“Bắt bệnh” giải ngân chậm
Theo các chuyên gia kinh tế, nguồn vốn ODA là nguồn vốn tốt cho bất kỳ quốc gia nào bởi được vay ưu đãi với lãi suất thấp trong thời gian dài. Thời gian qua, việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội nước ta phát triển.
Tuy nhiên, có một thực tế diễn ra nhiều năm lại đây chứ không chỉ trong những tháng đầu năm nay là dòng vốn ODA và những dòng vốn từ nước ngoài tài trợ cho những dự án được giải ngân chậm.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 6/2017, có 810 chương trình, dự án đang triển khai với số vốn ODA và vốn vay ưu đãi còn lại chưa giải ngân khoảng 21,167 tỷ USD. Số vốn này sẽ giải ngân theo tiến độ hiệp định từ nay đến hết năm 2026, tuy nhiên, sẽ tập trung khối lượng lớn vào giai đoạn 2017 - 2020 là 17,485 tỷ USD.
Nhà ga La Khê-Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN |
Để bảo đảm giải ngân số vốn còn lại đã ký kết, trong giai đoạn này trung bình mỗi năm cần giải ngân được 4,37 tỷ USD. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, mới giải ngân được 1,5 tỷ USD, bằng 32,6% số vốn dự kiến giải ngân cả năm (khoảng 4,6 tỷ USD).
Nguyên nhân của tình trạng này cũng đã được chỉ ra là do những vướng mắc về năng lực nhà thầu, giải phóng mặt bằng, chỉ đạo điều hành, dự toán nhà thầu, thủ tục đầu tư xây dựng...
Theo chuyên gia TS. Nguyễn Trí Hiếu, thực tế để giải ngân các dự án bằng nguồn vốn ODA không dễ dàng. Có nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan nhưng có hai yếu tố làm chậm tiến độ giải ngân vốn ODA là vốn đối ứng và tiến độ thực hiện dự án. “Bất cứ chương trình vốn ODA hay vốn vay ưu đãi nào cũng cần vốn đối ứng và mình phải thu xếp được. Dự án thực hiện theo phương án, tiến độ công trình; việc thực hiện dự án không theo phương án, tiến độ thì cũng sẽ không giải ngân được”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Còn theo chuyên gia TS. Bùi Quang Tín, việc lựa chọn đúng nhà thầu là nguyên nhân mấu chốt đầu tiên để có thể giải bài toán “chậm giải ngân vốn ODA”. Sau đó, phải có thanh tra, giám sát, rồi xử phạt, thậm chí là phải truy tới cùng trách nhiệm của bên nào nếu làm sai quy trình đấu thầu và phải làm nghiêm minh hơn nữa. Những dự án ODA nào không hiệu quả, giải ngân chậm thì phải cắt ngay để chuyển cho dự án khác. “Nếu cần, có thể thuê một cơ quan thẩm định độc lập của nước ngoài vào đánh giá nhà thầu đó có chất lượng không”, TS Bùi Quang Tín đề xuất.
Quy trình kiểm tra, thanh tra, giám sát các dự án đầu tư sử dụng vốn ODA, theo TS Bùi Quang Tín nên theo cách làm của nước ngoài, tức là thanh tra giám sát theo hình thức rủi ro. Hiện “Việt Nam có hai hình thức thanh tra là thanh tra thường xuyên (theo tháng, quý) và thanh tra định kỳ nhưng cũng vẫn dễ phát sinh tiêu cực. Ở nước ngoài hay áp dụng là thanh tra khi đánh giá có rủi ro và không báo trước cho doanh nghiệp. Điều này không chỉ phụ thuộc vào cơ quan thanh tra, giám sát mà phải phối hợp với cơ quan thẩm định triển khai dự án”, TS. Bùi Quang Tín khẳng định.
Rà soát lại từng dự án
Trong cuộc họp với một số bộ, ngành, địa phương về thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi mới đây (ngày 1/8/2017), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong năm 2017, với những dự án chưa giải ngân được, chưa làm thủ tục thì phải điều chuyển vốn để làm sao giải ngân hết số vốn kế hoạch đã thông qua.
Từng chủ dự án phải xem lại năng lực, trách nhiệm, phải tự rút lui khi thấy khả năng không thể triển khai được dự án hoặc tìm được nguồn khác mà không cần đến vốn vay ODA. Bên cạnh đó cần nâng cao tính cạnh tranh trong việc lựa chọn nhà thầu tránh để tình trạng chỉ định nhà thầu không đủ năng lực như trường hợp dự án đường sắt tuyến Cát Linh - Hà Đông hay nhà thầu dự án nước Hưng Yên.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ ngành để đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn ODA. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xem lại từng dự án, ưu tiên các dự án hoàn thành trong năm 2017.
Bộ Tài chính rà soát quy trình, thủ tục thanh toán, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin kết nối hệ thống dữ liệu giữa các đơn vị liên quan trong Bộ Tài chính để rút gọn, đơn giản quy trình, thủ tục và tạo thuận lợi cho việc kiểm soát và chi vốn.
Bộ Giao thông và Vận tải phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan các dự án có tính chất kỹ thuật phức tạp, đặc thù như dự án đường sắt đô thị...
Hai ngày sau phiên họp này, Chính phủ cũng đã ra Nghị quyết số 70/NQ - CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công (ngày 3/8/2017). Nghị quyết nêu rõ: các bộ, ngành, địa phương rà soát tình hình và tiến độ thực hiện kế hoạch giải ngân các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương chủ động có giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu..., đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án. Lựa chọn nhà thầu có đầy đủ năng lực (kỹ thuật và tài chính), kinh nghiệm để triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình, hàng hóa, dịch vụ. Tăng cường đấu thầu qua mạng theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bên cạnh việc giải ngân, sử dụng làm sao cho hiệu quả nguồn vốn ODA thì việc việc định hướng thu hút ODA như Thủ tướng Chính phủ đã nêu tại cuộc họp với các bộ ngành vừa qua là cái gì bức xúc, đặc biệt là công trình hạ tầng chúng ta chưa có khả năng vốn thì chúng ta kêu gọi. Cái gì làm được, dân ta làm được thì phải làm. Cần phải đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực trong dân.
Đồng tình cao với chỉ đạo của Thủ tướng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, lãi suất vay ODA không thuận lợi như trước mà nay đã cao hơn. Dòng vốn này cũng dần dần khép lại chứ không như trước kia khi ở trong nhóm các nước thu nhập dưới trung bình.
“Nếu chúng ta có thể tự lực cánh sinh bằng nguồn vốn trong nước mà không phải vay vốn ODA là rất tốt. Đừng mang tư duy là dành nguồn vốn nội cho những dự án trong tương lai còn mình vay được gì thì cứ đi vay. Đó là tư duy hết sức nguy hiểm vì sẽ đẩy nợ công lên cao. Trước đây, Chính phủ đã có chương trình rà soát lại tất cả các dự án để xem những dự án nào gây lãng phí, không hiệu quả thì rút lại thì nay cần tiếp tục rà soát”, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
TS. Bùi Quang Tín cũng cho rằng, việc ưu tiên xã hội hóa nguồn vốn trong nước là phù hợp. “Tất nhiên xã hội hóa nguồn vốn trong nước thì không có nghĩa chỉ dùng nguồn vốn trong nước mà có thể kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài. Lúc đó mình chỉ coi lại quy trình quản lý dự án đó như thế nào cho hiệu quả. Khi triển khai các dự án như vậy sẽ giảm gánh nặng về nợ công”, TS. Bùi Quang Tín khẳng định. v