Số hóa toàn bộ hồ sơ để thông quan nhanh hàng hóa

Theo ông Lê Đức Thành, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan), cơ quan Hải quan đang tái thiết kế toàn bộ quy trình nghiệp vụ hải quan để có thể hoạt động trên môi trường số.

Chú thích ảnh
Cán bộ Chi cục Hải Quan Hòn Gai giám sát trực tuyến hàng hóa qua cảng Cái Lân ( Hạ Long). Ảnh: Thanh Vân/TTXVN

“Hiện thủ tục hải quan cơ bản đã được số hóa nhưng còn một số loại giấy tờ như: Giấy phép được gửi tới cơ quan Hải quan vấn để dưới dạng bản scan; Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) một số nước gửi dưới dạng bản scan. Các bản scan không giúp cơ quan Hải quan nhiều trong tự động hóa đánh giá và mong muốn của cơ quan Hải quan là giảm sâu tờ khai vàng. Do đó phải tự động hóa được, mới giảm tỷ lệ luồng vàng”, ông Lê Đức Thành cho biết.

Trên cơ sở quản lý định danh gồm: Định danh đối tượng xuất nhập khẩu, hàng hóa xuất nhập khẩu và số hóa hồ sơ, Hải quan đang tái thiết kế toàn bộ quy trình nghiệp vụ hải quan để có thể hoạt động trên môi trường số. Sau đó sẽ đến bước xây dựng toàn bộ hệ thống công nghệ thông tin để có thể thực hiện được quy trình sau khi được tái thiết kế.

Hệ thống công nghệ thông tin của ngành Hải quan gồm khoảng 15.000 chức năng khác nhau. Sau khi tái thiết kế, hệ thống phải có tính kết nối rất rộng với các bên liên quan, cùng với đó là tính phức tạp, yêu cầu cao về tính online, bảo mật.

“Với một hệ thống lớn như vậy nên không thể thay đổi toàn diện ngay được. Cơ quan Hải quan đang từng bước thực thi quá trình chuyển đổi và rất cần sự hỗ trợ, phối hợp của cộng đồng doanh nghiệp”, ông Lê Đức Thành chia sẻ.

Với góc độ doanh nghiệp, ông Son Won Sik, đại diện Korcham cho biết: Trong tình hình khó khăn do tác động của COVID-19, cộng đồng doanh nghiệp đã chứng kiến những nỗ lực cải cách của cơ quan Hải quan trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hoạt động kinh doanh. Qua đó đã góp phần giúp đỡ các doanh nghiệp trong việc đẩy nhanh quá trình thực hiện thủ tục hành chính, tối ưu hóa thời gian và chu trình vận hành.

“Điển hình là chủ trương hiện đại hóa hải quan thông qua hệ thống điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin phát triển hệ thống hải quan thông minh, ban hành chính sách quy định về thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa… đã góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu được thông suốt, không để gián đoạn chuỗi cung ứng”, ông Son Won Sik cho biết.

Những hoạt động thiết thực, giải pháp cụ thể của ngành Hải quan sẽ tạo động lực quan trọng hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh tháo gỡ kịp thời những khó khăn hiện tại, đó còn là tiền đề gia tăng thuận lợi thương mại, sớm lấy lại đà tăng trưởng cao của kim ngạch xuất nhập khẩu, tạo sự bứt phá cho doanh nghiệp thời gian tới.

Để triển khai mô hình chuyển đổi số, ở góc độ xây dựng thể chế chính sách, ông Đào Duy Tám, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết: “Trong quá trình rà soát các bài toán nghiệp vụ, đưa ra các yêu cầu, chức năng của hệ thống, chúng tôi đã xác định các nhiệm vụ về hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật để phục vụ triển khai mô hình hải quan số, hải quan thông minh. Thời gian tới, cơ sở pháp lý quan trọng đầu tiên cần tiếp tục hoàn thiện là Luật Hải quan để tạo tiền đề cho việc xây dựng, sửa đổi các văn bản hướng dẫn thi hành luật”.

''Tổng cục Hải quan đang được giao phối hợp Cục Hải quan Lạng Sơn và các đơn vị liên quan xây dựng cửa khẩu thông minh giữa Việt Nam và Trung Quốc. Mô hình này thực hiện giao nhận hàng hóa xuyên biên giới 24/7. Mô hình cửa khẩu thông minh được kỳ vọng sẽ là giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy thông quan hàng hóa qua biên giới, góp phần phát triển kinh tế xã hội của cả Việt Nam và Trung Quốc'', ông Đào Duy Tám cho biết.

Phó Tổng cục trưởng Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết: Tổng cục Hải quan đã giao chỉ tiêu cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại năm 2023 với 10 nhóm chỉ tiêu cải cách đi kèm là các giải pháp để thực hiện.

Trong đó, đáng chú ý tỷ lệ tờ khai luồng đỏ giảm 5%, giảm 10% tỷ lệ tờ khai luồng vàng; giảm 10% thời gian thông quan, giải phóng hàng; tăng 20% số lượng doanh nghiệp tự nguyện tham gia Chương trình hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan so với năm 2022...
T.Nhung/Báo Tin tức
Có thêm nhiều doanh nghiệp được nâng hạng mức độ tuân thủ pháp luật hải quan
Có thêm nhiều doanh nghiệp được nâng hạng mức độ tuân thủ pháp luật hải quan

Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan), ông Nguyễn Nhất Kha cho biết: Qua giai đoạn đầu triển khai “Thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật về hải quan”, đã có 70 doanh nghiệp trong tổng số 213 doanh nghiệp tham gia - được nâng hạng mức độ tuân thủ, từ mức 3, 4 lên mức độ 2 (tuân thủ cao).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN