Anh Nguyễn Xuân Thế - Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Hướng Hóa cho biết, chưa có năm nào người dân trồng cà phê của huyện Hướng Hóa vất vả bằng năm nay, nguyên nhân khách quan là do ngay từ đầu vụ cho đến thời kỳ trổ hoa thì thời tiết nắng nóng khiến tỷ lệ đậu quả thấp, đến thời kỳ ra quả thì lại mưa lớn kéo dài dẫn đến quả bị rụng nhiều, người dân không thể triển khai phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân đúng với quy trình kỹ thuật để cây phát triển.
Đặc biệt đến thời kỳ quả chín hiện nay thì lại xuất hiện nhiều dịch bệnh trên nhiều diện tích cà phê trong huyện: rệp trên 50 ha, khô cành trên 810 ha, thán thư 855 ha, gỉ sắt 211 ha, nấm hồng112 ha,… khiến quả bị rụng nhiều, chất lượng cà phê không cao…
Nguyên nhân chủ quan là do từ đầu năm đến nay giá cả cà phê trên thị trường xuống thấp, thời điểm hiện tại giá cà phê trên địa bàn huyện Hướng Hóa dao động từ 2.000 – 3.000 đồng/kg, chỉ bằng tiền công thuê người hái 3.000 đồng/kg, khiến người dân không mặn để quan tâm đầu tư chăm bón.
Trước tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp, hiện nay Trạm Bảo vệ thực vật huyện Hướng Hóa đang tích cực hướng dẫn và phối hợp với các hộ dân triển khai các biện pháp phòng trừ: huy động người tăng cường vệ sinh vườn, làm cỏ, tỉa cành vô hiệu (cành chùm, cành tổ quạ, cành mọc ngược, chồi vượt...) tạo thông thoáng, khơi thông cống rãnh thoát nước, vun gốc.
Đặc biệt, trạm khuyến cáo người dân thu gom cành lá, quả chín sớm do bị bệnh đem tiêu hủy để hạn chế lây lan và tổ chức phun các loại thuốc bảo vệ thực vật theo đúng trình tự...
Niên vụ cà phê 2018 này, huyện Hướng Hoá có 5.078 ha, trong đó có 4.700 ha cà phê kinh doanh tập trung ở các xã Hướng Phùng, Hướng Tân, Hướng Linh, Hướng Sơn, Tân Hợp, Tân Liên, Tân Lập, Húc, Pa Tầng và thị trấn Khe từ 300 ha đến 1.600 ha cây cà phê/địa phương. Do bị sâu bệnh và không được người dân chăm bón chu đáo, dự kiến năng suất cà phê huyện Hướng Hóa năm nay chỉ đạt khoảng 8 tấn/ha, đạt sản lượng 37.600 tấn giảm hơn 20% so với niên vụ 2017.