Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân ghi nhận sự phối hợp chặt chẽ của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với UBND tỉnh Sóc Trăng và các đơn vị có liên quan trong quá trình triển khai Dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo; đồng thời, mong muốn UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để dự án đảm bảo đúng theo quy định và kế hoạch tiến độ đề ra.
Ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, địa phương sẽ chỉ đạo các sở, ngành có liên quan khẩn trương phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án. Đối với phần diện tích cần phải thực hiện thủ tục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất rừng để thực hiện điểm tiếp bờ, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển mục đích sử dụng đất rừng để dự án được triển khai thuận lợi nhất, đúng theo quy định.
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 16/6/2023 tại Quyết định 708/QĐ-TTg. Tập đoàn Điện lực Việt Nam là đơn vị được giao làm chủ đầu tư, Bộ Công Thương cấp quyết định đầu tư dự án với nguồn vốn trên 4.950 tỷ đồng; trong đó, vốn từ ngân sách Trung ương trên 2.500 tỷ đồng và vốn của Tập đoàn Điện Lực Việt Nam trên 2.400 tỷ đồng. Dự án được triển khai trong giai đoạn 2023 - 2026.
Dự án sử dụng vốn đầu tư công nhóm A, công trình năng lượng cấp 3, quy mô xây dựng mới đường dây 110kV, 1 mạch, từ ngăn xuất tuyến 110kV tại Trạm biến áp 220kV Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) đến Trạm biến áp 110/22kV Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu). Tổng chiều dài toàn tuyến gần 104km, từ thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) vượt biển ra Côn Đảo gồm 4 đoạn: đoạn trên bờ Vĩnh Châu 4,5 km, đoạn đường dây không trên biển Vĩnh Châu 18 km, đoạn cáp ngầm vượt biển hơn 73 km và đoạn cáp ngầm phía Côn Đảo là 8,43 km, bề rộng hành lang tuyến trung bình 14,5m.
Mục tiêu dự án là đảm bảo cung cấp điện ổn định và an toàn, đáp ứng các mục tiêu phát triển của huyện Côn Đảo, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng và chủ quyền biển đảo quốc gia.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đơn vị tư vấn đã khảo sát, lựa chọn được hướng tuyến phù hợp nhất trong việc kéo lưới điện ra Côn Đảo, hạn chế thấp nhất việc thu hồi, giải phóng mặt bằng cũng như hạn chế việc tác động đến đất rừng. Cụ thể, đoạn tuyến cáp ngầm trên địa bàn huyện Côn Đảo chủ yếu đi theo tuyến hành lang đường giao thông và dọc theo đường tuần tra bảo vệ rừng hiện hữu nên không tác động đến diện tích đất có cây rừng. Vì vậy, không phải thực hiện thủ tục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng.
Điểm tiếp bờ gồm hầm cáp và điểm chuyển tiếp phục vụ hoạt động đấu nối, bảo trì tại bãi Ông Câu, huyện Côn Đảo có diện tích thiết kế khoảng 300 m2, qua thẩm định toàn bộ diện tích này thuộc đất rừng đặc dụng, không có cây rừng nên không chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Tuy nhiên, phần diện tích này phải thực hiện thủ tục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất rừng theo quy định của Luật Đất đai.
Vị trí xây dựng trạm biến áp 110kV với tổng diện tích sử dụng đất khoảng 1.800 mét vuông thuộc khu đất Nhà máy điện An Hội, huyện Côn Đảo do Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu đang sử dụng từ năm 2014 đến nay. Khu đất này được đưa vào Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 là đất công trình năng lượng, nên không cần phải thực hiện thủ tục thu hồi đất.
Bên cạnh những nội dung trên, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng có một số kiến nghị với các bộ, ngành và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm bảo đảm tiến độ dự án đề ra.
Ngay sau buổi làm việc, Đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế tại khu vực bãi Ông Câu là điểm tiếp bờ của dự án; khu vực thực hiện đoạn tuyến cáp ngầm và vị trí xây dựng trạm biến áp 110kV thuộc khu đất Nhà máy điện An Hội, huyện Côn Đảo.