Theo ông Vũ Đức Hội, Dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) còn tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm như: Rà soát, sửa đổi các quy định về phân cấp nhiệm vụ chi ngân sách theo hướng phân định rõ ràng trách nhiệm, quyền hạn của mỗi cấp trong việc sử dụng ngân sách, ưu tiên bố trí nguồn lực cho những nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Hồ Sỹ Hùng phát biểu tại Hội thảo sáng 11/4.
Dự thảo Luật tăng thẩm quyền cho Chính phủ trong việc quyết định điều chỉnh dự toán thu, chi của một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, nhưng không làm tăng mức vay, bội chi NSNN, tăng thẩm quyền cho UBND các cấp địa phương quyết định điều chỉnh dự toán chi ngân sách địa phương (NSĐP), sau đó mới báo cáo lại cấp có thẩm quyền.
“Việc xử lý tăng, giảm thu, chi so với dự toán trong quá trình chấp hành NSNN được sửa đổi theo hướng: Bỏ quy định thứ tự ưu tiên khi phân bổ số tăng thu và các khoản dự toán chi còn lại của cấp ngân sách; đồng thời, mở rộng phạm vi được sử dụng nguồn lực này (bổ sung tăng dự phòng ngân sách và các nhiệm vụ cần thiết khác chưa được bố trí dự toán ngân sách năm sau)... nhằm nâng cao hiệu quả, tính kịp thời trong giải quyết các vấn đề phát sinh”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.
Ông Vũ Đức Hội, Vụ trưởng Vụ NSNN (Bộ Tài chính).
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tối ưu hóa quy trình, thủ tục trong công tác lập dự toán, chấp hành, quyết toán ngân sách cũng được đặc biệt quan tâm như: Cắt giảm các thủ tục liên quan đến quy trình xây dựng và thông báo số kiểm tra thu, chi ngân sách hằng năm và 3 năm; quy trình xây dựng và báo cáo kế hoạch tài chính NSNN 3 năm; trình tự và yêu cầu lập dự toán chi, nhất là đối với lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số... Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan tài chính và các đơn vị sử dụng ngân sách; rút ngắn thời gian tổng hợp, lập quyết toán ngân sách.
Hội thảo lấy ý kiến về sửa đổi toàn diện Luật NSNN.
Theo Thứ trưởng Hồ Sỹ Hùng, sau hơn 8 năm thực hiện, Luật NSNN năm 2015 đã góp phần quan trọng trong việc quản lý, sử dụng NSNN hiệu quả, minh bạch, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, với những thay đổi về kinh tế, xã hội, quốc tế, Luật đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cần phải được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển.
"Do vậy, việc sửa đổi toàn diện Luật NSNN là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với việc quản lý, sử dụng tài chính NSNN của Quốc gia, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn mới và thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy hướng tới mục tiêu tăng cường xây dựng một bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu năng và hiệu quả", ông Hồ Sỹ Hùng cho biết.
Hồ sơ xây dựng luật được thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn, dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.