Về các giải pháp cụ thể, theo ông Đào Minh Tú, trước tiên phải đảm bảo thanh khoản của các ngân hàng thương mại, có chính sách lãi suất hợp lý, thu hút vốn từ người dân. “NHNN sẽ sử dụng các công cụ điều hành phù hợp, điều hành lãi suất ổn định, đảm bảo phù hợp lãi suất chung của nền kinh tế, đảm bảo phù hợp các quan hệ vĩ mô khác; đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết kiệm chi phí, tiếp tục giảm lãi suất cho vay”, Phó Thống đốc cho biết.
Về hạn mức tăng trưởng tín dụng, NHNN tiếp tục đổi mới, tạo thuận lợi, chủ động cho các ngân hàng thương mại tăng trưởng, NHNN sẽ kiểm soát chung.
Trả lời về diễn biến thị trường ngoại tệ, Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ, trong thời điểm đầu năm, dù có tác động không tích cực, nhưng NHNN đã chủ động điều hành. Thị trường ngoại tệ từ giữa tháng 1/2025 đến nay đã trở lại tích cực. Thời gian tới, NHNN tiếp tục sử dụng biện pháp can thiệp khi cần thiết để đảm bảo tỷ giá hợp lý, tránh tâm lý găm giữ, đối phó.
Đối với các chính sách hỗ trợ, giãn hoãn nợ, Phó Thống đốc khẳng định, sẽ được áp dụng thích hợp. Các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất thấp sẽ được triển khai tích cực, đảm bảo nguồn vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, phục vụ mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế.
Năm 2025, đồng hành để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8%, ngành Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 16%, cao hơn so với mức tăng trưởng đạt được trong năm 2024 là 15,08% và ở mức cao so với nhiều năm gần đây. Năm 2024, đã có hơn 2,1 triệu tỷ đồng đưa vào nền kinh tế qua hệ thống ngân hàng. Với chỉ tiêu định hướng ở mức 16% năm 2025, ước tính khoảng 2,5 triệu tỷ đồng vốn tín dụng sẽ được đưa vào nền kinh tế.