Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Ngô Thị Minh Trinh, năm 2023, sản lượng sầu riêng của huyện ước đạt 60.157 tấn, giá trị 4.812 tỷ đồng (tính giá trung bình 80.000 đồng/kg). Huyện hiện có 34 mã số vùng trồng và 9 mã số cơ sở đóng gói. Năm 2023 là năm “được mùa, được giá” của sầu riêng. Lợi nhuận từ việc sản xuất và kinh doanh sầu riêng là rất cao, kéo theo sự phát triển của các ngành dịch vụ đi kèm, trong đó có hoạt động đầu tư xây dựng kho bãi để chế biến, đóng gói sản phẩm sầu riêng.
Toàn huyện hiện có 183 kho chế biến, đóng gói sản phẩm sầu riêng, phân bổ chủ yếu ở 4 xã, thị trấn: Ea Yông, Ea Kênh, Ea Knuếc và thị trấn Phước An. Năm 2023, UBND huyện đã ban hành hơn 10 văn bản chỉ đạo, điều hành đối với hoạt động sản xuất kinh doanh sầu riêng nói chung, trong đó có việc tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng đối với hoạt động xây dựng nhà kho. Đối với việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng và đất đai đã được xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền với 44 trường hợp, tổng số tiền phạt là 786 triệu đồng; thu nộp ngân sách 632 triệu đồng, số chưa nộp là 153 triệu đồng. Việc khắc phục hậu quả đang được triển khai đồng bộ các biện pháp để thực hiện một cách triệt để.
Theo kết luận của Sở Xây dựng tỉnh Đắk Lắk, kiểm tra ngẫu nhiên 32 kho sầu riêng tại huyện, hầu hết các công trình đều vi phạm. Việc huyện chỉ xử lý các kho nhỏ, bỏ qua các kho lớn, gây bất bình đẳng. Về việc này, bà Ngô Thị Minh Trinh thừa nhận, việc xây dựng kho của các cá nhân, hộ gia đình, tổ chức trên địa bàn chưa tuân thủ đúng các quy định pháp luật về trật tự xây dựng và đất đai. Theo bà Trinh, vừa qua là mùa vụ “được mùa, được giá” sầu riêng, do đó các tổ chức, cá nhân trên địa bàn có điều kiện quỹ đất rộng, giao thông thuận tiện đã đầu tư xây dựng kho để cho thuê. Bên cạnh đó, huyện chưa có cụm công nghiệp để tập trung sản xuất, sơ chế, đóng gói hàng hóa. Dù huyện đã tổ chức kiểm tra nhưng chưa tiến hành đối với tất cả nhà kho.
Bà Ngô Thị Minh Trinh cho biết, quan điểm của huyện kiên quyết xử lý nghiêm các kho sầu riêng không đúng pháp luật. Kho nào khắc phục được sẽ tạo điều kiện, kho nào không khắc phục sẽ xử lý, yêu cầu tháo dỡ. UBND huyện đang thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để rà soát lại toàn bộ quá trình xử lý vi phạm hành chính đối với các công trình nhà kho trên địa bàn. Ngoài ra, với tồn tại của các địa phương, các cán bộ xử lý vụ việc, phía huyện cũng xem xét xử lý trách nhiệm.
Về thông tin từ báo chí phản ánh ông Y Suôn Byă (nguyên Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc) và ông Trần Đức Lanh (nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc) cũng xây kho bãi trái phép, bà Ngô Thị Minh Trinh khẳng định, phía huyện đã ra quyết định xử phạt đối với ông Y Suôn là 22 triệu đồng và yêu cầu hoàn thiện các quy định nếu không sẽ buộc tháo dỡ. Riêng với ông Lanh, phía huyện đang hoàn thiện hồ sơ để xử lý. UBND huyện đang xây dựng quy hoạch Cụm công nghiệp xã Tân Tiến, những kho bãi sầu riêng tập trung về một chỗ, tránh ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông và đời sống khu dân cư.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà, huyện Krông Pắc đã có buông lỏng trong quản lý xây dựng kho sầu riêng, dẫn đến những tồn tại mà Sở Xây dựng đã chỉ ra. Ông Nguyễn Tuấn Hà đề nghị, UBND huyện phải tiếp thu các ý kiến từ báo chí phản ánh, có hướng khắc phục theo kết luận của Sở Xây dựng. Đây cũng là bài học về quản lý nhà nước trên địa bàn. Huyện cần nhìn thẳng vào công tác quản lý xây dựng để rút kinh nghiệm và cương quyết rà soát toàn bộ kho bãi, xử lý theo quy định đối với các trường hợp sai phạm.