Coi RCEP là một công cụ quan trọng để phục hồi và tăng trưởng kinh tế, Bộ Thương mại Thái Lan hy vọng thương mại tự do giữa các thành viên RCEP sẽ bắt đầu vào giữa năm tới, sau gần 8 năm đàm phán. Ông Jurin cho biết RCEP có thể ảnh hưởng đến một số doanh nghiệp, nên họ cần được hỗ trợ để đối phó với bất kỳ điều chỉnh nào.
Truyền thông sở tại ngày 17/11 dẫn lời ông Jurin nói rằng Chính phủ Thái Lan sẽ đề xuất thông qua RCEP càng sớm càng tốt trong kỳ họp Quốc hội từ tháng 11/2020 đến 2/2021 vì hiệp định sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Thái Lan.
Ban đầu, RCEP là hiệp định thương mại tự do được đề xuất giữa 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 6 đối tác đối thoại của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia (Ôx-trây-li-a) và New Zealand (Niu Di-lân). Tuy nhiên, Ấn Độ đã quyết định không tham gia RCEP vì những vấn đề chưa được giải quyết, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến thuế nông nghiệp. Ông Jurin ngày 15/11 đã đại diện cho Thái Lan ký thỏa thuận thương mại và đầu tư mới lớn nhất thế giới này với 14 quốc gia còn lại trong một buổi lễ được thực hiện dưới hình thức trực tuyến.
Thỏa thuận mới tạo ra khối thương mại tự do lớn nhất thế giới, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 26.200 tỷ USD, tương đương 30% GDP của thế giới, chiếm khoảng 28% thương mại toàn cầu. Các quốc gia có tổng dân số là 2,2 tỷ người, chiếm 30% dân số thế giới. Để có hiệu lực, RCEP cần có ít nhất 6 quốc gia ASEAN và 3 thành viên không phải ASEAN trong tổng số 15 nước ký kết phê chuẩn. Sau khi hiệp định được các nhà lập pháp thông qua, Ban Thư ký ASEAN sẽ được thông báo để hoàn tất quá trình phê chuẩn.
Bộ trưởng Thương mại Jurin tỏ ý tin tưởng rằng Thái Lan sẽ được hưởng lợi từ RCEP. Thái Lan có thể xuất khẩu bột sắn, cao su, cá và thực phẩm sang 14 quốc gia, đồng thời có những lợi ích về đầu tư và lĩnh vực dịch vụ. Thái Lan sẽ có thể cải thiện khi xếp hạng hiện tại (thứ 11) trong số các nước xuất khẩu thực phẩm hàng đầu thế giới.
Theo Bộ trưởng Thương mại Jurin, khu vực tư nhân sẽ có 6-12 tháng để điều chỉnh với hiệp định, trong đó có một loạt vấn đề mới, từ xúc tiến thương mại và bảo hộ đầu tư đến sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử. Vụ Đàm phán Thương mại của Bộ Thương mại Thái Lan đang xem xét các biện pháp khắc phục nếu các ngành công nghiệp bị tác động tiêu cực.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Cá ngừ Thái Lan Chanintr Chalisarapong cho biết ông kỳ vọng xuất khẩu cá ngừ sẽ tăng do thị trường được mở rộng và dự kiến xuất khẩu sẽ tăng hơn 10% từ mức trung bình tăng 3-5%.
Giới chuyên gia cho rằng các cổ phiếu liên quan đến xuất khẩu và du lịch có thể sẽ được hưởng từ RCEP. Padon Vannarat, trưởng nhóm nghiên cứu của Công ty chứng khoán Yuanta Securities, cho biết tác động được dự đoán của RCEP là tích cực vì nó được kỳ vọng sẽ giúp dỡ bỏ áp lực của cuộc chiến thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc.
Theo chuyên gia này, lợi thế chính của RCEP là khu vực hóa thành công, điều sẽ thay thế toàn cầu hóa vào thời điểm thương mại toàn cầu đang chịu áp lực từ cả "thương chiến" và đại dịch COVID-19, và sẽ đẩy nhanh giá trị thương mại trong RCEP về lâu dài.
Theo đánh giá tác động ban đầu, Yuanta Securities dự đoán Thái Lan có tiềm năng cạnh tranh cao, dựa trên cán cân thương mại tích cực trong các ngành linh kiện ô tô, hóa dầu, du lịch, nông nghiệp, thực phẩm và bán lẻ. Đây là những lĩnh vực mà các đối tác thương mại ngoài ASEAN quan tâm đến việc mở rộng cơ sở sản xuất của họ, trong khi bất động sản công nghiệp, nhà máy điện và giao thông cũng được kỳ vọng sẽ được hưởng lợi ích gián tiếp.
Những lợi ích ban đầu đối với GDP có thể thấp do xuất khẩu của Thái Lan sang các nước RCEP đã được hưởng lợi ích về thuế thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) và ASEAN + 1, trong khi Ấn Độ, một thị trường xuất khẩu lớn và là cửa ngõ vào các thị trường Nam Á, vắng mặt trong vòng đàm phán này.