Quy hoạch phát triển đô thị tại TP Hồ Chí Minh - Bài 1: Đổi thay diện mạo đô thị

Đất nước ngày càng phát triển và đổi mới, đời sống người dân ngày càng được cải thiện nâng cao. Với quy mô là đô thị lớn nhất cả nước hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đang đổi thay từng ngày với những công trình, khu đô thị mới được quy hoạch bài bản, hiện đại, từng bước nâng cao chất lượng đời sống của người dân thành phố, trở thành động lực cho nền kinh tế phát triển mạnh mẽ.

Bài 1: Đổi thay diện mạo thành phố

Với nỗ lực không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị, được sự đồng tình ủng hộ của người dân, dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hoá - Lò Gốm đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần chỉnh trang đô thị, cải thiện cuộc sống người dân Thành phố Hồ Chí Minh.   

Hồi sinh những dòng kênh "chết" 

Chú thích ảnh
Nạo vét kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài hơn 10 km, chảy qua địa bàn các Quận 1, 3, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh. Đây là  tuyến kênh ô nhiễm bậc nhất Thành phố Hồ Chí Minh. Với quyết tâm "giải cứu" kênh Nhiêu Lộc, từ năm 2002, dự án cải tạo vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (giai đoạn 1) được thiết kế với tổng mức đầu tư gần 8.600 tỷ đồng. Sau gần 10 năm triển khai, vào ngày 18/8/2012, công trình xây dựng, cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và đường Hoàng Sa, Trường Sa dọc kênh được khánh thành, đánh dấu sự hồi sinh của dòng kênh hơn 20 năm “chết” chìm trong rác. 

Giờ đây, nước kênh đã xanh trở lại, khoảng 1,2 triệu người sống xung quanh lưu vực kênh; trong đó, hầu hết là người nghèo có hệ thống thu gom nước thải tập trung, trực tiếp được hưởng lợi thông qua cải tạo điều kiện vệ sinh, giảm nguy cơ ngập lụt. Vào mỗi buổi sáng hay mỗi đêm xuống, người dân xung quanh tản bộ dọc bờ kênh hóng mát, tập thể dục. Đường sá 2 bên tuyến kênh được tổ chức lại sạch sẽ, trở thành nơi buôn bán, kinh doanh nhộn nhịp. 

Theo lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã cải thiện đáng kể tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe, môi trường sống cho hơn 1,2 triệu dân; góp phần thực hiện chủ trương chỉnh trang đô thị, tạo môi trường sống xanh, sạch, đẹp và tổ chức tốt việc tái định cư người dân trong khu vực. 

Tương tự, tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm có khoảng 1 triệu dân chịu ảnh hưởng trực tiếp do tuyến kênh bị lấn chiếm, xây nhà trái phép, xả rác bừa bãi. Từ cầu Lò Gốm (Quận 6) lên hướng thượng nguồn về phía quận Tân Phú, Tân Bình, dòng kênh càng nhỏ lại, nước đen bốc mùi hôi thối, đến địa bàn quận Tân Phú, dòng kênh chỉ còn là con rạch nhỏ. 

Phát huy những bài học kinh nghiệm từ dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai dự án “Cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm” nhằm mở rộng kênh, xây tường kè, cống hộp, nạo vét bùn, đắp bờ kênh và cải tạo đường rộng từ 6 - 20m, xây mới 10 cầu qua kênh, chỉnh trang 4 khu cảnh quan dọc tuyến. 

Đến nay, toàn bộ nước thải sinh hoạt của dân cư, các cơ sở sản xuất vốn gây ô nhiễm cho dòng kênh nay được chảy ngầm trong lòng cống, vấn đề ngập nước khi có triều cường hay mưa lớn trong lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm đã cơ bản được giải quyết. 

Sau khi hoàn thành, dự án đã cải thiện ô nhiễm và giải quyết ngập cho lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm có diện tích gần 19 km2 ở các Quận 6, Quận 11, Quận Tân Bình và Quận Tân Phú. Nhiều khu vực từ Bàu Cát đến Đầm Sen, đường Âu Cơ, Hòa Bình đã không còn chìm ngập trong nước bẩn, bốc mùi hôi thối như trước. 

Hiện nay, đô thị xung quanh tuyến kênh đã được chỉnh trang theo hướng văn minh, hàng nghìn căn nhà trước kia nằm trong hẻm, hướng ra đường Nguyễn Văn Luông nay trở thành mặt tiền đường Tân Hóa, Lò Gốm rộng 12m. Dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm, đoạn từ cầu Ông Buông đến hạ lưu kênh, nhiều nhà mới khang trang được xây cất, một số dự án thương mại, chung cư cao tầng cũng đang được khẩn trương xây dựng... 

Ông Nguyễn Đình Đức, ngụ tại Quận 6 cho biết, kể từ khi cải tạo tuyến kênh, mở rộng đường dọc kênh, cuộc sống người dân đã thay đổi, nhiều người thuận tiện hơn trong sinh hoạt, buôn bán, kinh doanh và thoát khỏi cảnh ô nhiễm nặng nề đã từng phải chịu đựng từ nhiều năm qua.

Theo đánh giá của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, dự án đạt được đa mục tiêu về nâng cao điều kiện sống của hơn 1 triệu người dân với nhiều thế hệ sinh sống dọc hai bên bờ kênh vốn ô nhiễm trầm trọng và thường xuyên ngập lụt. Giá trị đất đai nhà cửa cũng nhờ đó tăng cao, tình trạng bệnh tật được đẩy lùi, phúc lợi công cộng, an sinh xã hội được đầu tư đầy đủ, diện mạo của khu vực thay đổi một cách rõ rệt và nhanh chóng.

Tiếp tục chỉnh trang 

Chú thích ảnh
Kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Cải tạo, hồi sinh các “dòng kênh chết” không chỉ là việc khơi thông dòng chảy, kè bờ, nâng cấp các tuyến đường xung quanh mà còn là việc di dời, tổ chức lại cuộc sống của hàng nghìn hộ gia đình sống trên và ven kênh rạch.

Tiếp theo giai đoạn 1, Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai giai đoạn 2 dự án cải tạo vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè có tổng mức đầu tư 524 triệu USD với mục tiêu xử lý nguồn nước thải sinh hoạt trong lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Quận 2 trước khi thải ra môi trường; khôi phục và bảo tồn hệ sinh thái sông Sài Gòn và lưu vực hạ lưu sông Đồng Nai cũng như cải tạo, chỉnh trang đô thị, nâng cao chất lượng môi trường và đảm bảo sức khỏe cho người dân. Hiện nay, một số dự án thành phần đang được đẩy nhanh tiến độ; trong đó, có dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải ở Quận 2. 

Cùng với đó, thành phố đang nỗ lực huy động mọi nguồn lực để tiếp tục chỉnh trang đô thị, cải tạo chung cư cũ, xây dựng chung cư mới, tạo những ô phố được quy hoạch bài bản, hiện đại, văn minh. Đây là những nội dung quan trọng nằm trong chương trình Chỉnh trang và phát triển đô thị thuộc một trong 7 chương trình đột phá mà Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X nhiệm kỳ 2015 - 2020 đưa ra và sẽ tiếp tục đeo bám, quyết tâm thực hiện đạt kết quả cao trong giai đoạn 2021 - 2025. 

Theo đó, đến hết năm 2020 thành phố phấn đấu di dời, tổ chức lại cuộc sống cho 20.000 hộ gia đình đang sống trên và ven kênh rạch; cải tạo, xây dựng mới, thay thế 50% chung cư hư hỏng, xuống cấp được xây dựng trước năm 1975.

Theo UBND Thành phố, đến nay việc di dời nhà trên và ven kênh rạch đã cơ bản xác định được các khu vực, phạm vi di dời và đã tiến hành chuẩn bị đầu tư, tạo tiền đề để tiếp tục triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục thực hiện cuộc vận động người dân không xả rác ra đường cũng như đẩy mạnh xử lý các trường hợp lấn chiếm hệ thống thoát nước, góp phần chỉnh trang đô thị dọc các tuyến kênh. 

Đối với chương trình cải tạo chung cư mới, thay thế chung cư cũ, việc uỷ quyền, phân công đã tạo điều kiện để UBND các quận chủ động thực hiện thủ tục đầu tư, điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc tại chung cư cũ, đảm bảo hiệu quả kinh tế, thu hút các nhà đầu tư tham gia dự án, đề xuất các chính sách bồi thường, tái định cư phù hợp. 

Trong tổng số 65 dự án được lập nhằm di dời 22.861 căn nhà trên và ven kênh rạch, hiện đã có 3 dự án đã hoàn thành bồi thường, di dời được 1.086 căn, giải ngân được 3.849 tỷ đồng; 21 dự án xác định được ranh quy hoạch, hành lang bảo vệ kênh rạch, điều tra khảo sát số hộ di dời; 13 dự án đang lập thủ tục trình duyệt chủ trương đầu tư công; 8 dự án đã có chủ trương đầu tư, đang lập thủ tục phê duyệt dự án bồi thường… Dự kiến đến hết năm 2020 thành phố sẽ bồi thường, di dời được 2.487 căn.

Đối với chương trình cải tạo chung cư cũ, hiện trên địa bàn thành phố có 474 căn chung cư xây dựng trước năm 1975; trong đó, có 15 chung cư cấp D, cấp hư hỏng nặng cần di dời khẩn cấp. Từ năm 2016 đến nay, thành phố đã cải tạo, sửa chữa hoặc di dời, tháo dỡ để đầu tư xây dựng mới 222 chung cư; trong đó hoàn tất di dời 15 chung cư cấp D.

Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân và có những chuyển biến tích cực, hoàn thành cơ bản các nội dung đề ra. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật đã được nâng cấp, cải thiện đáng kể; các hạng mục hạ tầng xã hội (trường học, bệnh viện, công viên cây xanh) được quan tâm đầu tư, qua đó cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thành phố. 

Thành phố cũng đã di dời cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội thành, thực hiện dự án Đại lộ Đông Tây (Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ), tạo mặt bằng cho các dự án lớn, hiện đại dọc tuyến Võ Văn Kiệt hoặc các tuyến kênh lớn như Tàu Hủ - Bến Nghé, Kênh Đôi-Tẻ. Cùng với đó, các chương trình cải tạo môi trường, di dời cơ sở ô nhiễm đã dẫn tới việc hình thành các khu công nghiệp và dân cư mới ngoại thành, tạo điều kiện phát triển các khu công nghiệp và đô thị mới.

Bài 2: Phát triển các khu đô thị hiện đại 

Trần Xuân Tình (TTXVN)
Quy hoạch phát triển đô thị tại TP Hồ Chí Minh - Bài cuối: Khát vọng đô thị thông minh
Quy hoạch phát triển đô thị tại TP Hồ Chí Minh - Bài cuối: Khát vọng đô thị thông minh

Lãnh đạo Trung ương và các thế hệ lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định, đánh giá cao truyền thống năng động, sáng tạo của thành phố, xem đây là một trong những nhân tố quyết định sự thành công trong quá trình xây dựng và phát triển của một đô thị giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN