Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam: Vì sự phát triển bền vững

Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) đang có những hoạt động thiết thực kỷ niệm 85 năm ngày truyền thống của nghành (28/10/1929 - 28/10/2014) với nhiều chính sách, cải cách nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; chăm lo, nâng cao đời sống người lao động và giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống - vì sự phát triển bền vững của VRG.

 

Trao đổi với PV báo Tin Tức, ông Trần Ngọc Thuận, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc VRG, cho biết trong 2 năm qua, VRG đã vượt qua rất nhiều khó khăn khi khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế trong nước nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng rất lớn. Riêng ngành cao su đối mặt với nhiều thách thức như Tây Nguyên mưa nhiều khiến cây bị bệnh phấn trắng nặng nề; miền núi phía Bắc rét đậm, miền Trung đối mặt nhiều cơn bão dữ làm giảm chất lượng và năng suất vườn cây. Ngoài ra, một số cơ chế chính sách về đất đai trong nước và ở nước ngoài vẫn còn bất cập, khó thực hiện (Lào và Campuchia dừng phát triển các dự án trồng cao su)... đã ảnh hưởng đến qui mô và tốc độ đầu tư của ngành.

 

Khởi công xây dựng nhà máy gỗ MDF của VRG tại Kiên Giang.


Tuy nhiên, VRG đã có sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; sự hỗ trợ của các bộ, ngành và các địa phương nên đã vượt lên những khó khăn thử thách, đạt được kết quả khả quan: Vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ không ngừng phát triển, tốc độ tăng trưởng của ngành được đảm bảo. Trong 2 năm qua, tốc độ tái canh vườn cao su trên 83.000 ha, đảm bảo việc làm cho 130.000 công nhân. Tại Hội nghị tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước vừa qua, Chính phủ cũng đã đánh giá cao và biểu dương Tập đoàn cao su là một trong những tập đoàn nhà nước hoạt động có hiệu quả; đồng thời làm tốt công tác quốc phòng, an sinh xã hội. VRG cũng đã xin điều chỉnh mục tiêu tổng diện tích cao su của tập đoàn đến năm 2015 sẽ là 420.000 - 430.000 ha; ngược lại, VRG sẽ tích cực thâm canh để tăng năng suất và hiệu quả.


“Trong công tác tái canh - trồng mới, công tác giống, bón phân, quản lý bảo vệ thực vật, kể cả qui trình kỹ thuật vẫn phải tiếp tục bổ sung yếu tố kỹ thuật để làm thế nào tốt hơn nữa. Công tác quản lý chất lượng sản phẩm và thị trường cũng bộc lộ nhiều bất cập. Các công ty ở miền Đông có truyền thống và có thương hiệu nên lượng khách hàng tương đối ổn định. Sản phẩm của VRG đã có thương hiệu nên giá tiêu thụ cũng tương đương một số nước. Tập đoàn phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng hỗ trợ, kiến tạo một đầu mối quản lý chất lượng và tìm kiếm mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, công tác quản lý cán bộ và đào tạo vẫn còn bất cập.

Bởi vậy sắp tới, VRG sẽ quan tâm công tác qui hoạch cán bộ, mạnh dạn luân chuyển cán bộ, tách vai trò quản trị và vai trò điều hành trong quản lý cán bộ. Về tổng diện tích, VRG sẽ dừng ở mức độ từ 420.000 - 430.000 ha, diện tích không tăng nhưng phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng. Ngoài ra, VRG công khai minh bạch tất cả các yếu tố quản lý; hoàn chỉnh các nội dung liên quan đến qui trình quản trị doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu tập đoàn theo Quyết định 38/QĐ - TTg mà Thủ tướng đã phê duyệt. Theo đó, VRG được duy trì 22 công ty TNHH MTV cao su, nhưng tập đoàn chủ động đề xuất từ đây đến 2015 sẽ tiếp tục cổ phần hóa 4 đơn vị ở miền Đông”, ông Trần Ngọc Thuận cho biết.


Theo ông Thuận, dự báo trong 2 năm sắp tới sẽ còn rất nhiều khó khăn, tập đoàn chấp nhận giảm lợi nhuận, giảm nộp ngân sách, thậm chí dừng một số lĩnh vực đầu tư, nhưng vẫn phải cố gắng đảm bảo ổn định đời sống cho gần 130.000 công nhân lao động (với gần nửa triệu người phụ thuộc trong gia đình của họ). VRG vẫn tiếp tục tham gia các chính sách xã hội khác, như hỗ trợ 4 huyện nghèo trong Chương trình 30a của Chính phủ; hỗ trợ một công trình ở Trường Sa và tiếp tục chung tay cùng các địa phương xây dựng nông thôn mới.Phạm Đăng Giới

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN