Tạo hành lang pháp lý thuận lợi để phát triển năng lượng tái tạo

Bộ Công Thương đang nghiên cứu, đề xuất luật hóa việc phát triển năng lượng tái tạo, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư thuộc thành phần kinh tế tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển năng lượng tái tạo. 

Chú thích ảnh
Quang cảnh diễn đàn.

Ngày 6/1, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức diễn đàn “Phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam: Tư duy và hành động trong giai đoạn mới” và Trao chứng nhận cho các dự án trong Chương trình bình chọn: “Dự án năng lượng tái tạo tiêu biểu Việt Nam năm 2022”.

Ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng cục Điện lực & Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, theo tính toán của Bộ Công Thương, dự báo trong những năm tới, khi nền kinh tế phục hồi, tăng trưởng nhu cầu điện sẽ tiếp tục tăng nhanh ở mức cao.

Theo ông Hùng, thực tiễn phát triển năng lượng, phát triển điện tại Việt Nam thời gian vừa qua đã cho thấy mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức, các nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước thiếu hụt và bắt đầu phải nhập khẩu năng lượng. Đứng trước các khó khăn về đảm bảo nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế thì việc chú trọng tới chuyển dịch năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững, đáp ứng các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu được xác định là mục tiêu then chốt và xuyên suốt trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam.

“Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều giải pháp về chính sách, cơ chế nhằm khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Tính đến hết năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện năng lượng tái tạo đã đạt khoảng 20,7 GW, chiếm hơn 27% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện. Việt Nam là quốc gia dẫn đầu khu vực về gia tăng công suất nguồn điện năng lượng tái tạo”, ông Phạm Nguyên Hùng cho biết.

Hiện nay trên thế giới, công nghệ năng lượng tái tạo đang phát triển vượt bậc, chi phí công nghệ đang giảm nhanh, các giải pháp công nghệ về truyền tải, lưu trữ điện đang có những tiến bộ mới. Đây là cơ hội tốt để Chính phủ tiếp tục xây dựng chính sách, kế hoạch hiện thực hóa mục tiêu chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh.

Ông Phạm Nguyên Hùng chia sẻ, Bộ Công Thương đang nỗ lực rà soát, hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) với những ưu tiên chính về phát triển nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng sạch.

Theo đó, đẩy mạnh phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời...) với giá thành hợp lý gắn với bảo đảm an toàn vận hành và tính kinh tế chung của hệ thống điện. Ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo quy mô nho cho mục đích tiêu thụ tại chỗ.

Đồng thời, ưu tiên phát triển các loại hình điện sinh khối, điện đồng phát, điện sản xuất từ rác, chất thải rắn nhằm tận dụng phụ phẩm nông lâm nghiệp, chế biến gỗ, thúc đẩy trồng rừng và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, xử lý môi trường.

Đặc biệt, khai thác tối đa tiềm năng thuỷ điện của đất nước trên cơ sở bảo đảm môi trường, bảo vệ rừng, an ninh nguồn nước. Đẩy mạnh phát triển các loại hình thủy điện tích năng, thủy điện trên các hồ thủy lợi, hồ chứa nước để điều hòa phụ tải, dự phòng công suất, tận dụng nguồn thủy năng. Phát triển nguồn điện sử dụng LNG ở quy mô phù hợp để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, sử dụng công nghệ hiện đại, hiệu suất cao. Không phát triển nguồn điện sử dụng LNG mới sau năm 2035. Các nhà máy điện sử dụng LNG định hướng chuyển dần sang sử dụng nhiên liệu hydro sau 10 năm vận hành. Đến năm 2050, đa số các nhà máy nhiệt điện khí chuyển hoàn toàn sang sử dụng hydro.

Bộ Công Thương đang nghiên cứu, đề xuất luật hóa việc phát triển năng lượng tái tạo, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư thuộc thành phần kinh tế tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển năng lượng tái tạo. 

Theo đại diện Bộ Công Thương, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền và triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và khuyến khích cải thiện hành vi, thói quen sử dụng điện, năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, phấn đấu tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng đạt khoảng 7% vào năm 2030 và 14% vào năm 2045.

“Đối với Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế được dự báo sẽ phát triển nhanh, những mục tiêu như đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ nhanh; Đảm bảo tiếp cận năng lượng cho người dân và nền kinh tế với chi phí hợp lý; Chuyển đổi hệ thống năng lượng xanh và bền vững, đạt được các cam kết của Việt Nam với quốc tế trong lĩnh vực năng lượng và chống biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là rất thách thức”, ông Hùng nhấn mạnh.

Trao đổi thêm, ông Phạm Nguyên Hùng cho biết, hiện nay quy hoạch điện VIII đã được Bộ Công Thương trình lần thứ nhất vào đầu tháng 11/2022 và đang chờ Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt cho dự án sớm nhất.

Về năng lượng tái tạo, sau khi kết thúc cơ chế khuyến khích hiện nay,  nhà đầu tư sau khi được lựa chọn sẽ tiến hành lập đàm phán với bên mua điện là Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

PV/Báo Tin tức
Chia sẻ kinh nghiệm về tăng nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống điện
Chia sẻ kinh nghiệm về tăng nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống điện

Ngày 7/12, Đại sứ quán Thụy Điển phối hợp cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức Hội thảo kỹ thuật “Chuyển đổi năng lượng - Vai trò của hệ thống điện”, tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN