Hội nghị diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Lào Khamjane Vongphosi; Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Thương mại Campuchia Cham Nimul.
Tham dự Hội nghị còn có đông đảo đại diện lãnh đạo các bộ ngành liên quan của ba nước; chính quyền, các sở, ngành của 13 tỉnh thuộc khu vực Tam giác phát triển (TGPT) gồm Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Bình Phước (Việt Nam), Sekong, Attapeu, Salavan, Champasak (Lào) và Stung Treng, Rattanakiri, Mondul Kiri, Kratie (Campuchia)...
Tại Hội nghị các Bộ trưởng ghi nhận sự hợp tác tích cực của ba nước trong việc hoàn thiện Báo cáo rà soát tình hình thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Khu vực TGPT CLV đến năm 2020 và đề xuất dự thảo Tầm nhìn TGPT CLV đến năm 2030 cũng như những năm tiếp theo. Các Bộ trưởng cũng nhất trí trình Báo cáo và đề xuất nêu trên lên Hội nghị Cấp cao TGPT CLV lần thứ 12 tại Campuchia vào năm 2024.
Các Bộ trưởng yêu cầu các tổ chức liên quan của ba nước phối hợp thống nhất các kế hoạch hành động của Kế hoạch phát triển du lịch cho Khu vực TGPT CLV 2020 – 2025 và Tầm nhìn đến năm 2030 cũng như Kế hoạch phát triển công nghiệp cao su bền vững trong Khu vực TGPT CLV đã được thông qua tại Hội nghị cấp cao TGPT CLV lần thứ 11.
Các Bộ trưởng đánh giá cao nỗ lực của ba nước trong việc thực hiện Hiệp định Xúc tiến và Tạo thuận lợi Thương mại cho TGPT CLV; yêu cầu các cơ quan, địa phương liên quan trong TGPT CLV tăng cường hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối kinh doanh và thu hút các doanh nghiệp của các nước khác tham gia hợp tác đầu tư và thương mại trong TGPT CLV.
Các Bộ trưởng cũng ghi nhận thành công bước đầu trong việc xây dựng danh mục nhiệm vụ, chương trình, dự án, kế hoạch triển khai Kế hoạch hành động Kết nối kinh tế CLV đến năm 2030; khuyến khích các nước CLV hợp tác chặt chẽ để tìm kiếm sự hỗ trợ hoặc hỗ trợ tài chính cho các dự án phát triển trong CLV, đặc biệt trong việc triển khai Kế hoạch hành động Kết nối kinh tế CLV đến năm 2030.
Các Bộ trưởng còn tái khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề đối ngoại và an ninh thông qua các cơ chế hợp tác CLV hiện có cũng như các khuôn khổ hợp tác song phương khác nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển bền vững và thịnh vượng trong TA CLV; Nhất trí tăng cường hợp tác về ứng phó với biến đổi khí hậu như lũ lụt, hạn hán, xói mòn bờ sông..., sử dụng và quản lý bền vững tài nguyên nước xuyên biên giới, bảo tồn đa dạng sinh học, kinh tế xanh và tuần hoàn, du lịch... nhằm góp phần vào sự phát triển bền vững và toàn diện trong Khu vực TGPT CLV và 3 nước...
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ với Lào và Campuchia, coi đây là nhiệm vụ chiến lược và dành ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Bộ trưởng cho biết sau 25 năm kể từ khi thiết lập khu vực Tam giác phát triển, ba nước CLV đã phối hợp thực hiện nhiều hoạt động hợp tác chung, đã và đang góp phần xây dựng khu vực TGPT CLV không chỉ trong thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo và tăng cường sự kết nối với khu vực mà còn thúc đẩy sự giao lưu, trao đổi giữa Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức và người dân của ba nước thông qua sự hợp tác toàn diện ở các lĩnh vực gồm giao thông vận tải, viễn thông, năng lượng, thương mại, đầu tư, công nghiệp, tài chính ngân hàng, nông nghiệp, du lịch, y tế, văn hóa, lao động, giáo dục, môi trường, khoa học và công nghệ.
Theo Bộ trưởng KH&ĐT Việt Nam, bên cạnh những kết quả của khu vực đã đạt được trong thời gian qua, phải thẳng thắn thừa nhận thực tế rằng những kết quả này vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng đặt ra, chưa thực sự tạo được bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong khu vực. Để thúc đẩy việc triển khai cũng như xây dựng định hướng, kế hoạch hợp tác của Khu vực TGPT CLV cho các năm tiếp theo, đòi hỏi ba nước cần phải có những giải pháp đột phá về phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và cải cách thể chế.
Bộ trưởng KH&ĐT Việt Nam đề xuất 3 nước CLV cần ưu tiên nguồn lực cho phát triển các tuyến giao thông huyết mạch phục vụ vận chuyển hàng hóa đến các cảng biển, các trung tâm thương mại; Cần có giải pháp đồng bộ phát triển nguồn nhân lực nhằm thu hút đầu tư, đặc biệt là trong các lĩnh vực khu vực có thế mạnh như nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, khai khoáng, du lịch...
Bên cạnh đó, ba nước cũng cần tiếp tục thực hiện các chương trình hợp tác thuộc các lĩnh vực, cụ thể. Cần tiếp tục phổ biến và xây dựng Kế hoạch hành động thúc đẩy triển khai hiệu quả các Hiệp định, Thỏa thuận đã thống nhất và ký kết trong khuôn khổ hợp tác của khu vực TGPT CLV, bao gồm cả các Hiệp định, Thỏa thuận hợp tác song phương đã được ký kết giữa các nước; Tiếp tục nghiên cứu để cụ thể hóa, thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù cho khu vực TGPT CLV để khuyến khích thương mại-đầu tư, trong đó chú trọng thương mại biên giới và phát triển kinh tế cửa khẩu trên đất liền giữa ba nước, xây dựng hạ tầng cơ sở biên giới. Đơn giản hóa thủ tục vận chuyển hàng hóa qua biên giới, bảo quản nông sản, kiểm định chất lượng... góp phần giảm chi phí về lao động, phương tiện đi lại…; Tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, điện mặt trời, điện gió, công nghiệp khai thác, chế biến được triển khai trong khu vực; Triển khai nhanh, hiệu quả Kế hoạch hành động kết nối ba nền kinh tế để nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng thu hút đầu tư nước ngoài, rút ngắn khoảng cách phát triển với các thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khác.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, bên cạnh hợp tác phát triển kinh tế, 3 nước cũng cần chú trọng tăng cường hợp tác về an ninh-đối ngoại, xã hội, môi trường; tăng cường sự hợp tác giữa các tỉnh trong khu vực...
Kết thúc Hội nghị, các Chủ tịch Ủy ban điều phối chung ba nước đã ký Biên bản Hội nghị Ủy ban điều phối chung lần thứ 13 Khu vực TGPT CLV, yêu cầu các Bộ trưởng, cơ quan, địa phương liên quan của ba nước tích cực triển khai các cam kết được đưa ra trong báo cáo này.
Tam giác phát triển khu vực biên giới Campuchia, Lào và Việt Nam được Thủ tướng ba nước quyết định thành lập vào năm 1999 nhằm tăng cường đoàn kết và hợp tác ba nước để bảo đảm an ninh, ổn định chính trị, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực. Trong 25 năm qua, Việt Nam tham gia rất tích cực và có nhiều đóng góp quan trọng đối với TGPT CLV. Đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư vào khu vực này 110 dự án, với tổng vốn đầu tư trên 3,7 tỷ USD.