Hóa.