Dự kiến trong quý I/2022, Bộ sẽ hoàn thành kết nối 100% các thủ tục hành chính thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia theo chỉ đạo của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN.
Nhìn lại năm 2021, ông Nguyễn Xuân Ân cho biết, thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2021. Bộ đã hoàn thành 36/36 nhiệm vụ, đạt 100%; hoàn thành 92/93 sản phẩm, hoạt động, đạt 98,9%.
Về cải cách thủ tục hành chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cập nhật, công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia 119 thủ tục hành chính; công bố bãi bỏ 58 thủ tục hành chính. Bộ cũng rà soát, đơn giản hóa 3 thủ tục hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai.
Bộ rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh là 429/2.559 quy định, đạt 16,76%; cắt giảm 13,2% chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh của Bộ với số tiền tiết kiệm gần 219 tỷ đồng.
Về hiện đại hoá hành chính, Bộ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, triển khai xây dựng, hoàn thiện Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ phiên bản 2.0; hoàn thành xây dựng hệ thống thông tin báo cáo của Bộ, kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ. 100% văn bản đã được ký số, gửi, nhận trên phần mềm văn phòng điện tử và trục liên thông văn bản quốc gia.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nâng cấp Cổng dịch vụ công và phần mềm Hệ thống thông tin một cửa điện tử của bộ, đã tích hợp giải pháp chữ ký số chuyên dùng của Ban Cơ yếu Chính phủ vào phần mềm xử lý chuyên ngành cho các đơn vị xử lý nghiệp vụ; xây dựng 26 dịch vụ công mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến giúp giải quyết hơn 13.000 hồ sơ.
Bộ đổi mới, thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành, rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh; rà soát, đánh giá và đề xuất phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính; triển khai cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, dịch vụ công trực tuyến; triển khai Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"; đơn giản hóa chế độ báo cáo định kỳ của Bộ.
Về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, năm 2021, Bộ đã trình Chính phủ 9 nghị định; trong đó Chính phủ đã ban hành 3 nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 2/2 quyết định; Bộ trưởng đã ban hành 20/20 thông tư.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thành việc ban hành 7 văn bản quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Bộ đã trình Chính phủ ban hành các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp; bảo vệ và kiểm dịch thực vật; thú y; thủy lợi; trồng trọt; chăn nuôi. Bộ đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều; Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về thủy sản.
Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rà soát 443 văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế 96 văn bản; trong đó có 62 văn bản do Bộ chủ trì xây dựng. Bộ đã công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ gồm 404 văn bản.
Ông Nguyễn Văn Nam – Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trên 400 văn bản cùng với 9 luật chuyên ngành. Năm 2022, các đơn vị cần đánh giá thêm tác động của các văn bản quy phạm pháp luật Bộ ban hành trong việc tạo hành lang, pháp lý cho phát triển ngành cũng như tái cơ cấu... Những văn bản này bước đầu đáp ứng sự tương thích với các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do và đảm bảo quyền, lợi ích của các cá nhân, tổ chức cũng như quản lý ngành.
Năm 2022, các đơn vị cần tiếp tục tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: tổ chức thực hiện tốt kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của bộ. Theo đó, các đơn vị cần đổi mới phương thức xây dựng là cùng nhau xác định trước các nội dung chính để địa phương sớm có định hướng.
Với 9 luật chuyên ngành, ông Nguyễn Văn Nam cho rằng, cần có đánh giá để kịp thời có đề xuất sửa đổi, bổ sung bởi một số luật đã cho thấy không có sự tương thích với thực tế triển khai, điển hình như Luật Trồng trọt... Các đơn vị cần khắc phục tình trạng chậm, chất lượng thấp trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Về sắp xếp các công ty nông lâm trường còn chậm, ông Nguyễn Văn Nam cho biết, do Nghị định 118/2014/NĐ-CP về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp chưa được sửa đổi. Bộ đang nghiên cứu đề xuất để sửa đổi trong năm 2022 với 10 điều cần sửa đổi.
Ông Nguyễn Xuân Ân cho biết, năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường, đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử: chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ; trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng; số hóa kết quả thủ tục hành chính nâng cao tính công khai, minh bạch rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí.
Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về các vướng mắc khó khăn trong thực hiện cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến phạm vi quản lý của bộ.
Bộ cũng tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý nhà nước lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; đặc biệt là nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, phát hiện và xử lý mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định.
Các đơn vị cũng theo dõi thi hành pháp luật lĩnh vực có tác động trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp như: quản lý thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, xử lý vi phạm hành chính...