Cao tốc hình thành góp phần kết nối sân bay Long Thành với các địa phương. Tuyến cao tốc cần sớm được triển khai, bởi hiện nay, Quốc lộ 51 đã quá tải trầm trọng, trong khi dự kiến năm 2025 sân bay Long Thành sẽ đưa vào sử dụng.
Ông Cao Tiến Dũng cho biết, để tạo thuận lợi cho quá trình triển khai dự án, tỉnh Đồng Nai yêu cầu, thành phố Biên Hòa và huyện Long Thành phải triển khai ngay các thủ tục để sớm đầu tư xây dựng các khu tái định cư phục vụ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.
Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai cho biết, để xây dựng cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, ngành chức năng Đồng Nai cần thu hồi hơn 370 ha đất của hàng nghìn hộ và nhiều tổ chức tại thành phố Biên Hòa và huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Ngoài ra, khi triển khai cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu sẽ có khoảng 2.000 hộ cần bố trí tái định cư. Việc giải phóng mặt bằng sẽ được Đồng Nai thực hiện một lần theo quy hoạch đầu tư hoàn thiện toàn tuyến.
Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu có tổng chiều dài hơn 53km đi qua tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu; trong đó, đoạn qua địa bàn Đồng Nai có chiều dài hơn 34km. Dự án có điểm đầu tại Km0+000 kết nối với tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua thành phố Biên Hòa; điểm cuối tại Km53+700 giao với Quốc lộ 56 thuộc thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Về phân kỳ đầu tư, giai đoạn 1 của dự án có quy mô từ 4 – 6 làn xe, tốc độ thiết kế 100km/h.
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 theo phương thức đối tác công tư (PPP). Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 để tổ chức thẩm định, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.
Để đẩy nhanh tiến độ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất thực hiện đầu tư công đối với dự án. Theo đề xuất này, Nhà nước sẽ sử dụng ngân sách hơn 17.800 tỷ đồng để đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu giai đoạn 1.