Ông Huỳnh Văn Tồn - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung cho biết, nguyên nhân khiến sản lượng quýt hồng tại thủ phủ quýt hồng huyện Lai Vung, năm 2020 giảm mạnh là do ảnh hưởng của dịch bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi hoành hành.
Đây là đợt sản lượng quýt hồng giảm nhiều nhất từ năm 2000 đến nay.
Theo đó, hiện nay, toàn huyện chỉ còn 190/802 ha trồng quýt hồng có khả năng cho trái, với sản lượng trung bình 20 tấn/ha. Bù lại, chất lượng quýt năm được đánh giá khá cao. Hiện tại, giá quýt mua tại vườn đã ở mức 50.000 đồng/kg, cao hơn 20.000 - 25.000 đồng/kg so với cùng kỳ.
Có hơn 20 năm gắn bó với cây quýt hồng, ông Nguyễn Văn Đầy ngụ ấp Long Hưng 1, xã Long Hậu, huyện Lai Vung cho biết, năm nay, giá quýt Tết tăng 30% so với năm trước. Tuy nhiên, điều này cũng không khiến nông dân phấn khởi, bởi sản lượng quýt không nhiều.
Cụ thể, tại vườn ông Đầy, với 10 ha trồng quýt hồng, sản lượng quýt tại vườn giảm khoảng 60%, chỉ còn 7.000 tấn. Hiện, ông Đầy đang nỗ lực áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật với hy vọng “hồi sinh” cây quýt sau nhiễm bệnh trong mùa quýt năm sau.
Thời gian 15 ngày cuối năm, thị trường quýt tết sẽ bắt đầu sôi động dần, do nhu cầu trưng mâm ngũ quả ngày tết. Theo khuyến cáo của các nhà chuyên môn, để đảm bảo chất lượng và sản lượng quýt, nhà vườn cần thăm vườn thường xuyên, theo dõi mật độ ruồi vàng chích hút gây rụng trái và dùng các biện pháp sinh học dễ dẫn dụ ruồi vàng. Đồng thời, chú ý tưới nước đảm bảo vệ sinh, bón phân cân đối, hạn chế bón phân đạm làm gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh.