Săn gà chín cựa giữa đại ngàn

"Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao" - món thách cưới độc đáo của Vua Hùng với hai chàng Sơn Tinh và Thủy Tinh tưởng chỉ có trong truyền thuyết. Ấy vậy mà, giữa vùng núi Tân Sơn, Phú Thọ, từ nhiều năm nay, người dân vẫn nuôi được giống gà chín cựa quý hiếm có một không hai này.

Những ngày gần Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, chúng tôi tìm về vùng đất của những truyền thuyết thời Sơn Tinh và Thủy Tinh ở các xã vùng cao của huyện miền núi Tân Sơn (Phú Thọ). Những con đường xuyên rừng, uốn lượn như dải lụa mềm xen lẫn với những bông hoa Trạng nguyên khoe sắc quanh những đồi núi xanh ngát. Ở xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, giống gà quý nhiều cựa đang được người dân trong xã gìn giữ như một báu vật quý của các bản, làng.

Gà nhiều cựa được nuôi tại các hộ dân ở bản Cỏi, xã Xuân Sơn. Ảnh: Báo Phú Thọ

Ông Bàn Văn Hoàng, một “chủ gà” nhiều cựa ở bản Cỏi, xã Xuân Sơn chia sẻ: Sự tích loài gà chín cựa ở Tân Sơn có rất nhiều điều thú vị. Có nhiều giai thoại và những lời đồn khác nhau về gà chín cựa. Có người thì bảo đây là giống gà rừng nhưng thông minh và thích gần gũi với con người nên về sống với con người từ xa xưa. Có người lại nói giống gà này là gà nhà, được người Dao ở Xuân Sơn chăn nuôi như nhiều loại gia cầm khác, chỉ có điều sức vóc cũng như sự tinh anh đã khiến giống gà chín cựa rất được coi trọng.

Ông Hoàng cũng được ông nội kể lại, cách đây cả trăm năm, người dân trong xã thấy một con gà rừng khá lạ. Lông nó màu trắng toát, tiếng gáy gần giống gà trống nuôi trong chuồng nhưng lại bay như chim. Đặc biệt, chân giống gà này có nhiều cựa, nằm chen chúc trên khẩu chân ngắn chạy theo cựa sừng. Sau đó, con gà rừng phối giống với con gà mái nuôi và ấp trứng nở ra giống gà nhiều cựa như ngày nay.

“Ở Xuân Sơn cách đây khoảng 8 năm về trước giống gà này được nuôi nhiều ở các gia đình, sau vài năm tưởng chừng giống gà này bị mai một thì nay lại được duy trì và phát triển nhiều hơn trước", ông Hoàng chia sẻ thêm.

Giống gà nhiều cựa vốn rất giỏi bay nên để bắt được chúng không phải chuyện đơn giản. Mất chừng nửa giờ "đánh vật" với con gà , ông Hoàng đã xách ngược được cặp chân gà cho khách ngắm. Con gà này mắt sáng quắc, mào đỏ tươi như máu, đuôi cong vút tựa cầu vồng và rất mảnh. Riêng cặp chân gà to, chắc và mọc đều 4 cựa mỗi bên. Mỗi cựa dài, ngắn khác nhau, mọc nối theo hàng. Đặc biệt, cựa trên cùng hoàn toàn chỉ là sừng, cong vút như lưỡi câu liêm hay nanh lợn lòi.

Ông Hà Đức Minh, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn cho hay, hiện nay, gà nhiều cựa đã được người chăn nuôi ở Xuân Sơn nhân giống, phát triển mạnh. Phần lớn các con gà đều có từ 4 đến 8 cựa mọc ở mỗi chân, còn gà có tới 9 cựa quả thực rất hiếm. Bởi thế, người dưới xuôi lên đây sẵn sàng trả giá cao để mua được con gà có chín cựa.

Gà nhiều cựa ở Xuân Sơn vẫn được người dân nuôi theo phương thức chăn thả tự nhiên, chủ yếu gà lên đồi tự đào bới tìm giun, dế, sâu bọ để làm thức ăn chính. Vì thế gà nuôi lâu lớn, nhưng chắc và ngọt thịt. Trung bình phải từ 6 tháng nuôi trở lên gà mới được 1 kg, con to có thể lên tới 3kg nhưng phải nuôi từ 2 năm trở lên. Chính vì loại gà này hiếm và gắn với truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh nên ngoài tên gọi gà nhiều cựa, nó còn được coi như “linh kê” của núi rừng Xuân Sơn từ nhiều đời nay…

Bảo tồn nguồn gen quý

Những năm trước, người dân chưa biết rõ về giá trị loài gà nhiều cựa, do đó chỉ chăn thả gà tự nhiên, không có ý thức chăm sóc đúng kỹ thuật và phòng bệnh nên giống gà này có nguy cơ bị tuyệt chủng. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc bảo tồn, phát triển giống gà quý này được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ triển khai bằng dự án cụ thể, nên đàn gà quý đã được phục hồi, nhân đàn và khẳng định giá trị kinh tế.

Ông Hà Đức Minh, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn cho biết từ đầu năm 2001 xã Xuân Sơn nhân rộng mô hình chăn nuôi gà chín cựa, hiện đã có m ột số hộ nuôi theo mô hình trang trại.

Ông Vũ Tiến Bắc, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn khẳng định, mô hình nuôi gà nhiều cựa đã góp phần giúp người dân có cơ hội nâng cao ý thức bảo tồn loài gà quý hiếm của địa phương, đồng thời góp phần cải thiện đời sống, phát triển kinh tế. Đến nay trên địa bàn huyện đã có trên 50 hộ ở các xã Xuân Sơn, Xuân Đài, Kim Thượng tham gia mô hình chăn nuôi này với tổng đàn ước đạt trên 6.000 con. Ngoài số gà bố mẹ của dự án, hiện các hộ chăn nuôi cũng đã phát triển thêm hơn 800 con gà giống hậu bị và đang tiếp tục nhân lên. Giống gà quý này đang mở ra cơ hội chăn nuôi mới cho người dân các dân tộc ở huyện nghèo Tân Sơn.

Theo ông Nguyên Khắc Khôi, nguyên Chủ tịch Hội Chăn nuôi thú y tỉnh Phú Thọ, gà chín cựa vốn được ghi trong truyền thuyết từ thời đại Hùng Vương. Trải qua mấy ngàn năm lịch sử, giống gà này vẫn tồn tại. Do đó, cần có chiến lược bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm của giống gà nhiều cựa này.

Năm 2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Danh mục bổ sung nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần được bảo tồn, trong đó có giống gà nhiều cựa Phú Thọ. Giống gà nhiều cựa Phú Thọ chủ yếu tập trung ở 2 xã: Xuân Sơn và Xuân Đài (huyện Tân Sơn), được nuôi chủ yếu trong các gia đình người Dao theo mô hình gia trại và trang trại với hình thức thả rông. Gà trống trưởng thành nặng bình quân khoảng 1,96 kg, gà mái trưởng thành nặng khoảng 1,51 kg; mỗi năm gà đẻ 4,5-5 lứa, sản lượng trứng từ 70-75 quả, trọng lượng trứng 49,5g, tỷ lệ tinh 44,4%...

Việc giống gà nhiều cựa Phú Thọ được xác định là một nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần được bảo tồn sẽ góp phần nâng cao chất lượng, thương hiệu gà nhiều cựa, tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi ở địa phương phát triển, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho các hộ dân.

Tạ Văn Toàn (TTXVN)
Gà Đông Tảo đắt hàng
Gà Đông Tảo đắt hàng

Từ năm 2013 đến nay, nhu cầu gà Đông Tảo ở khu vực Đông Nam bộ tăng mạnh. Trước đây, người dân chỉ mua gà Đông Tảo về cúng dịp giỗ, Tết, nay tất cả các ngày trong năm, trại gà lúc nào cũng tấp nập khách đến mua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN