Sacombank sắp hoàn tất xử lý khoản nợ của FLC

Trên 5.000 tỷ đồng là tổng dư nợ mà Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã chứng khoán: STB) cho vay nhóm khách hàng liên quan đến Tập đoàn FLC, gồm cả Bamboo Airways; trong đó, riêng dư nợ của FLC là 3.200 tỷ đồng.

Hiện ngân hàng đã xử lý, thu nợ được 2.600 tỷ đồng và trong 1 tháng tới FLC sẽ thu xếp trả phần còn lại.

Thông tin trên được bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc Sacombank chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 diễn ra ngày 22/4 tại Tp. Hồ Chí Minh.

Theo bà Diễm, tài sản thế chấp của khoản vay này là cổ phiếu nhưng đằng sau đó là rất nhiều dự án bất động sản tại Quảng Ninh, Hà Nội. Do vậy việc xử lý tài sản đảm bảo rất thuận lợi. 

Liên quan đến việc cho vay bất động sản, Tổng Giám đốc Sacombank cho biết dư nợ cho vay bất động sản của ngân hàng chỉ chiếm 22% so với tổng mức tín dụng của ngân hàng; trong đó cho vay người dân, tiêu dùng xây, sửa nhà chiếm đến 60%. Xét về con số tuyệt đối, dư nợ cho vay doanh nghiệp bất động sản tại Sacombank chỉ có 30.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ 400.000 tỷ đồng. 

Cổ tức cũng là một trong những vấn đề được cổ đông đặc biệt quan tâm tại đại hội lần này. Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank cho biết, khi nào hoàn thành đề án tái cơ cấu, được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận Sacombank mới có thể chi trả cổ tức cho cổ đông. 

"Phần lợi nhuận tích lũy của Sacombank tính đến nay đã vượt 10.000 tỷ đồng. Ngay khi được cơ quan quản lý đồng ý, ngân hàng sẽ dùng nguồn thặng dư này để chia cổ tức", ông Minh khẳng định.

Theo Ban lãnh đạo ngân hàng, sau 5 năm triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu sau sáp nhập, Sacombank đã thu hồi, xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng được trên 14.000 tỷ đồng; trong đó thu hồi gần 11.760 tỷ đồng các khoản thuộc đề án, vượt mục tiêu 10.000 tỷ đồng được Đại hội cổ đông giao; nâng mức thu hồi luỹ kế từ khi thực hiện Đề án lên 58.306 tỷ đồng, đạt 67,9% kế hoạch tổng thể đề án đến năm 2025, vượt 7,9% tiến độ. 

Ngân hàng cũng đã trích lập được 8.260 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro và xử lý tài sản tồn đọng trong năm qua, nâng tổng mức trích lập luỹ kế lên 20.287 tỷ đồng, đạt 87,5% kế hoạch tổng thể của đề án đến năm 2025.

Đồng thời, tài sản tồn đọng thuộc đề án giảm 57% so với cuối năm 2016, chỉ còn chiếm 8% tổng tài sản, tính đến cuối năm 2021.

Ngân hàng đặt mục tiêu chậm nhất đến năm 2023 sẽ hoàn tất xử lý toàn bộ các vấn đề tồn đọng thuộc đề án, chính thức hoàn thành trước hạn đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Trên cơ sở đó, Sacombank sẽ thực hiện các thủ tục xin phép Ngân hàng Nhà nước để thực hiện chia cổ tức cho cổ đông.

Năm 2022, Sacombank đặt mục tiêu tăng tổng tài sản lên trên 573.000 tỷ đồng, tăng 10% so với 2021; nguồn vốn huy động tăng 10%, dư nợ tín dụng tăng 12%, lợi nhuận trước thuế tăng 20% lên 5.280 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%. 

Kết thúc quý I/2022, lợi nhuận trước dự phòng Đề án của Sacombank đạt hơn 4.400 tỷ đồng, sau khi trích lập dự phòng rủi ro và phân bổ chi phí theo Đề án, lợi nhuận trước thuế đạt 1.589 tỷ đồng. Tổng tài sản 552.551 tỷ đồng, tổng huy động 496.372 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng 413.314. tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,24%.

Đại hội thống nhất số lượng thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2022 - 2026 là 7 thành viên gồm: ông Dương Công Minh – Chủ tịch Hội đồng quản trị, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị, ông Phạm Văn Phong – Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Phan Đình Tuệ - Thành viên Hội đồng quản trị, ông Nguyễn Xuân Vũ – Thành viên Hội đồng quản trị, ông Vương Công Đức - Thành viên Hội đồng quản trị độc lập, bà Phạm Thị Thu Hằng - Thành viên Hội đồng quản trị độc lập.

Đồng thời, Đại hội cũng bầu ra 4 thành viên chuyên trách Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2022 – 2026 gồm: ông Trần Minh Triết – Trưởng Ban Kiểm soát, ông Nguyễn Văn Thành – Thành viên Ban Kiểm soát, bà Hà Quỳnh Anh – Thành viên Ban Kiểm soát và ông Lâm Văn Kiệt – Thành viên Ban Kiểm soát.

Lê Phương (TTXVN)
Ba cổ phiếu thuộc 'họ FLC' bị cắt margin
Ba cổ phiếu thuộc 'họ FLC' bị cắt margin

Sở giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) cho biết, các cổ phiếu thuộc họ FLC là FLC, HAI, ROS bị ngừng cấp margin (cho vay giao dịch ký quỹ) do chậm công bố thông tin báo cáo tài chính năm 2021 kiểm toán.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN