Đó là nhận định của nhiều cơ quan chức năng tại Hội nghị kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn huyện Bình Chánh vào ngày 13/1, do UBND TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Ban chỉ đạo 389 quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tổ chức.
Theo ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, năm 2016 Chi cục quản lý thị trường thành phố kiểm tra 103 trường hợp, xử phạt vi phạm hành chính với gần 2,5 tỷ đồng. Lực lượng cơ quan chức năng 24 quận, huyện cũng thực hiện kiểm tra 56 cơ sở sản xuất phân bón, trong đó có 20 cơ sở không được cấp phép.
Riêng huyện Bình Chánh, nơi được xem là địa bàn nóng của thành phố về vấn nạn phân bón giả, có đến 10 cơ sở sản xuất phân bón không phép, điển hình như chi nhánh Công ty TNHH sản xuất thương mại Thuận Nông Phát tại địa chỉ ấp 2, xã Tân Nhựt và chi nhánh công ty TNHH MTV phân bón Phú Định tại xã Lê Minh Xuân...
Các đại biểu cho rằng cần siết chặt quản lý địa bàn nghiêm để kiểm soát tình trạng phân bón giả. |
Ôn
g Nguyễn Văn Hồng, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết qua kiểm tra các 44 cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón, phát hiện 10 cơ sở sản xuất không giấy phép, 8/15 cơ sở sản xuất có giấy phép vi phạm về hợp quy, quy trình vận hành sản xuất.. Theo đó, UBND huyện Bình Chánh đã xử lí vi phạm hành chính trên 1 tỉ đồng, tịch thu 1.700 kg phân bón vô cơ, buộc tái chế trên 52.000 kg phân bón vô cơ các loại, 196 thùng phân bón lá, 5.000 kg phân bón hữu cơ , buộc tiêu hủy 12.250 kg phân bón vô cơ.
Theo ông Hồng, có nhiều nguyên nhân để các cơ sở phân bón giả hoạt động, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do thẩm quyền xử lý của cấp địa phương bị giới hạn và sự bất cập trong thực thi pháp luật về phối hợp. "Cụ thể như việc cấp giấy phép hoạt động của cơ sở sản xuất kinh doanh, hiện có đến hai bộ có thể cấp là Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn", ông Hồng nói.
Thừa nhận vấn đề này, ông Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, qua việc kiểm tra xử lí về an ninh, trật tự đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón trong thời gian qua, lực lượng Công An thành phố nhận thấy, dù cơ sở có giấy phép hay không phép cũng đều có khả năng phát sinh rất nhiều vi phạm, trong khi đó thẩm quyền xác lập biên bản kiểm tra và xử lí vi phạm của các lực lượng chức năng lại hạn chế, không thể xử lý hết vi phạm hoặc sai thẩm quyền, dễ dẫn đến phát sinh khiếu nại.
“Trên thực tế, theo các quy định hiện hành về vi phạm môi trường, công an quận, huyện không có thẩm quyền xử lý; hay như về an toàn hóa chất, lực lượng quản lí thị trường không có thẩm quyền xác lập vi phạm. Bên cạnh đó, việc khởi tố làm hàng giả đối với mặt hàng phân bón cũng có nhiều vướng mắc do Luật Hình sự mới chưa có hiệu lực. Thế nhưng, theo Luật Hình sự cũ thì hành vi làm hàng giả chỉ được cấu thành khi đối tượng sản xuất với số lượng lớn. Trong khi đó, hầu hết phân bón giả sản xuất ra tới đâu đều được tiêu thụ tới đó nên khi lực lượng đến kiểm tra, không phát hiện có lượng thành phẩm giả. Thậm chí, trên thị trường không có đơn giá hàng thật để so sánh”, ông Minh cho biết thêm.
Nhận định về tình hình quản lí hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến thừa nhận công tác chỉ đạo điều hành của thành phố còn chưa tốt, việc kiểm soát địa bàn, công tác phối hợp trong quản lí và xử lý vi phạm còn chưa chặt chẽ.
Để khắc phục những hạn chế này, ông Tuyến đề nghị các quận, huyện trong thời gian tới phải dựa vào đặc thù của mỗi địa bàn để đưa ra các kế hoạch thực hiện cụ thể, trong trường hợp để xảy ra sai phạm thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo thành phố.
Đối với công tác phối hợp, ông Tuyến cũng yêu cầu các bộ phận liên quan đến cuối tháng 2 phải tổ chức hội nghị chuyên đề giải quyết các vướng mắc về công tác phối hợp trong quản lý quy hoạch, xử lí hoạt động kinh doanh phân bón nhằm khắc phục triệt để vấn đề này. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao ý thức của các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón trên địa bàn.