Lãnh đạo Ban Quản lý Dự án 2, tỉnh Sóc Trăng cho biết, tiến độ thực hiện đã đạt kế hoạch trong giai đoạn đầu nhưng thời gian tới sẽ gặp một số khó khăn, vướng mắc; trong đó, đáng lưu ý là khả năng khan hiếm vật liệu xây dựng do Sóc Trăng không có mỏ đá, trong khi thời điểm triển khai dự án này trùng với nhiều dự án giao thông đang tiến hành ở các địa phương.
Dự án thuộc nhóm dự án quan trong Quốc gia, do Ban Quản lý Dự án 2 tỉnh Sóc Trăng làm chủ đầu tư, phạm vi địa bàn tại tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng. Dự án có quy mô 4 làn xe, vận tốc 100 km/h; tổng chiều dài khoảng 56,9 km (nay địa phương rà soát lại, chiều dài là 58,4 km), tổng kinh phí đầu tư 11.120 tỷ đồng, dự kiến sẽ khởi công ngày 30/6/2023.
Theo hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, diện tích sử dụng đất của dự án khoảng 345 ha; trong đó, đất trồng lúa khoảng 261 ha, đất dân cư khoảng 9 ha, đất trồng cây lâu năm khoảng 12 ha, đất nuôi trồng thủy sản khoảng 30 ha và đất khác khoảng 63 ha.
Thời gian thực hiện để được phê duyệt dự án trước ngày 20/1/2023; khởi công trước ngày 30/6/2023, phấn đấu cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến giao thông có lưu lượng giao thông lớn vào năm 2025 và cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026, đưa vào khai thác đồng bộ toàn tuyến trong năm 2027.
Theo ông Thạch Minh Hoài, Giám đốc Ban quản lý Dự án 2 tỉnh Sóc Trăng, hiện dự án đã hoàn thiện lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng tư vấn khảo sát lập dự án, tư vấn lập khung chính sách và tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; hoàn thành khảo sát địa hình, địa chất, khảo sát thủy văn; cơ bản hoàn thiện hồ sơ khảo sát bãi đổ thải, hoàn thành hồ sơ thiết kế cơ bản đoạn Mỹ Xuyên, Trần Đề, tiến hành khảo sát mỏ vật liệu…
Do đây là lần đầu tỉnh triển khai dự án có quy mô rất lớn, phức tạp, phải phối hợp với nhiều bộ ngành, địa phương có liên quan, áp dụng nhiều cơ chế chính sách đặc thù nên, ông Thạch Minh Hoài cho rằng việc thực hiện có vấn đề phát sinh phức tạp ngoài tầm kiểm soát như việc khan hiếm vật liệu, sự phối hợp còn lúng túng, chưa đồng bộ...
Phát biểu chỉ đạo tại buổi họp, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, công việc triển khai từ nay cho đến khi khởi công dự án còn nhiều và càng ngày càng khó, phức tạp, chưa lường hết được. Vì vậy, chủ đầu tư và các cấp ngành, địa phương cần xác định cụ thể những việc cần làm trước, việc phải làm sau và nhiều việc phải làm song song cùng lúc mới kịp tiến độ.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ đầu tư phối hợp sớm thành lập tổ chỉ định nhà thầu xây dựng 6 khu tái định cư và theo đó nên có từ 4 - 6 nhà thầu xây dựng hạ tầng. Đối với việc cắm cọc mốc lộ giới, giải phóng mặt bằng phải tiến hành kỹ lưỡng, chính xác, đảm bảo đúng theo quy định; trong đó việc áp giá đền bù phải công khai, dân chủ.
Về các mỏ vật liệu, Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng đề nghị Ban quản lý dự án 2 và các đơn vị liên quan phối hợp với tư vấn và Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tiến hành khảo sát mỏ vật liệu, lấy mẫu phân tích, nghiên cứu thử nghiệm, đánh giá trữ lượng mỏ dự trù để khai thác phục vụ cho thực hiện dự án.
Đặc biệt, việc giải phóng mặt bằng cần phải làm khẩn trương, đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân hiểu rõ tầm quan trọng của dự án lớn, đảm bảo đúng tiến độ, đúng quy định của pháp luật. Tỉnh phấn đấu giải phóng mặt bằng của dự án đạt trên 70% trên tuyến để sớm khởi công dự án trước 30/6/2023 và có thể sớm hơn trong tháng 5/2023.