Kích cầu tín dụng
Trong bối cảnh lực cầu tín dụng hiện nay yếu hơn mọi năm, cuộc đua hút khách vay của nhiều ngân hàng thương mại (NHTH) tăng cao, với lãi suất cho vay bình quân trong hệ thống ngân hàng đã giảm gần 1% so với cuối năm 2023, về mức 8,3%/năm.
Ông Đinh Hoàng Long, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây lắp điện Quang Huy cho biết, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đã có tín hiệu khởi sắc, nhưng tốc độ phục hồi chậm, vẫn còn nhiều khó khăn hiện hữu như giá cả đầu vào nguyên vật liệu tăng cao, bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp; các chi phí phát sinh thực tế cao hơn nhiều so với định mức ban hành, tác động trực tiếp tới kinh doanh.
Theo ông Phạm Minh Đức, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần May Nam Định, doanh nghiệp hiện có đủ đơn hàng xuất khẩu năm 2024 và đến quý II/2025. Song doanh nghiệp đang cần tiếp cận vốn vay để nhập nguyên liệu đầu vào và kích cầu tín dụng...
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc phát triển kinh doanh, Khối Khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) cho biết: Ngân hàng đã tung ra nhiều gói tín dụng ưu đãi dành cho doanh nghiệp. Chỉ sau hơn 1 tháng triển khai gói lãi suất ưu đãi 8%, chương trình tín dụng đã thu hút nhiều doanh nghiệp có doanh thu dưới 100 tỷ đồng và các doanh nghiệp xây dựng sử dụng vốn ngân sách. Tổng dư nợ khách hàng đăng ký tham gia chương trình đạt hơn 300 tỷ đồng. So với các khoản vay thông thường, khách hàng sẽ giảm được chi phí vốn vay lên đến 20%, với lãi suất chỉ 8%, thấp hơn mức bình quân.
Từ nay đến hết ngày 31/12/2024, ABBank triển khai chương trình miễn phí, giảm lãi vay cho các doanh nghiệp xây lắp. Các doanh nghiệp có nhu cầu tín dụng (như phát hành bảo lãnh, vay vốn...) sẽ được miễn 100% phí đối với bảo lãnh dự thầu và giảm đến 50% phí đối với các loại bảo lãnh khác. Ngoài ra, doanh nghiệp còn được ABBank phát hành bảo lãnh ưu đãi với tỷ lệ tín chấp lên đến 100% giá trị bảo lãnh. Đặc biệt, ngân hàng còn dành cho các nhà thầu xây lắp chính sách ưu đãi lãi suất cho vay từ 4,8%/ năm để thực hiện các gói thầu.
Ông Phạm Duy Hiếu, quyền Tổng giám đốc ABBank phân tích, sự hồi phục của nền kinh tế trong những tháng cuối năm sẽ rõ nét, sức hấp thụ vốn tốt hơn. Đối với khách hàng cá nhân, nhu cầu vốn tăng chậm hơn doanh nghiệp, kể cả với tín dụng mua nhà. ABBank đang đẩy mạnh cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với tỷ lệ chiếm khoảng 15% tổng dư nợ. Để tăng trưởng tín dụng hiệu quả và hạn chế rủi ro, cần đảm bảo 3 yếu tố: Ý thức của tổ chức tín dụng (TCTD) trong quyết định cho vay; cho vay phải tuân thủ quy định; phải tìm được tiếng nói chung giữa ngân hàng và khách hàng để có phương án quản trị khoản vay hiệu quả.
Đại diện nhiều ngân hàng cũng đồng tình chủ trương kích cầu tín dụng. Đơn cử, từ nay đến cuối năm, PVcomBank vẫn triển khai các giải pháp giúp khách hàng doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn; rà soát và đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng và các sản phẩm dịch vụ tài chính; đồng thời, tập trung đẩy mạnh tín dụng vào 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên, trong đó ưu tiên giải ngân gói lâm sản thủy sản và cho vay ngoại tệ đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Hay Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) đang đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng phù hợp mục đích sử dụng vốn của khách hàng. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng tích cực tham gia các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn...
Nới lỏng điều kiện vay vốn
Cho vay tiêu dùng sẽ được nhiều ngân hàng chú trọng đẩy mạnh từ nay tới cuối năm. Theo NHNN, lãi suất cho vay tiếp tục giữ ở vùng thấp, ở mức 7,3 - 9,5%/năm so với mức 8 - 10,1%/năm vào thời điểm cuối năm 2023. Đối với lĩnh vực vay tiêu dùng, mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà để ở của nhiều ngân hàng đã xuống mức thấp nhất từ trước đến nay, dao động từ 9 - 13%/năm.
Mặt khác, dù ngân hàng có những chính sách ưu đãi về lãi suất, nhưng những khách hàng là người lao động có thu nhập trung bình thấp, không có tài sản thế chấp và chưa có lịch sử tín dụng sẽ khó tiếp cận được các khoản vay này. Để tháo gỡ vấn đề này, NHNN vừa ban hành Thông tư 12/2024 sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư 39 về hoạt động cho vay.
Theo Thông tư 12, các khoản cho vay tiêu dùng dưới 100 triệu đồng không cần phương án sử dụng vốn khả thi, giúp ngân hàng dễ dàng tiếp cận và hỗ trợ khách hàng hơn. Từ nay đến cuối năm, người dân vay ngân hàng dưới 100 triệu đồng sẽ không phải cung cấp phương án sử dụng vốn. Khách hàng chỉ cần cam kết mục đích sử dụng vốn hợp pháp và đáp ứng về khả năng trả nợ là có thể được giải ngân.
“Dư nợ cho vay mảng tiêu dùng chiếm khoảng hơn 20%. Được tháo gỡ “điểm nghẽn” này, các ngân hàng sẽ tăng trưởng tín dụng về mảng cho vay tiêu dùng; đồng thời, cũng có những quy định nâng cao hơn đối với những cá nhân, tổ chức tham gia việc thẩm định các khoản vay về tài sản đảm bảo”, ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Khoa Tài chính ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi cho biết.
Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh vẫn còn khó khăn, trong những tháng cuối năm, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Không chỉ phía ngân hàng, các bộ, ngành địa phương cần đồng bộ các giải pháp trợ lực giúp doanh nghiệp tồn tại và trụ vững, cải thiện môi trường kinh doanh để dễ tiếp cận thị trường.
TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh: Việt Nam cần quyết liệt hơn trong cải cách thể chế, bởi thể chế cũng chính là nguồn lực. Mấu chốt là các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thực chất các thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư kinh doanh, vay vốn sản xuất.
Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương cần tạo ra động lực liên kết giữa các địa phương và doanh nghiệp theo tư duy chuỗi giá trị, để cùng hợp tác, cùng phát triển, tập trung gỡ khó về tiếp cận thị trường xuất khẩu, tạo thuận lợi thương mại, khuyến khích đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm và khai thác hiệu quả các thị trường ngách.
“Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ, công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử giữa các đối tượng doanh nghiệp, từ đó lấy lại và tạo dựng niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp. Phía các doanh nghiệp cũng phải tự nhìn nhận lại mình, tăng cường năng lực quản trị, tài chính, nhằm tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường”, TS Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh.