Ngày 28/10, tại TP Hồ Chí Minh, Báo Thanh Niên đã tổ chức hội thảo “Đột phá kinh tế từ du lịch” quy tụ các ý kiến đóng góp cho ngành du lịch Việt Nam tạo đột phát để phát triển bền vững, từ đó khắc phục các khó khăn, hạn chế về hạ tầng du lịch và điểm yếu trong nguồn nhân lực của ngành này hiện nay.
Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Phó Tổng biên tập Báo Thanh Niên cho biết, hơn một thập kỷ qua, du lịch Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ và đạt được những kết quả khả quan. Đặc biệt, vài năm gần đây, số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam tăng vọt, đóng góp mạnh mẽ vào tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, ngành du lịch còn một số hạn chế, yếu kém nên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng. Nhiều cơ chế, chính sách còn bó buộc khiến các điểm đến tiềm năng như Phú Quốc, Phan Thiết... chưa thể phát huy hết nội lực; những sản phẩm du lịch làm thay đổi bộ mặt địa phương, được thế giới vinh danh như Cầu Vàng, Bà Nà... vấp phải sự chỉ trích về môi trường, đẩy nhà đầu tư vào rủi ro…
Trong khi đó, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết vừa qua có nhiều ý kiến cho rằng phát triển một dự án du lịch, hạ tầng du lịch mới có thể xâm hại môi trường khiến dư luận nghi ngại. Nhưng thực tế, muốn đánh giá hiệu quả của một dự án du lịch tại địa phương phải nhìn ở nhiều góc độ, chẳng hạn như dự án đó đem đến nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương, giúp người dân trong tỉnh tăng thu nhập, kinh tế tỉnh đó phát triển hơn….
“Hiện nay, du lịch được Đảng và Nhà nước đánh giá là ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng thế nào là mũi nhọn? Mũi nhọn có phải là tiên phong hay không? Nếu không được luận chứng rõ ràng, các địa phương có dự án du lịch cũng lúng túng không biết khái niệm mũi nhọn ra sao để ưu tiên chỗ nào, có cần hỗ trợ doanh nghiệp không và những doanh nghiệp đi tiên phong có thể gặp rủi ro không? Vì vậy, các địa phương, doanh nghiệp rất cần các nhà xây dựng chiến lược phát triển du lịch Việt Nam cho ra một khái niệm cụ thể về ngành kinh tế mũi nhọn, tiêu chí để du lịch là kinh tế mũi nhọn ra sao? Khi phát triển ngành du lịch kinh tế mũi nhọn thì doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ gì từ Chính phủ, Nhà nước để phát triển”, TS Trần Đình Thiên đặt vấn đề.
Cũng theo TS Trần Đình Thiên, cần xác định rõ khái niệm du lịch là kinh tế mũi nhọn để tránh các phản ứng không rõ ràng như các sự cố trong ngành du lịch vừa qua. Cụ thể, một số dự án du lịch ở Tam Đảo, trước đó là Tam Chúc, Bà Nà, Sơn Trà… bị cộng đồng phản ứng vì cho rằng ảnh hưởng đến môi trường và tạo ra tâm lý tiêu cực với ngành du lịch. Tuy nhiên thực tế, những dự án này đã và đang đem lại lợi ích rõ ràng cho điểm đến, địa phương, giải quyết hàng trăm công ăn việc làm cho người lao động... “Do đó, khi muốn phê phán một dự án du lịch mới nào, chúng ta cần phải đặt trên bàn cân lợi ích để có cái nhìn cụ thể, toàn diện", TS Trần Đình Thiên nói.
Theo TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam, du lịch Việt Nam có đủ điều kiện và sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nếu được quan tâm và đầu tư đúng mức. “Theo bảng xếp hạng của Tổ chức Du lịch thế giới, tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam xếp thứ 34/140 thế giới và tài nguyên văn hóa đứng thứ 29. Đây đều là những thứ hạng rất cao. Ngoài ra, về nguồn nhân lực, các doanh nghiệp Việt Nam có thể xây dựng những khách sạn, resort đẳng cấp, các doanh nghiệp lữ hành điều hành tour đều lớn mạnh tầm cỡ thế giới; doanh nghiệp điều hành khách sạn, resort làm rất tốt. Có thể nói, mọi phân khúc trong lĩnh vực du lịch, người Việt đều làm chủ được. Cùng với tiềm năng cực lớn về tài nguyên, không có lý gì du lịch không trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, TS Lương Hoài Nam cho biết.
Tuy nhiên, TS Lương Hoài Nam cũng cho rằng, Việt Nam có thiên nhiên đẹp, tài nguyên văn hóa dồi dào, con người giỏi, nhưng đi đến giờ vẫn mới chỉ bằng một nửa Thái Lan về cả du lịch quốc tế lẫn nội địa. Nguyên nhân do chúng ta có nhiều điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển, trong đó nút thắt lớn nhất là quan điểm phát triển bền vững đang là vấn đề "nóng".
"Thực tế, tất cả các bộ, ban ngành đều đồng thuận với chủ trương phải phát triển bền vững nhưng chưa có tiêu chí, không có cơ sở để đánh giá thế nào là phát triển bền vững. Vì thế, mọi cuộc tranh cãi đang nổ ra trong xã hội liên quan đến các dự án du lịch đều nằm giữa 2 thái cực bảo tồn tuyệt đối hay phát triển không quan tâm đến môi trường, gây ra các làn sóng phản đối tiêu cực, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành du lịch”, ông Nam cho biết.
Theo TS Lương Hoài Nam, muốn phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Chính phủ cần sớm ban hành các bộ tiêu chí về phát triển bền vững, chi tiết đến mức có thể dùng để áp vào các dự án đầu tư du lịch một cách dễ dàng. Qua đó, đánh giá dự án có phù hợp hay không, ủng hộ được hay không; đồng thời cần có cơ chế minh bạch một cách tối đa các dự án du lịch tác động đến thiên nhiên, tài nguyên, văn hóa để dân biết, dân bàn và dân kiểm tra. Từ đó, tăng sự đồng thuận, giảm sự xung đột giữa chính quyền và doanh nghiệp.
Là đơn vị có tiếng trong ngành du lịch Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty lữ hành Vietravel, cho biết ngành du lịch Việt Nam muốn phát triển đột phá phải có chính sách, cơ chế mở cho nó. “Chính sách đó khi Chính phủ ban hành, doanh nghiệp cần hiểu theo hai chiều, một chiều doanh nghiệp đòi hỏi Chính phủ ban hành chính sách nhưng tự thân doanh nghiệp phải có chính sách của mình, không ngồi chờ Chính phủ ban hành. Cụ thể, doanh nghiệp có thể đề xuất chính sách, cơ chế cho việc phát triển du lịch để Chính phủ xem xét. Khi doanh nghiệp có yêu cầu chính đáng, hợp lý và đưa ra các tác động, lợi ích cụ thể cho địa phương chắc chắn chính quyền địa phương, Nhà nước, Chính phủ sẽ ủng hộ và cho cơ chế mở. Mặt khác, ngành du lịch muốn tạo đột phát để phát triển, trước tiên cần chuẩn bị kỹ về nguồn nhân lực cho ngành du lịch, bởi ngành du lịch Việt Nam đang cần nguồn nhân lực dồi dào, được đào tạo lành nghề chuyên sâu, chứ hiện nay Việt Nam đang thiếu và yếu về nguồn nhân lực du lịch, cụ thể là thừa lao động trình độ cao, nhưng thiếu lao động lành nghề và lao động có qua đào tạo”.