Sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL: Khát vọng khẳng định vị thế hàng đầu

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất sản xuất lúa gạo trọng yếu của Việt Nam. Đời sống nông dân ĐBSCL sung túc hơn những vùng nông nghiệp khác nhờ những cánh đồng lúa mênh mông. Lúa gạo là thế mạnh của ĐBSCL, người nông dân nơi đây đang bằng mọi cách nâng cao hơn nữa giá trị hạt gạo trên thị trường.

Bài 1: Xuất khẩu gạo - giấc mơ ngôi đầu bảng

Xuất khẩu (XK) gạo quý đầu năm 2012 đang có những diễn biến tích cực, mang lại niềm vui cho nhiều người trong cuộc. Thị trường Trung Quốc đang tăng cường thu mua và những biến chuyển từ thị trường Philíppin, Malaixia… đã góp phần giúp hạt gạo Việt Nam “vượt vũ môn”.

Những tín hiệu lạc quan

Khác với không khí ảm đạm của 2 tháng đầu năm, tháng 3 này, thị trường gạo đã khởi sắc khi đơn hàng tăng lên từ những thị trường mới với nhu cầu số lượng lớn. Tính đến thời điểm đầu tháng 4, Việt Nam đã ký được hợp đồng XK hơn 3,2 triệu tấn gạo sang các thị trường Trung Quốc, Inđônêxia, Philíppin…, tăng gần 1 triệu tấn so với khối lượng hợp đồng đã ký cách đó khoảng nửa tháng. “Với việc liên tiếp ký được nhiều hợp đồng như trên, đã khơi thông được dòng chảy XK gạo vốn gây nhiều khó khăn trước đó và giúp cho doanh nghiệp giải tỏa được lo lắng. Trong các tháng tới, thị trường cũng vẫn rất khả quan do nhu cầu nhập khẩu của các bạn hàng là rất lớn”, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết.


Vụ đông xuân năm nay, bà con đồng bằng sông Cửu Long “vui như Tết” vì được mùa. Ảnh: T.Hiếu


Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kết thúc quí I năm nay cả nước đã XK gần 1,1 triệu tấn gạo, đạt giá trị khoảng 500 triệu USD. Trong đó, riêng tháng 3, kim ngạch đã chiếm gần 1/2 của cả quý I. Sự quan tâm bất ngờ của các nhà nhập khẩu đã đẩy giá bán gạo của Việt Nam tăng lên. Hiện, giá gạo 5% tấm đã tăng lên ở mức 440 - 470 USD/tấn, gạo cấp thấp (25% tấm) tăng thêm 5 USD/tấn, đạt mức 385 - 400 USD/tấn… Cùng với việc VFA bắt tay vào việc thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, giá XK gạo tăng đang góp phần giúp giá thu mua lúa trong dân cải thiện đáng kể. Cụ thể, so với thời điểm trước ngày 15/3, hiện nay giá lúa trên thị trường đã tăng thêm 400 – 500 đồng/kg tùy loại.

Theo tính toán của VFA, do nhu cầu nội địa tăng, dự kiến trong năm nay Trung Quốc sẽ nhập khẩu lượng gạo của Việt Nam đạt mức kỷ lục 1,5 – 2 triệu tấn qua đường tiểu ngạch và chính ngạch. Thực tế 3 tháng đầu năm, các doanh nghiệp nước bạn đã ký hợp đồng nhập khẩu hơn 650.000 tấn gạo, chủ yếu là gạo chất lượng cao 5% tấm. Ngoài ra, theo đường tiểu ngạch đã có khoảng 400.000 tấn gạo được xuất vào thị trường Trung Quốc. “Cùng với Trung Quốc, thị trường XK của ta đang có nhiều tiến triển. Đến nay Malaixia đã ký được hợp đồng nhập khẩu hơn 650.000 tấn gạo với thời gian giao hàng đến hết năm 2012; thị trường Philíppin đã ký hợp đồng mua 500.000 tấn loại gạo 5% tấm và 25% tấm; Inđônêxia đang đối mặt với tình hình sâu bệnh nên cũng có khả năng nhập khẩu gạo số lượng lớn”, ông Phong nói thêm.

Sẽ vượt qua Thái Lan

Kết thúc năm 2011, ngành lúa gạo Việt Nam đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc chiếm lĩnh thị trường gạo thế giới khi đạt mức XK cao nhất từ trước đến nay, cả về số lượng và trị giá. Theo đó, cả nước đã XK khoảng 7,1 triệu tấn, đứng thứ 2 trên thế giới chỉ sau Thái Lan (8,5 triệu tấn). Năm 2012, trên cơ sở cân đối cung cầu của ngành nông nghiệp, dự kiến năm nay cả nước sẽ sản xuất khoảng 42,5 triệu tấn lúa, cân đối lượng gạo hàng hóa sẽ có thể XK khoảng 7,3 triệu tấn gạo. Hiện Thái Lan vẫn tiếp tục chương trình hỗ trợ giá lúa giai đoạn 2 đến hết tháng 6/2012, theo đó các chuyên gia kinh tế cho rằng do phải duy trì lượng tồn kho theo chỉ đạo của Chính phủ và giá gạo của Thái Lan cũng cao nên nước này không có khả năng cạnh tranh với các nguồn cung cấp khác.

Bên lề hội thảo “Những giải pháp phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL” được tổ chức mới đây tại tỉnh Đồng Tháp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho rằng, Việt Nam đang lạc quan sẽ vượt Thái Lan và trở thành nước XK gạo lớn nhất trên thế giới. Việc quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc, đang ngày càng quan tâm đến gạo của Việt Nam sẽ giúp chúng ta có thể đạt mục tiêu đó. Theo ước tính của các ngành chức năng, do Trung Quốc có nhu cầu tăng số lượng gạo để kiểm soát giá gạo trong nước và giá gạo Việt Nam cạnh tranh hơn so với Thái Lan, dự kiến năm nay Trung Quốc sẽ nhập khẩu gạo của Việt Nam với số lượng tăng khoảng 3 lần. Riêng tại thị trường Hồng Công, lượng gạo nhập khẩu của Việt Nam 3 tháng đầu năm đã chiếm tỷ trọng hơn 30% tổng khối lượng nhập khẩu. “Năm 2012 Việt Nam đặt ra mục tiêu XK 7,2 triệu tấn gạo, trong khi Thái Lan chỉ XK khoảng dưới 7 triệu tấn. Với tình hình thu hoạch vụ đông xuân rất tốt vừa qua và các dấu hiệu ấm lên của thị trường XK, rất có khả năng chúng ta sẽ lần đầu tiên vượt Thái Lan, trở thành nước XK gạo lớn nhất trên thế giới”, ông Biên nói.

Lê Nghĩa

Bài 2: Chiến lược xuất khẩu gạo cao cấp

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN