Sản xuất công nghiệp TP Hồ Chí Minh có chỉ số tiêu thụ tăng cao

Tính 10 tháng năm 2023, sản xuất công nghiệp TP Hồ Chí Minh có nhiều tín hiệu tích cực; trong đó, chỉ số tiêu thụ ở một số nhóm ngành và sản phẩm công nghiệp chủ yếu cũng tăng cao.

Chú thích ảnh
Xưởng sản xuất tơ sợi làm nguyên liệu dệt may tại huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN

Trên cơ sở này, cộng đồng doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang tiếp tục nỗ lực hoàn thành kế hoạch của năm, cũng như bắt tay hợp tác đa ngành nhằm tăng thêm giá trị cộng hưởng thương hiệu và nguồn lực. 

Cụ thể, báo cáo của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho thấy, nhóm sản phẩm công nghiệp chủ yếu 10 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước, gồm bao bì đóng gói bằng plastic tăng 36,1%; phân khoáng hoặc phân hóa học tăng 26,2%; sữa/kem đặc có/không có đường tăng 12,7%; tivi tăng 10,8... Riêng trong tháng 10/2023, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Tp. Hồ Chí Minh tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 19,9% so với cùng kỳ, cho thấy tín hiệu tích cực về sự phục hồi của ngành công nghiệp thành phố trong những tháng cuối năm 2023. 

Đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 10 tháng năm 2023 tại TP Hồ Chí Minh tăng 6,3% so với cùng kỳ. Còn đối với ngành công nghiệp cấp II thì có 22/30 ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2023 tăng so với cùng kỳ; trong đó, một số ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp ở mức tăng khá như chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế...

Trong tháng 10/2023, chỉ số lao động làm việc tại các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng tăng 0,5% so với tháng trước và giảm 3,2% so với cùng kỳ; trong đó, một số ngành có chỉ số lao động tăng có thể kể đến là sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất xe có động cơ; công nghiệp chế biến, chế tạo khác... 

Liên quan đến sản xuất công nghiệp TP Hồ Chí Minh, các chuyên gia đánh giá thành phố vẫn có thế mạnh về cơ sở hạ tầng logistics tốt, cũng như giao thông kết nối khu vực và quốc tế. Ngoài ra, Tp. Hồ Chí Minh vẫn luôn là địa phương dẫn đầu về vị trí địa lý thuận lợi, thương hiệu địa phương, nguồn nhân lực chất lượng cao....

Tuy vậy, cộng đồng doanh nghiệp sản xuất công nghiệp TP Hồ Chí Minh cũng như cả nước, đang đối mặt với những thách thức về chi phí sản xuất trên địa bàn thành phố có xu hướng gia tăng. Chi phí nhân công, thuê mặt bằng; tiền thuê đất trong các khu chế xuất, khu công nghiệp... đang là vấn đề đòi hỏi sở, ngành thành phố tìm giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp. 

Để cộng hưởng thương hiệu và nguồn lực, ông Đặng Huỳnh Anh Tuấn, Thành viên Hội đồng Quản trị Tập đoàn TTC, Chủ tịch công ty cổ phần Năng lượng TTC (TTC Energy) cho biết, Tập đoàn TTC vừa ký kết hợp tác chiến lược với Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO). Đây cũng là dấu mốc khởi đầu cùng song hành, mở rộng tệp khách hàng trên tất cả lĩnh vực. Đặc biệt, Tập đoàn TTC mong muốn hướng đến hợp tác sâu rộng hơn với PJICO để sự kết nối này không chỉ đem đến những “con số biết nói” cho đôi bên, mà còn mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động, cộng đồng và xã hội.

Ông Đặng Huỳnh Anh Tuấn cũng chia sẻ thêm, Tập đoàn TTC sẽ dành quyền ưu tiên cho PJICO áp dụng chính sách ưu đãi thực hiện dịch vụ bảo hiểm cho các sản phẩm, dịch vụ do TTC phát triển như bất động sản công nghiệp; điện năng lượng mặt trời; xây dựng - công nghiệp, dân dụng và hạ tầng; dịch vụ cho thuê văn phòng và trung tâm thương mại...

Xác định việc ký kết với mạng lưới đối tác chiến lược lâu dài là việc làm cần thiết trong quá trình vận hành phát triển doanh nghiệp, vận hành sản xuất kinh doanh, nên trước đó Tập đoàn TTC đã ký kết thành công với Tập đoàn FPT và nhiều đối tác khác cùng xây dựng cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững.

Còn ở góc độ hiệp hội, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Da giày TP Hồ Chí Minh cho rằng, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp sản xuất công nghiệp thì sở, ngành TP Hồ Chí Minh nên đẩy mạnh định hướng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, sản xuất năng lượng xanh...

Cùng đó, sở, ngành thành phố tiếp tục tăng cường giải pháp cơ cấu khu chế xuất - khu công nghiệp đang hoạt động và sắp đưa vào hoạt động trên địa bàn TP Hồ Chí Minh theo phương thức phân bổ đơn ngành và đa ngành, đảm bảo hình thành chuỗi cung ứng công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất công nghiệp.

Tương tự, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích, với những chính sách mới liên quan đến kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, ngành sản xuất công nghiệp trong thời gian tới sẽ đối diện với nhiều thách thức và cơ hội. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp sản xuất công nghiệp cần có những bước chuẩn bị cho việc đón đầu xu hướng và nắm bắt kịp thời cơ hội, tiến dần đến sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm xanh và đáp ứng được yêu cầu thị trường toàn cầu.  

Điển hình ở ngành nhựa, TP Hồ Chí Minh và tỉnh, thành lân cận chiếm tỷ trọng 80% tổng sản lượng nhựa trên cả nước, nên quyết định sự phát triển hay tụt hậu của cả ngành Nhựa Việt Nam. Đồng thời, sự lớn mạnh của nhiều ngành sản xuất công nghiệp; trong đó, có ngành nhựa có tác động tích cực đến nền kinh tế của khu vực phía Nam và đất nước.

Mỹ Phương  (TTXVN)
 Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng, số doanh nghiệp thành lập mới khởi sắc
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng, số doanh nghiệp thành lập mới khởi sắc

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (GSO) sáng 29/10, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 10/2023 ước tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng hơn số doanh nghiệp rút lui thị trường. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN