Tạo nền tảng cho kinh tế tăng trưởng bền vững

Năm 2016, Việt Nam có cơ hội trở thành nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất tại khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Nhưng trong dài hạn hơn, Việt Nam vẫn phải cải cách thể chế và tái cơ cấu kinh tế mới đảm bảo sự phát triển bền vững.

Duy trì tốc độ tăng trưởng cao

Với tốc độ tăng trưởng 6,68% trong năm 2015, Việt Nam đã gần đạt mức tăng trưởng của Trung Quốc. Trong khi đó, các dự báo đều cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tiếp tục suy giảm thời gian tới vì những khó khăn về cơ cấu, các vấn đề về bùng nổ tín dụng, bất động sản, nợ của chính quyền địa phương... Do đó, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2016 dự báo còn 6,4%, nhiều nước trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng bởi tốc độ tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc. Vì vậy, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright Việt Nam, kinh tế Việt Nam trong năm 2016 có thể có tốc độ tăng trưởng cao nhất tại khu vực Đông Á và Đông Nam Á, thậm chí vượt qua cả Trung Quốc.

Cần tiếp tục tái cơ cấu ngân hàng hiệu quả hơn.

Ông Chang Yong Rhee, Giám đốc Bộ phận châu Á - Thái Bình Dương của IMF cũng nhận định, tăng trưởng của Việt Nam dự báo sẽ vẫn tăng nhờ vào sức cầu trong nước bền bỉ. Bên cạnh đó, Việt Nam có cơ hội tăng sức cạnh tranh với Trung Quốc để chiếm lĩnh thị phần ở nhiều mặt hàng như may mặc, da giày... Khi chi phí sản xuất ở Trung Quốc ngày càng tăng cao, Việt Nam cũng gia tăng khả năng cạnh tranh với Trung Quốc và các nước về thu hút đầu tư đầu tư nước ngoài...

Theo các chuyên gia kinh tế, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới có điểm thuận lợi hơn khi hàng loạt hiệp định thương mại tự do với các quốc gia và khu vực sắp có hiệu lực, là những tiền đề rất tốt để phát triển kinh tế nếu biết cách tận dụng. “Năm 2016, nếu Việt Nam tiếp tục ổn định được kinh tế vĩ mô thì tốc độ tăng trưởng GDP có thể đạt 6,8 - 7%. Như vậy lần đầu tiên kể từ khi đổi mới đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ vượt qua Trung Quốc. Không dừng lại ở đó, nếu như giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện được niềm tin của người tiêu dùng và giải quyết tốt khó khăn cho doanh nghiệp thì Việt Nam hoàn toàn có thể duy trì được tốc độ phát triển cao này trong 5 năm tới”, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh.

Các chuyên gia kinh tế đặc biệt lưu ý tới tác động tích cực của hội nhập tới nền kinh tế Việt Nam. “Tôi cho rằng hội nhập sẽ đem lại nhiều mặt tích cực cho tăng trưởng. Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, Cộng đồng kinh tế Asean... là những tín hiệu tốt để thu hút các nguồn vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam. Đây là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tích cực trong ngắn hạn. Về dài hạn, khi Việt Nam hội nhập sẽ giúp thay đổi cấu trúc thị trường, giảm bớt lệ thuộc vào thị trường đầu vào ở Trung Quốc, như vậy từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam”, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nhận định.

Ông Trần Đình Thiên cũng lưu ý: Nếu trong năm 2016 giá dầu vẫn ở mức thấp, giá lương thực thực phẩm, nguyên liệu đầu vào như sắt thép và các kim loại khác cũng ở mức thấp sẽ tiếp tục tác động tích cực để giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo.

Tái cơ cấu kinh tế hiệu quả hơn

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam hiện vẫn đối mặt với nhiều khó khăn cần giải quyết. Theo ông Trần Đình Thiên, tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm. Trong đó, hiệu quả đầu tư công chưa cao. Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp chưa đạt mục tiêu đề ra. Nỗ lực tái cơ cấu hệ thống ngân hàng mới chỉ dừng lại ở đảm bảo tính thanh khoản trong ngắn hạn. Nợ xấu tạm được cất giữ lại nên các ngân hàng yếu vẫn là rủi ro lớn nhất cho nền kinh tế trong năm tới. “Những yếu tố cản trở tăng trưởng bao gồm nợ xấu, các nút thắt về hạ tầng, những vấn đề liên quan đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chưa được giải tỏa. Cùng với đó, những nút thắt về thể chế, thủ tục... sẽ gây ra cản trở rất lớn, khiến cho việc hiện thực hóa cơ hội tăng trưởng giảm đi rất nhiều. Do đó, phải tiếp tục quá trình cải cách thể chế và tái cơ cấu kinh tế”, ông Trần Đình Thiên lưu ý.

Tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm (2011 - 2015) đạt trên 5,9%/năm, trong đó năm 2015 đạt 6,68%, cao nhất kể từ năm 2008 (năm 2008 là 5,66%).

Theo chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, do các yếu tố liên quan đến điều kiện thời tiết, biến đổi khí hậu tác động ngày càng lớn nên Việt Nam cần xây dựng cách tiếp cận cơ cấu kinh tế theo hướng đổi mới, nhất là mảng nông nghiệp. Tuy nhiên, cách tiếp cận mới này đòi hỏi chi phí tốn kém, không chỉ ngày một ngày hai là có thể làm được. Nếu chúng ta cải cách trong nước tốt gắn với thúc đẩy nền kinh tế tư nhân thì nền kinh tế sẽ có thêm động lực thay đổi. Dựa trên nền tảng đó, sẽ có rất nhiều cơ hội hội nhập kết nối giữa khu vực trong nước và nước ngoài.

“Trong 5 năm tới, 3 năm đầu phải tập trung quyết liệt cho việc cải cách thể chế, tạo nền tảng cho tăng trưởng vững chắc hơn, cho sự thay đổi của đẳng cấp phát triển. Trong 2 năm sau, nhịp tăng trưởng sẽ được đẩy lên và tốt hơn rất nhiều, có thể sẽ có những cú nhảy vọt về cả tốc độ và chất lượng. Nếu 3 năm tới không tập trung cải cách, chỉ tập trung đẩy mạnh tốc độ thuần túy thì phát triển sẽ không bền vững”.

Mặc dù khẳng định tác động tích cực của hội nhập với tăng trưởng kinh tế nhưng TS Trần Đình Thiên cũng lưu ý, việc chuẩn bị năng lực để hội nhập và tận dụng tốt cơ hội là điều chưa rõ ràng. Đây chính là điều mà chúng ta cần phải nỗ lực thực hiện trong thời gian tới. Ví dụ như việc bảo vệ thị trường nội địa trong cộng đồng kinh tế ASEAN, thị trường bán lẻ của Việt Nam là một thị trường tăng trưởng rất tốt, nhưng hệ thống bán lẻ lại để Thái Lan, Malaysia, Indonesia vào cạnh tranh, và chúng ta để mất thị trường. Điều này chứng tỏ khâu sản xuất và phân phối của chúng ta có vấn đề. Do đó, phải chuẩn bị năng lực cạnh tranh thật tốt. Ngành nông nghiệp của chúng ta trước nay vẫn được coi là thế mạnh nhưng thực ra chỉ mạnh ở sản lượng chứ không mạnh về chất lượng, nên phần giá trị gia tăng không nhiều. Vì vậy, phải tìm cách tăng giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp... Công nghiệp cũng không thể chỉ dựa vào khai thác, lắp ráp mà phải chuyển sang công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp cao.

“Bản thân từng doanh nghiệp phải nâng cao năng lực của mình. Năng suất lao động, giá trị gia tăng phải thay đổi, cạnh tranh doanh nghiệp cũng phải thay đổi. Chúng ta cần có quyết tâm chuẩn bị năng lực thực tiễn cho hội nhập như vậy thì mới có thể tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ cho nền kinh tế”, ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Thu Hường
Kinh tế tăng trưởng tốt, đảm bảo an sinh xã hội
Kinh tế tăng trưởng tốt, đảm bảo an sinh xã hội

Tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt, các hoạt động phát triển dịch vụ, thương mại, công nghiệp, nông nghiệp đều có hiệu quả. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, kim ngạch xuất khẩu đều tăng cao hơn cùng kỳ đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN