Rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu để sát với thực tế

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Uỷ viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc sẽ đề xuất Chính phủ rút ngắn kỳ điều hành giá xăng xuống 5 ngày, hoặc thậm chí hàng ngày nếu đa số người dân đồng thuận.

Chú thích ảnh
Cửa hàng xăng dầu Hải Hà - Hải Đông, đường Quang Trung, quận Hà Đông (Hà Nội) chật kín khách tới mua xăng dù tối khuya.

Điều hành để tiệm cận giá thế giới

“Xăng dầu được ví là "lương thực" của sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, cần phải lưu thông thông suốt, có dự trữ dài lâu để đề phòng bất trắc xảy ra một cách chủ động”, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội nhấn mạnh.

Theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên nhân thiếu nguồn cung xăng dầu là do giá bán xăng, dầu chưa phù hợp. Cụ thể, khi xăng dầu nhập vào giá cao, nhưng thời điểm quyết định giá bán lại thấp hoặc ngược lại; nguồn cung xăng dầu thế giới không ổn định, ngoại tệ nhập khẩu cũng chưa được ‘đều đặn’; mức chiết khấu không đủ vì lạc hậu hàng chục năm nay, quy định 6 tháng điều chỉnh/lần nhưng không điều chỉnh. Việc này dẫn đến các đầu mối kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ, phải bán cầm chừng hoặc không bán.

"Trong đó cũng có một số doanh nghiệp bán buôn lợi dụng việc này, nhưng không nhiều. Nguyên nhân chính là do bị thua lỗ nên doanh nghiệp phải đóng cửa, tạm dừng kinh doanh để đối phó”, ông Vũ Vinh Phú cho biết.

Một số chuyên gia thương mại cho rằng: Nguồn dự trữ xăng dầu của Việt Nam rất mỏng, chỉ 5 đến 7 ngày và dự trữ không được tách rời giữa dự trữ Nhà nước và dự trữ doanh nghiệp. Đây là những vấn đề bất cập trong câu chuyện xăng dầu.

Chú thích ảnh
Đại lý bán lẻ xăng dầu trên phố Trần Phú, Hà Đông luôn đông nghịt người mua xăng. 

Do vậy, có những ý kiến cho rằng: Đã đến lúc tính toán thời điểm cụ thể để trả giá xăng dầu về thị trường. Hiện giá dầu thế giới biến động tăng từng ngày nhưng việc điều hành giá trong nước lại đang được thực hiện 10 ngày một lần khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thua lỗ liên tiếp. Nhà nước nên kiểm soát bằng các các công cụ như thuế, phí…. không nên điều hành giá theo kỳ như hiện nay.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)

“Hiện Việt Nam vẫn phải nhập trên dưới 70% xăng dầu nguyên liệu và xăng dầu thành phẩm nên giá xăng dầu trong nước phụ thuộc nhiều vào giá xăng dầu thế giới. Điều quan trọng, Việt Nam cần cân đối đủ để đáp ứng nhu cầu của nhân dân và doanh nghiệp. Nếu thả nổi ngay giá xăng dầu theo cơ chế thị trường, theo tôi là chưa nên. Theo quy luật, giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng, giá xăng dầu ở Việt Nam cũng phải tăng nhưng Việt Nam vẫn quản lý, điều hành thị trường xăng dầu với mục đích ổn định kinh tế và kiểm soát lạm phát. Điều đó khiến giá xăng dầu chưa vận hành theo cơ chế thị trường, tạo ra mâu thuẫn nội tại của hệ thống phân phối xăng dầu”, ĐBQH Phạm Văn Hòa cho biết.

Chú thích ảnh
Người dân phải chờ đợi cả tiếng đồng hồ mới đổ được đầy bình xăng. Ảnh: CTV

Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho hay: Trong 10 tháng qua, Việt Nam nhập khẩu gần 10 triệu tấn dầu thô, trị giá gần 6,5 tỷ USD, tăng 20,3% về lượng và tăng 60,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập trên 7,1 triệu tấn xăng dầu, trị giá 7,34 tỷ USD, tăng lần lượt 22,8% và 123,8% so với cùng kỳ. Tổng cộng chi ngoại tệ nhập khẩu dầu thô và xăng dầu 10 tháng năm nay đã tiêu tốn gần 14 tỷ USD.

Theo PGS TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính), về nguyên tắc, nếu có cơ chế thị trường đúng nghĩa, giá xăng dầu phải để thị trường định giá. Nhưng hiện, thị trường xăng dầu Việt Nam vẫn còn doanh nghiệp nắm thị phần thống lĩnh, nên không thể thả nổi giá xăng dầu cho thị trường quyết định.

Nên rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu xuống 5 ngày

Chú thích ảnh
Cây xăng trên phố Võ Thị Sáu, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) treo biển hết hàng cả ngày.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn mới đây của Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trở nên "nóng" hơn khi chủ tọa điều hành - Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên giải trình về tình hình nhiều cây xăng tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh không bán hoặc bán nhỏ giọt.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Nguyên nhân và giải pháp cho thị trường xăng dầu đã được Bộ trưởng báo cáo đầy đủ tại phiên thảo luận kinh tế xã hội ngày 28/10 và tới giờ "còn nguyên giá trị". Tuy nhiên, những ngày qua, thị trường thế giới và trong nước có những diễn biến mới. Khan hiếm xăng dầu thế giới, tỷ giá USD, euro tăng mạnh, cùng những khó khăn trong tiếp cận ngoại tệ của doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối... đã tác động tới thị trường xăng dầu trong nước.

Chú thích ảnh
Trạm bán lẻ xăng dầu ở 48 Thanh Nhàn (Hà Nội) đóng cửa thông báo chờ nhập hàng.

"Tình trạng đứt gãy cục bộ nguồn cung diễn ra thêm ở một số nơi, nhất là thành phố lớn, đông dân cư nhưng sản lượng xăng dầu trong nước và nhập khẩu đạt 86% kế hoạch năm. Nguồn dự trữ của doanh nghiệp, nhập khẩu, sản xuất từ hai nhà máy lọc dầu.. đảm bảo nguồn cung trong nước”, trưởng ngành Công Thương chia sẻ.

Không hài lòng với lý giải này của Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, dù ông đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Công Thương, nhưng “thị trường xăng dầu đang hỗn loạn". Hiện, cách tính giá cơ sở xăng dầu không còn phù hợp. Nghị định 95/2021 quy định lấy bình quân 10 ngày trước để tính giá cơ sở trong nước của 10 ngày sau, tức chênh với thế giới tới 20 ngày.

Chú thích ảnh
Nhiều người dân phải đi đổ xăng từ sáng sớm ở khu vực Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, quy định về tính giá cơ sở bán lẻ xăng dầu theo Nghị định 95 là trong điều kiện bình thường. Trong khi dó, thị trường xăng dầu năm nay rất “dị biệt” trong bối cảnh thế giới hỗn loạn nên đã bộc lộ khiếm khuyết trong điều hành. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu sửa Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, để phù hợp thực tế.

"Nếu 10 ngày không phù hợp thì có thể rút thời gian điều hành xuống còn 5 ngày. Thậm chí, nếu lấy ý kiến rộng rãi người dân, đối tượng chịu tác động, đa số ý kiến cho rằng điều chỉnh giá theo ngày là phù hợp thì Bộ sẽ tham mưu Chính phủ", Bộ trưởng Bộ Công Thương đề xuất.

Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng: Trong bối cảnh hiện nay, cần điều hành giá xăng dầu uyển chuyển và linh hoạt hơn để đảm bảo ổn định cho người dân, doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế.

“Để giải quyết gốc rễ vấn đề thì cần điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường. Nhưng đây cũng là bài toán không đơn giản vì giá xăng dầu sẽ thay đổi liên tục, tăng theo thị trường trong khi sự can thiệp của Nhà nước giảm đi. Mặt tốt của điều này là khi giá xăng dầu vận hành theo thị trường thì sẽ giải quyết các vấn đề như hiện nay, đồng thời các bộ, ngành không phải chạy theo để xử lý tình thế. Nhưng ở chiều ngược lại, điều đó sẽ khiến giá xăng dầu tăng cao, ảnh hưởng đến lạm phát và cả nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp sẽ phản ứng”, ông Lê Quốc Phương cho biết.

Chú thích ảnh
Lâu lắm rồi, Hà Nội mới chứng kiến nguồn cung xăng dầu bị khan hiếm kéo dài.

Trước mắt, theo nhiều chuyên gia kinh tế, khi chưa chuyển sang được cơ chế thị trường, Việt Nam vẫn điều hành giá xăng dầu nhưng cần điều hành uyển chuyển và linh hoạt hơn. Trong đó, tăng chi phí định mức ở mức hợp lý hơn và giảm chu kỳ điều hành sát thực tế hơn.

“Cá nhân tôi cho rằng có thể giảm chu kỳ điều hành xuống 5 ngày. Hơn nữa, đi kèm với tăng chi phí định mức thì cũng phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu được cái khó phải cân đối trong công tác điều hành”, ông Lê Quốc Phương cho biết.

Ông Nguyễn Tiến Thoả - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) chia sẻ: Khi sửa Nghị định 95/2021/NĐ-CP thì chu kỳ tính giá cần phải tính toán lại. Nếu như giai đoạn này chưa có đủ điều kiện làm được như các nước trên thế giới, tức là bám sát giá thị trường thế giới và điều hành giá hàng ngày thì có thể rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá từ 10 ngày xuống 5 ngày, nhằm phù hợp với phương thức hiện nay mà các doanh nghiệp đầu mối đang mua xăng dầu trên thị trường thế giới để phản ánh sát hơn, giảm thiểu lệch pha giá thị trường trong nước và giá thế giới.

Chú thích ảnh
Tình hình các cây xăng quá khan hàng, quan trọng nữa việc chiết khấu cho các đại lý, doanh nghiệp bán lẻ gần như bằng 0 khiến “càng kinh doanh càng lỗ”.

“Quan điểm của tôi là chuyển dần sang cơ chế thị trường. Tức là, doanh nghiệp phải hoạch toán kinh doanh, từ doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ và thương nhân đầu mối. Chính doanh nghiệp bán lẻ sẽ tự quyết định việc điều chỉnh giá theo thị trường và biết cách tính toán chi phí cho từng giọt xăng dầu của mình. Ngoài ra, cũng có thể có những khung giá cần thiết khi có biến động đột biến như thời gian vừa qua”, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú chia sẻ.

Các ĐBQH cho rằng, phải có một thị trường kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam. Điều đó cần có một đề án khoa học nghiên cứu rõ ràng và theo ông Vũ Vinh Phú, đến hết năm 2023, đầu năm 2024, đề án này nên được áp dụng, cho cả cấp quản lý nhà nước và doanh nghiệp, người tiêu dùng. Việt Nam cần làm quen dần với cơ chế thị trường.

“Cách can thiệp tốt nhất của Nhà nước đối với thị trường xăng dầu là bằng chính sách tài khóa, nghĩa là điều chỉnh thuế và phí đánh lên xăng dầu. Thậm chí Nhà nước có thể dùng ngân sách bù lỗ cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong tình huống khủng hoảng cung ngắn hạn như đã từng hỗ trợ lãi suất cho một số lĩnh vực. Bài toán tăng khối lượng dự trữ quốc gia về xăng dầu theo Luật Dự trữ Quốc gia cũng cần được tính đến”, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đề xuất.

Trao đổi với báo giới, một số ĐBQH cho rằng: Việc vận hành và quản lý Quỹ bình ổn giá (BOG) xăng dầu đang thiếu minh bạch, không phát huy được như kỳ vọng, nên bỏ và thay vào đó là các cơ chế điều chỉnh thông qua thuế, phí. Theo đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai), xung đột Nga – Ukraine xảy ra, giá xăng dầu tăng cao, Việt Nam phải xả quỹ BOG để bình ổn thị trường xăng dầu trong nước. Tuy nhiên khi xả quỹ BOG, doanh nghiệp kêu lỗ, mà không xả, đến cuối năm các doanh nghiệp lại báo lãi rất lớn. Tương tự, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng: Cần nghiên cứu bỏ quỹ BOG vì không phản ánh tính chất bình ổn như các loại quỹ bình ổn thông thường. Xăng dầu là mặt hàng đặc biệt nên cần có chế định đặc biệt để quản lý, không phải can thiệp vào nó một cách phi thị trường mà có thể điều tiết thông qua cơ chế thuế, phí.

*Clip chia sẻ của ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Uỷ viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về cơ chế điều hành giá xăng dầu cần sát với thực tế:

 

Bài, ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức
Hải Phòng tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu
Hải Phòng tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1039/CĐ-TTG ngày 2/11/2022 về quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng vừa có chỉ đạo tăng cường quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN