Cục trưởng Cục quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk, Mai Mạnh Toàn cho biết, thời điểm Tết Nguyên đán nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân tăng cao, thị trường biến động và diễn biến phức tạp. Đây cũng là thời điểm các đội tượng lợi dụng để thu lợi bất chính từ việc bán hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng cấm với những phương thức, thủ đoạn tinh vi. Để đấu tranh với các hành vi vi phạm, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk đã triển khai Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Theo đó, tỉnh Đắk Lắk tăng cường quản lý địa bàn, tập trung kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng trọng điểm, các tuyến trọng điểm; chú trọng kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ, quy chuẩn chất lượng, việc niêm yết giá bán... đối với các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết Nguyên đán, các mặt hàng thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, như: quần áo, bánh kẹo, thực phẩm, rượu, bia, nước giải khát, mỹ phẩm, thuốc tân dược, các mặt hàng vật tư y tế...
Cùng với đó, Cục quản lý thị trường tỉnh không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; bảo đảm ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết cho người dân. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, kiểm soát phát hiện các hành vi lợi dụng môi trường thương mại điện tử để kinh doanh bất hợp pháp nhằm trục lợi.
Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và những diễn biến phi truyền thống của thị trường, một bộ phận người tiêu dùng có xu hướng mua sắm hàng hóa Tết trên các nền tảng thương mại điện tử như: facebook, Zalo, Tik tok…, nhiều đối tượng đã lợi dụng thương mại điện tử để bán hàng kém chất lượng, quảng cáo sai sự thật về bản chất, công dụng của hàng hóa, giả nhãn hiệu, thương hiệu nổi tiếng, nhất là các mặt hàng rượu, thực phẩm ngoại nhập ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng.
"Do đó, để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk cũng chỉ đạo Tổ công tác Thương mại – Điện tử và truyền thông của đơn vị theo dõi sát hoạt động thương mại điện tử và phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm hoạt động kinh doanh vi phạm pháp luật trên nền tảng thương mại điện tử", ông Mai Mạnh Toàn cho hay.
Trong năm 2021, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện và xử lý 2.886 vụ vi phạm; trong đó, xử lý hình sự 24 vụ, tổng số tiền qua xử lý hơn 105 tỷ đồng.
Tại tỉnh Tuyên Quang, Cục Quản lý thị trường tỉnh cũng tập trung lực lượng kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, hoa quả, rượu bia, thuốc lá, xăng dầu… không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm, nhóm mặt hàng nông lâm, thủy sản: đặc biệt phối hợp với các lực lượng chức năng tập trung vào khu vực các chợ đầu mối, siêu thị, các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm đông lạnh; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm…
Đặc biệt, chú trọng kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, pháo nổ, pháo hoa, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; đẩy mạnh kiểm tra trong lĩnh vực thương mại điện tử, các website, mạng xã hội như Facebook, Zalo và các sản phẩm hàng hóa thuộc nhóm bình ổn thị trường.
Thống kê cho thấy, trong năm 2021, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tuyên Quang đã kiểm tra 559 vụ; trong đó, có 312 vụ vi phạm, tổng số tiền thu phạt và giá trị hàng hóa gần 4,85 tỷ đồng; số tiền nộp ngân sách nhà nước hơn 3,2 tỷ đồng.
Riêng trong đợt cao điểm trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện kiểm tra 93 vụ; trong đó 60 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách từ xử phạt vi phạm hành chính hơn gần 514 triệu đồng.