Hiệu quả kinh doanh chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ
DNNN được xem là khu vực xây dựng, phát triển hạ tầng kinh tế quan trọng và những ngành, lĩnh vực mũi nhọn để tạo động lực phát triển kinh tế, trong điều kiện khu vực tư nhân còn chưa lớn mạnh và không có khả năng thực hiện. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đỗ Thành Trung, ngoài các kết quả tích cực đã đạt được, hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN, đặc biệt trong đầu tư thời gian qua còn một số tồn tại.
Cụ thể, các DNNN còn chậm chuyển mình trong thời đại, bối cảnh mới; vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác chưa được phát huy rõ nét. DNNN có hiệu quả hoạt động tốt, nhưng chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, nhất là với khối tổng tài sản lên tới hơn 3,7 triệu tỷ đồng. Việc đầu tư nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo còn hạn chế, đặc biệt trong các ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế như các công nghệ lõi, công nghệ số, các ngành năng lượng mới, năng lượng sạch...
Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho hay: Trong 8 tháng năm 2023, các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc UBQLV Nhà nước tại doanh nghiệp đã giải ngân đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng (bằng 49% kế hoạch năm), tăng 22% so với 7 tháng năm 2023. Một số dự án trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ như: Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2; dự án LNG Thị Vải; chuỗi dự án Lô B, Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; dự án Nhà ga T3 Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất… Song, một số dự án đầu tư còn chậm tiến độ triển khai, làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn (UBQLV) Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết: Các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước trực thuộc Ủy ban hiện nắm giữ hơn 60% vốn của tất cả DNNN. Trong hành trình 5 năm qua, Ủy ban đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy nguồn lực của DNNN.
Ủy ban đã hoàn thành xử lý hầu hết công việc chuyển giao từ các Bộ còn xử lý dở dang, tồn đọng qua nhiều thời kỳ, phức tạp, vướng mắc. “Tiếp nhận vai trò Cơ quan thường trực và Chủ tịch Ủy ban làm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương. Đến nay, công tác xử lý các tồn tại, yếu kém của nhiều dự án, doanh nghiệp đã có những tiến triển quan trọng. Ủy ban đã tăng cường kiểm tra, giám sát về tài chính doanh nghiệp; đốc thúc doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư lớn, quan trọng; chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước với mục tiêu bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước”, ông Nguyễn Hoàng Anh nhận định.
UBQLV Nhà nước còn là đầu mối tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về đầu tư; quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước; sắp xếp lại, xử lý đất đai; quản lý, sử dụng tài sản công; cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Ủy ban đã đề xuất và phối hợp với các cơ quan quản lý nhà Nước tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều Nghị quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã tồn tại từ nhiều năm để thúc đẩy tiến độ nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp.
Năm 2023, tổng vốn chủ sở hữu (hợp nhất) của 19 Tập đoàn, Tổng công ty khoảng 1.176 nghìn tỷ đồng. Tổng tài sản hợp nhất hơn 2.459 nghìn tỷ đồng, tăng 14,2 nghìn tỷ đồng so với năm 2022. Các Tập đoàn, Tổng công ty tiếp tục là vai trò nòng cốt trong nhiều ngành; tạo nguồn thu đáng kể cho NSNN.
Đổi mới phương thức quản lý vốn theo hướng phân cấp, quy trách nhiệm
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung đề nghị: Để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới và tiếp tục triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với DNNN, cần tập trung xác định một số vấn đề cơ bản.
Thứ nhất, cần nhận định, đánh giá lại vị thế, vai trò của DNNN từ đó làm rõ mục tiêu sắp xếp, cải cách khu vực DNNN phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam.
Thứ hai, cần bàn luận đưa ra các định hướng đổi mới phương thức quản lý phần vốn Nhà nước của doanh nghiệp theo hướng tiếp tục đẩy mạnh phân công, phân cấp việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong bối cảnh mới, đặc biệt giải pháp nào nâng cao vai trò của UBQLV Nhà nước tại doanh nghiệp.
“Với việc quản lý 19 Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước lớn, nắm giữ 1,1 triệu tỷ đồng trong tổng số 3,7 triệu tỷ đồng tài sản của toàn bộ khối DNNN, Ủy ban cần là 'nhạc trưởng' trong việc điều phối, huy động nguồn lực của 19 doanh nghiệp phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho rằng, cần đánh giá rõ hơn về tình hình thực hiện đầu tư và hiệu quả đầu tư của DNNN trong thời gian qua để từ đó xác định được những vướng mắc cần tháo gỡ, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các quyết sách khơi thông nguồn lực, tạo đột phá, phát huy vai trò của DNNN.
“DNNN cần làm những việc lớn, việc khó, việc mới để tạo lực cho phát triển kinh tế, nhường dư địa phát triển cho doanh nghiệp tư nhân ở những lĩnh vực khác. Các lĩnh vực như điện gió ngoài khơi, hydrogen xanh hay công nghiệp bán dẫn… là những lĩnh vực đòi hỏi sự tham gia của các DNNN, đặc biệt là DNNN quy mô lớn”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT gợi mở.
Về phía UBQLV Nhà nước, theo ông Nguyễn Hoàng Anh, cần tiếp tục kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả trong việc thực hiện chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển; bảo toàn, phát triển vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chủ động trong các hoạt động; hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, đảm bảo đúng nguyên tắc, không can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp.
Tình hình xử lý 12 dự án yếu kém, chậm tiến độ của ngành Công thương:
+ 8 dự án đã được phê duyệt phương án xử lý gồm:
-Dự án sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ: Vận hành hiệu quả 27 dây chuyền sợi DTY, doanh thu bù đắp được chi phí biến đổi và có lợi nhuận trước định phí.
-Bốn dự án sản xuất phân bón: Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc duy trì chạy máy liên tục, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường và đạt hiệu quả cao; Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình duy trì vận hành hiệu quả hệ thống máy móc thiết bị với phụ tải cao, chủ động được vốn lưu động, trả được bớt nợ, chấm dứt phụ thuộc vào vốn ứng trước để mua vật tư sản xuất; Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 đã sản xuất ổn định, hàng năm có lãi và đã hết lỗ lũy kế từ tháng 01/2022; Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai đã thực hiện tốt các chỉ tiêu SXKD, kiểm soát hiệu quả các định mức so với kế hoạch.
-Ba dự án sản xuất nhiên liệu sinh học: các Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, Phú Thọ, Bình Phước đã được cấp có thẩm quyền đồng ý đưa ra khỏi danh sách các dự án yếu kém.
+Ba dự án đã hoàn thiện phương án xử lý, đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt gồm: - Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang Thép Thái Nguyên (Tisco 2); Dự án Nhà máy Thép Việt Trung (VTM); Dự án Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS).
+Một dự án do Bộ Công thương chủ trì xử lý: Dự án Nhà máy Sản xuất bột giấy Phương Nam.