Tăng giá trị cho doanh nghiệp thông qua mã số, mã vạch

Ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu hiện nay đối với việc kiểm soát chất lượng sản phẩm, phòng, chống hàng giả, nhái, kém chất lượng. Trong số này, công cụ mã số, mã vạch đã và đang được các nhà sản xuất, bán lẻ, dịch vụ vận chuyển, cơ quan quản lý, người tiêu dùng… sử dụng hiệu quả trong quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Chú thích ảnh
Sầu riêng được phân loại kỹ càng theo tiêu chuẩn khắt khe (6 trái/thùng) trước khi được đóng thùng để xuất khẩu đi Trung Quốc. Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN

Công cụ đắc lực trong quản lý chất lượng sản phẩm

Mã số, mã vạch là một trong những công nghệ nhận dạng và thu thập dữ liệu sản phẩm một cách tự động dựa trên nguyên tắc: Đặt cho sản phẩm một dãy số hoặc dãy chữ, sau đó dãy số sẽ được mã hóa dưới dạng mã vạch để máy quét có thể đọc được.

Mã số, mã vạch như một thẻ để chứng minh về xuất xứ sản xuất, lưu thông của nhà sản xuất sản phẩm trên một quốc gia này tới các thị trường trong nước hoặc đến một quốc gia khác trên thế giới.

Mã số được sử dụng để chứng minh về xuất xứ sản xuất, sự lưu thông hàng hóa của sản phẩm này. Mỗi loại hàng hóa sẽ được gắn cho sản phẩm một dãy số duy nhất. Nói theo cách khác, đây là một sự phân biệt hàng hóa trên từng vùng, từng quốc gia khác nhau.

Mã vạch là một dãy các vạch (đậm, nhạt, dài, ngắn), giữa các vạch có những khoảng trống song song xen kẽ được sắp xếp theo một quy tắc mã hóa nhất định để thể hiện mã số để máy có thể đọc được. Ngày nay, mã vạch còn có thể được in theo các mẫu của các điểm, theo các vòng tròn đồng tâm, hoặc ẩn trong hình ảnh. Hiện nay, có hai loại chính là mã số 1 chiều (1D) và mã số hai chiều (2D), nhưng phân ra nhiều hệ thống mã vạch như EAN 13, CODE 39, QR CODE,…

Việc đăng ký mã số, mã vạch sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà cung cấp trong quá trình quản lý, phân phối; nắm rõ được xuất xứ, nguồn gốc của mỗi loại sản phẩm.

Trong giao lưu thương mại quốc tế, việc đăng ký mã số, mã vạch giúp nhà sản xuất, nhà cung cấp tránh được các hiện tượng gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cùng với đó, sản phẩm hàng hóa có thể lưu thông toàn cầu mà vẫn biết được lai lịch cũng như đảm bảo độ chính xác về giá cả và thời gian giao dịch rất nhanh.

Trong giao dịch mua bán, công cụ này giúp kiểm soát được tên hàng, mẫu mã, quy cách, giá cả, nhập kho hàng không bị nhầm lẫn và nhanh chóng, thuận tiện. Tại Việt Nam, Chính phủ đã giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ, cụ thể là Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia (thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) là cơ quan quản lý nhà nước về mã số, mã vạch; là đại diện của Việt Nam tham gia Tổ chức Mã số mã vạch quốc tế GS1.

Theo ông Bùi Bá Chính, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số, mã vạch quốc gia (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), với chức năng, nhiệm vụ được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng như Bộ Khoa học và Công nghệ giao, đến thời điểm này, Trung tâm Mã số, mã vạch Quốc gia đã thực hiện việc cấp khoảng 70 nghìn đầu mã doanh nghiệp. Sau khi được cấp đầu mã này, các doanh nghiệp chủ động sinh ra các mã thương phẩm của sản phẩm kinh doanh. Hiện tại, cơ sở dữ liệu quốc gia đã có trên dưới 1 triệu chủng loại sản phẩm đã được cấp mã. Mỗi sản phẩm khi được đưa lên kệ ở siêu thị, các trang thương mại điện tử đều là các sản phẩm cuối chuỗi. Nếu áp dụng các công cụ về mã số, mã vạch và các công cụ định danh tương tự khác trong quá trình hình thành nên sản phẩm, quá trình số hóa của cả chuỗi sản phẩm sẽ được thực hiện đầy đủ và dễ dàng hơn.

Phù hợp xu hướng thế giới

Trong quản lý chất lượng sản phẩm, mã số, mã vạch là yếu tố cơ bản liên kết thông tin về điều kiện bảo đảm chất lượng sản phẩm như các công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy, chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy của sản phẩm, hàng hóa.

Đây cũng là công cụ phục vụ nhà sản xuất giám sát chất lượng sản phẩm, truy tìm, xác định nguồn gốc, nguyên nhân sự cố liên quan đến sản phẩm. Đồng thời, giúp người tiêu dùng tra cứu, tìm kiếm thông tin về chất lượng sản phẩm; tạo thuận lợi cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý quá trình sản xuất và lưu thông sản phẩm.

Theo ông Nghiêm Thanh Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp chuẩn hợp quy, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), hiện nay, các nước đã và đang tăng cường kiểm tra nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa thông qua việc ứng dụng công nghệ, trong đó có mã số, mã vạch. Từ những lý do trên, ngày 15/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2018/NĐ-CP, trong đó bổ sung quy định về quản lý mã số, mã vạch. Ngày 21/1/2022, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 13/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 132/2008/NĐ-CP, trong đó bổ sung quy định quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

Trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng mang lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tạo ra giá trị mới nhờ việc cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm mới; tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa, nâng cao uy tín, thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước, việc ứng dụng mã số, mã vạch trên nền tảng công nghệ như Blockchain, IoT, AI và các công nghệ mới khác sẽ tạo ra hệ sinh thái số, dữ liệu lớn (Big data) phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.

Ông Nghiêm Thanh Hải cho rằng, để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, việc xem xét, bổ sung quy định về ứng dụng công nghệ, trong đó có mã số, mã vạch trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, ghi nhãn điện tử vào trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là cần thiết.

Thu Phương (TTXVN)
Cấm xuất khẩu nếu gian lận mã số vùng trồng
Cấm xuất khẩu nếu gian lận mã số vùng trồng

Đối với các vi phạm về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương kiểm tra việc cấp, quản lý và sử dụng mã số. Nếu các lô hàng hóa mà cơ quan kiểm dịch thực vật phát hiện vi phạm sẽ yêu cầu tái xuất về nội địa, không cho phép xuất khẩu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN