Quyết liệt đẩy lùi hàng giả, hàng nhái

Hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là một trong những vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Những hệ lụy và tiêu cực mà nó mang lại cho xã hội là không nhỏ. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua cuộc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái vẫn còn rất gian nan.


Hàng nhái tràn ngập thị trường


Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT), trong 9 tháng đầu năm 2012, lực lượng QLTT cả nước phát hiện 7.945 vụ hàng giả, vi phạm nhãn hàng hóa và xâm phạm quyền SHTT tăng hơn 1.000 vụ so với cùng kỳ năm 2011.


Riêng tại TP Hồ Chí Minh, hàng giả, hàng nhái kiểm tra đâu là phát hiện sai phạm đến đó. Trong tháng 11, Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh đã tạm giữ 86.296 đơn vị sản phẩm và 13.669 kg hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả. Trong đó hàng nhập lậu có 208 chai rượu ngoại, 4.872 chai bia Heineken, 1.140 hộp sữa nước, 200 kg bột ngọt Trung Quốc, 750 kg đường Thái Lan…


Các loại hàng giả, hàng kém chất lượng chủ yếu là mỹ phẩm, sữa, bia, rượu, hàng may mặc, phân bón, thuốc chữa bệnh, thức ăn chăn nuôi… Nguy hiểm là số vụ hàng giả, hàng nhái bị phát hiện lại tăng mạnh nhiều vào lĩnh vực an toàn sức khỏe của con người như: thuốc, sữa, mỹ phẩm, mũ bảo hiểm, xăng…


Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.


Các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không chỉ xuất hiện từ các vỉa hè, chợ truyền thống và thậm chí len lỏi, trà trộn vào cả những siêu thị và trung tâm thương mại lớn ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Theo khảo sát của chúng tôi tại một số chợ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh như: chợ Bình Tây, chợ An Đông, các trung tâm mua sắm như Sài Gòn Square hàng giả xuất hiện và bày bán một cách công khai. Tại đây, người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận thấy tất cả các mặt hàng từ quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm... được bày bán rất phong phú về mẫu mã và mang thương hiệu lớn của nước ngoài như: Louis Vuiton, Cheviot, Nike, Channel... Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có những biểu hiện như đa dạng về mẫu mã, linh động về giá cả và đặc biệt là phong phú về chủng loại.


Một số tiểu thương tại các chợ cho biết: Đa số hàng nhái các thương hiệu nước ngoài đều do các cơ sở gia công tại TP Hồ Chí Minh sản xuất hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan… với giá rẻ hơn so với hàng thật nên các mặt hàng này được tiêu thụ rất mạnh. Trung bình giá của các mặt hàng này chỉ bằng 15 - 20% giá của hàng thật.


Không chỉ có hàng giả nhãn hiệu nước ngoài, nhiều sản phẩm trong nước cũng bị làm giả, làm nhái đủ kiểu như trên thị trường đã xuất hiện nhiều sản phẩm nhái in bao bì với những tên gọi nhái gần giống tên thương hiệu nổi tiếng như: nước rửa chén Vỹ Hảo (gần giống tên Mỹ Hảo), bánh kẹo Kim Đô (nhái tên Kinh Đô), bột giặt Mo Mo (nhái Omo)…


Ông Phạm Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho rằng: Nạn hàng giả đang trở thành quốc nạn, điều này không chỉ gây thiệt hại trực tiếp về kinh tế, ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn làm cho các doanh nghiệp bị thua thiệt, gây thất thu thuế cho Nhà nước.


Sẵn sàng nộp phạt để vi phạm tiếp


Sở dĩ các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn còn tồn tại là do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, chế tài xử phạt đối với những hành vi sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái vẫn chưa đủ sức răn đe.


Chi cục quản lý thị trường tỉnh Bình Dương kiểm nghiệm bình gas giả đang bị thu giữ.


Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, mặc dù hệ thống luật pháp của chúng ta có các văn bản pháp luật rất hoàn chỉnh nhưng khi áp dụng vào thực tiễn vẫn còn nhiều vướng mắc mà chúng ta chưa giải quyết được. Ví dụ theo quy định xử phạt Bộ luật Hình sự: Khi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở quy mô thương mại có thể bị xử lý hình sự. Thế nhưng, lợi nhuận đến bao nhiêu thì vi phạm quy mô thương mại lại chưa có văn bản hướng dẫn.


Trong khi luật pháp còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, chế tài chưa đủ mạnh nên nhiều công ty, doanh nghiệp sẵn sàng vi phạm để tìm kiếm lợi nhuận trái luật, nếu bị phát hiện thì họ sẵn sàng nộp phạt.


Ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng Giám đốc Công ty truyền thông chống hàng giả Việt Nam (Vina CHG), thành viên Hội đồng tư vấn mã số mã vạch (MSMV):

Ngăn chặn hàng giả bằng MSMV

Để ngăn chặn hàng giả, các doanh nghiệp nên sử dụng MSMV trên sản phẩm. Bởi khi có MSMV người tiêu dùng có thể kiểm tra được nguồn gốc sản phẩm đó. Còn các doanh nghiệp có thể quản lý số lượng hàng xuất ra, lượng hàng tồn kho, quan trọng hơn là xác định được lượng hàng đã hết hạn, hay trôi nổi ngoài thị trường. Ngoài ra, việc kiểm tra MSMV của sản phẩm rất dễ dàng, chỉ bằng các dụng cụ như điện thoại di động, máy tính…, người tiêu dùng, doanh nghiệp có thể tải phần mềm đọc MSMV đó về để kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, từ đó biết đâu là sản phẩm thật, đâu là sản phẩm giả. Chính vì vậy, Vina CHG đã đưa ra ứng dụng của MSMV kết hợp với tem chống giả barcode 2D (mã vạch hai chiều) nhằm quản lý hoạt động lưu thông hàng hóa trên thị trường. Barcode 2D chứa các thông tin được mã hóa trên mã vạch khi quét sẽ nhìn thấy thông tin, được ứng dụng trên bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa, dịch vụ mua vào (đối với cơ quan quản lý nhà nước) và trên phiếu quà tặng, phiếu thông tin sản phẩm… (đối với DN). Ngoài ra, Vina CHG đang đầu tư công cụ, kỹ thuật để đưa phần mềm này lên thương mại điện tử giúp người tiêu dùng tải các phần mềm đó về kiểm tra, đọc thông tin sản phẩm nhanh nhất mà không tốn bất kỳ chi phí nào.

Ông Hoàng Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3:

Cần có một hệ thống quản lý chung về MSMV

Việc sản xuất hàng giả có rất nhiều phương thức, thậm chí chính doanh nghiệp cũng tự làm giả sản phẩm của mình. Chẳng hạn như một doanh nghiệp đăng kí với các nhà quản lý là sản phẩm của tôi đạt chất lượng như thế này và người tiêu dùng cũng công nhận sản phẩm này tốt…. Tuy nhiên, lần sản xuất sau để tiết kiệm chi phí, vì lợi nhuận DN lại sản xuất một sản phẩm mẫu mã y chang như sản phẩm trước nhưng chất lượng không giống như sản phẩm trước. Kiểu làm hàng giả này rất nhiều và có ở các sản phẩm: áo quần, mỹ phẩm, giày dép, mỹ phẩm… Kiểu làm giả này chỉ có ở những doanh nghiệp sản xuất nhỏ lẻ, manh mún thực hiện chứ những doanh nghiệp lớn họ không làm, bởi sản phẩm của họ đã khẳng định được thương hiệu, chẳng dại gì họ đi làm giả sản phẩm của họ để hạ uy tín.

Vì vậy, để ngăn chặn hàng giả, chúng ta mới sử dụng dán tem kiểm định chất lượng, MSMV…. Tuy nhiên, những biện pháp này cũng chưa được thống nhất, chẳng hạn như việc dùng MSMV, nhiều DN chưa mặn mà. Thậm chí có DN đã đăng kí MSMV nhưng không dùng MSMV của mình hoặc DN có dùng nhưng dùng MSMV bất hợp pháp hoặc dùng MSMV không đúng. Do đó chúng ta phải xây dựng một hệ thống chung thống nhất trong việc đăng kí, kiểm tra MSMV của sản phẩm. Đồng thời tuyên truyền để DN nên sử dụng MSMV cho sản phẩm nhằm ngăn chặn hàng gian, hàng giả.

Luật sư Phan Thị Việt Thu, Trưởng Văn phòng giải quyết khiếu nại (Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh):

Người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình

Kể từ khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) có hiệu lực (từ ngày 1/7/2011 đến nay), Văn phòng khiếu nại đã tiếp nhận hơn 100 vụ khiếu nại của người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc xử lý các vi phạm vẫn chưa được thực hiện triệt để do cả người tiêu dùng và doanh nghiệp đều chưa biết nhiều về luật. Cụ thể, người tiêu dùng chưa biết hết 8 quyền lợi của mình trong việc tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cũng như chưa hiểu được những nghĩa vụ của mình. Tình trạng các tổ chức, cá nhân kinh doanh chưa thấy được trách nhiệm của mình đối với người tiêu dùng vẫn còn khá phổ biến. Nhiều doanh nghiệp khi được mời đến Hội để tham gia hòa giải do bị người tiêu dùng khiếu nại, đã nói rằng hoàn toàn không biết có Luật BVQLNTD hoặc nghĩ rằng luật này không dính dáng đến doanh nghiệp. Chính vì vậy, trong khi chờ các quy định của luật thực sự đi vào đời sống, đồng thời góp phần ngăn chặn nạn hàng giả, hàng nhái hàng kém chất lượng, người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình bằng cách: Đọc kỹ những thông tin về sản phẩm, kiểm tra hàng hóa trước khi nhận và báo ngay cho các cơ quan chức năng khi mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để có những xử lý kịp thời....

Ông Phạm Ngọc Hùng cũng cho rằng: Chế tài xử phạt đưa ra cho những hành vi vi phạm sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái còn quá nhẹ, mức xử phạt tối đa chỉ từ 50 - 200 triệu đồng. Trong khi đó, lợi nhuận thu được từ việc sản xuất kinh doanh loại mặt hàng thì lại rất lớn.


Mặt khác, hiện nay, chúng ta có tới năm cơ quan hành chính có chức năng và thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ gồm cơ quan QLTT thanh tra chuyên ngành khoa học - công nghệ, văn hóa, thể thao và du lịch, công an kinh tế, UBND các cấp cùng cơ quan hải quan kiểm soát hàng nhập khẩu. Thế nhưng, lực lượng quản lý, kiểm tra này đông nhưng không mạnh. Do hoạt động rời rạc, thiếu sự đồng bộ về chất lượng cũng như số lượng, chức năng nhiệm vụ giữa các cơ quan lại chồng chéo nên dù chịu sự kiểm tra của năm cơ quan nêu trên nhưng nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn tràn ngập trên thị trường.


Ông Bình cũng thừa nhận rằng: Trình độ của các cơ quan quản lý pháp luật, tòa án, hải quan, QLTT, công an kinh tế vẫn chưa đồng đều. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng thực thi phải đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ chưa có cán bộ chuyên trách về lĩnh vực chống hàng giả. Chính vì vậy, mới có tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường.


Gian nan chống hàng giả


Trong nhiều năm qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp để chống hàng giả, hàng nhái bằng cách tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn diễn ra phổ biến làm lũng đoạn thị trường và thách thức các cơ quan chức năng kiểm tra kiểm soát. Do đó, để bảo vệ hàng trong nước, bình ổn thị trường, cuộc đấu tranh chống hàng gian, hàng giả vẫn còn gian nan.


Theo ông Nguyễn Thành Danh, Phó chi cục trưởng Chi cục QLTT Bình Dương, các cá nhân tổ chức làm hàng giả, hàng nhái ngày càng phát triển về trình độ và quy mô, thủ đoạn ngày càng tinh vi nên việc tuần tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, đa số doanh nghiệp trong nước là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ yếu tập trung lo cái lợi trước mắt mà chưa quan tâm đến lợi ích lâu dài trong việc đăng ký nhãn hiệu của mình.


Bên cạnh đó, ông Hùng cho biết: Công tác chống hàng giả còn gặp nhiều khó khăn một phần là do doanh nghiệp chưa có trách nhiệm, ý thức trong việc bảo vệ thương hiệu sản phẩm của mình. Các nhà doanh nghiệp có tâm lý khi biết thông tin sản phẩm của mình có hàng giả, hàng nhái thường không muốn công khai, sợ ảnh hưởng đến doanh thu, do đó doanh nghiệp không thông báo rộng rãi hoặc không phối hợp với các cơ quan chức năng. Ngoài ra, người tiêu dùng còn thiếu thông tin kiến thức trong việc phân biệt hàng thật, hàng giả và chưa thực sự kiên quyết trong việc tẩy chay hàng giả, hàng nhái.


Để ngăn chặn và đẩy lùi hàng giả, hàng nhái, chúng ta cần phải có những biện pháp quyết liệt và liên tục hơn nữa. Đồng thời, cũng phải chú trọng đến giải pháp tuyên truyền pháp luật trong quần chúng cũng như trong các cơ quan nhà nước. Đặc biệt, cơ quan nhà nước phải hoàn thiện các văn bản pháp luật, chế tài phải mạnh hơn nữa thì mới giảm thiểu hàng giả. Do đó, công tác chống hàng giả phải giống như là tổng hợp sức mạnh của cả một hệ thống chính trị. Ngoài ra, cần phải phát huy vai trò của các hiệp hội như: Hội Bảo vệ người tiêu dùng, Hội Sở hữu trí tuệ, các hội nghề nghiệp để giúp các doanh nghiệp và người tiêu dùng hiểu biết pháp luật - ông Bình chia sẻ.


Có thể nói, cuộc đấu tranh đối với vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là công việc không chỉ của riêng một tổ chức hay cá nhân mà phải là công việc của toàn xã hội mà trước hết là cần hoàn thiện các quy định của pháp luật, phối kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan thực thi pháp luật, nâng cao ý thức của tổ chức và cá nhân. Có làm được như vậy thì mới từng bước đẩy lùi được vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang tràn lan hiện nay.



Đ. Phương - H. Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN