Doanh nghiệp loay hoay chống hàng giảÔng Trần Thanh Kha, Quản lý kinh doanh của Tập đoàn NGK (Thái Lan) tại Việt Nam cho hay, sau gần 3 năm công ty mở văn phòng chính thức ở Việt Nam thì sản phẩm bugi của NGK đã chiếm 70% thị phần. Tuy nhiên, nghiên cứu thị trường cho thấy, khi mua 2.000 con bugi trên cả nước thì có đến 200 bugi bị làm giả. Hàng giả chủ yếu từ Trung Quốc tràn về. Ngoài ra, bugi giả còn do các doanh nghiệp (DN) trong nước tự sản xuất bằng cách nhái hoàn toàn về kiểu dáng thương hiệu NGK.
Cuối năm, lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường. Ảnh: Trần Việt – TTXVN |
Đại diện một DN sản xuất ba lô, cặp cho học sinh trên địa bàn Hà Nội cũng cho hay: “Chúng tôi rất bức xúc về tình trạng ăn cắp thiết kế và nhái hàng của một số cơ sở làm ăn chụp giật. Gần đây, chúng tôi bị vi phạm quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp mà chúng tôi đã đăng ký cho sản phẩm ba lô kéo học sinh. Mặc dù chúng tôi đã gửi khuyến cáo đến đơn vị vi phạm nhiều lần, mời cả công ty luật vào cuộc nhưng họ cứ trơ trơ”.
“Tết đến là thời cơ để các hành vi gian lận thương mại, trong đó có sản xuất hàng giả, hàng nhái lũng đoạn thị trường. Việc kiểm tra các cơ sở sản xuất hàng giả phải tiến hành từ sớm chứ không phải đợi đến sát Tết mới đi kiểm tra”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư kí Hội Bảo vệ NTD Việt Nam |
Không chịu ngồi một chỗ trông chờ các cơ quan chống hàng giả giúp mình, nhiều DN đã kết nối, phối hợp với cơ quan chức năng để cùng ngăn chặn. Tuy nhiên, hiệu quả cũng không được là bao. Như trường hợp của Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn, nhiều năm qua liên tục phối hợp với cơ quan chức năng chống hàng giả mũ Nón Sơn tràn lan trên thị trường.
Ông Nguyễn Ngọc Tí, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn, nhận định, lượng Nón Sơn bị làm giả ngày càng nhiều, trong khi đó công tác phối hợp không hiệu quả. Mất niềm tin vào công tác phối hợp chống hàng giả, Công ty Nón Sơn quyết định... “đơn thân, độc mã” chống hàng giả. Ông Tí ngậm ngùi: “Hết cách rồi. Chỉ còn cách chống hàng giả cuối cùng, đó là chúng tôi tự tìm đến các đại lý, DN khác để xin họ đừng làm giả hàng của chúng tôi nữa. Không biết hiệu quả ra sao nhưng chúng tôi sẽ làm điều này trong thời gian tới”.
Tương tự, vị đại diện thương hiệu bugi NGK trăn trở, với tỷ lệ hàng giả ở mức trên 10%, DN không biết chống hàng giả bằng cách nào. Công ty đang áp dụng hình thức tuyên truyền là chủ yếu để người tiêu dùng nhận biết hàng giả một cách tốt nhất.
Sử dụng các phần mềm kiểm tra mã vạch hàng hóa trên điện thoại smartphone đang trở thành một xu hướng hiện đại để người tiêu dùng thông thái có thể phân biệt hàng thật - hàng giả. Với công nghệ này, người dùng sử dụng phần mềm trên smartphone sau khi quét mã vạch có thể kiểm tra được nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa một cách dễ dàng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện phần mềm này cũng bị “bịt mắt” bằng các thủ đoạn tinh vi. Mã vạch và mã code đều có thể bị làm giả in trên bao bì sản phẩm.
Cần chế tài bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp
Với thực tế vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang đe dọa nghiêm trọng đến quyền lợi của DN và người tiêu dùng (NTD), ông Cao Xuân Quảng, Trưởng phòng Bảo vệ quyền lợi NTD (Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương) cho biết, Cục Quản lý cạnh tranh đã thực hiện trách nhiệm của mình là tăng cường tuyên truyền phổ biến để NTD nắm được các quyền của mình, từ đó tăng cường nhận thức chống hàng giả, hàng nhái.
Trong vòng 5 năm qua, số lượng giải quyết khiếu nại, yêu cầu của NTD đã tăng mạnh. Cụ thể, năm 2011 chỉ có 26 vụ thì đến năm 2014 đã tăng lên hơn 1.000 vụ và năm 2015 là gần 1.700 vụ việc. Có được kết quả đó là do Cục Quản lý cạnh tranh đã ra mắt đầu số hỗ trợ miễn phí NTD trên toàn quốc 1800.6838. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, con số này còn quá nhỏ so với thực tế. Nguyên nhân là do cộng đồng doanh nghiệp chưa quan tâm đến công tác bảo vệ quyền lợi NTD, nhiều khiếu nại từ khách hàng chưa được doanh nghiệp giải quyết thỏa đáng.
Theo bà Phạm Quế Anh, chuyên gia về bảo vệ NTD, cần nhìn trách nhiệm chống hàng giả ở nhiều góc độ. “Trách nhiệm của DN chỉ giới hạn trong những sản phẩm, dịch vụ mà họ đưa ra thị trường. Còn việc chống hàng giả, hàng nhái lại không phải trách nhiệm chính của DN. Để trừng phạt tội phạm làm hàng giả thì phải do cơ quan nhà nước xử lý. Dĩ nhiên DN phải có trách nhiệm cung cấp thông tin cho NTD hiểu rõ về sản phẩm của mình và hợp tác với cơ quan quản lý”, bà Quế Anh nói.
Bên cạnh đó, bà Quế Anh cho rằng các DN Việt Nam muốn chống hàng giả hiệu quả thì cần sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế bởi chỉ khi hàng hóa Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn đó thì mới có cơ sở để đánh giá đây là hàng đúng chất lượng còn kia là hàng nhái...
Ngoài ra, do chế tài xử phạt vi phạm còn quá nhẹ, lợi nhuận kiếm được cao hơn nhiều so với tiền nộp phạt là bất cập về xử lý hàng giả, hàng nhái. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng phải mạnh tay hơn trong cuộc chiến chống hàng giả bằng việc tăng chế tài thật nặng như: Khi phát hiện đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái thì cấm vĩnh viễn không cho hoạt động nữa, tịch thu giấy phép kinh doanh, hoặc xử lý hình sự, phạt tù...
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2015 của Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) tổ chức vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ rõ trong công tác chống hàng giả, gian lận thương mại còn tình trạng nể nang, bao che. Phó Thủ tướng yêu cầu, công tác phối hợp liên ngành cần chặt chẽ hơn, phân rõ trách nhiệm, xử lý đến cùng, minh bạch, không có vùng cấm. Lực lượng chức năng cần tập trung chống đầu nậu, chống kẻ cầm đầu; phát động rộng rãi trong nhân dân không kinh doanh, tiêu thụ hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng. Từng bộ, ngành, địa phương phải xây dựng kế hoạch cụ thể, tăng cường kiểm tra đôn đốc, nhất là những lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, khu vực trọng yếu phức tạp.