Quảng Ninh: Ngăn chặn sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi

Ngày 11/6, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Đức cho hay, theo lũy kế từ ngày 14/5 - 9/6, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 182 hộ/48 thôn, khu/19 xã, phường/6 huyện, thị xã, thành phố (Móng Cái, Quảng Yên, Hải Hà, Tiên Yên, Ba Chẽ, Uông Bí) của tỉnh Quảng Ninh.

Chú thích ảnh
Tổng số lợn chết, hủy là 1.132 con. Ảnh; TTXVN phát

Theo đó, tổng số lợn chết, hủy là 1.132 con, trọng lượng 55.817,9 kg. Tỷ lệ virus trong đàn lợn ở địa phương vẫn ở khoảng 3 - 4% nên vẫn có nguy cơ bùng phát dịch.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh chia sẻ, nguyên nhân phát sinh dịch bệnh phần lớn do chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỉ lệ lớn, không bảo đảm các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học; virus bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn lưu hành ngoài môi trường và trên lợn nhập từ các tỉnh về; thời tiết diễn biến phức tạp, gây bất lợi cho sức khỏe đàn vật nuôi và tạo điều kiện thuận lợi cho virus sinh sôi bệnh dịch tả lợn châu Phi và gây bệnh.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh và xảy ra ở mọi loài lợn, mọi lứa tuổi của lợn với tỉ lệ chết gần như 100% lợn nhiễm bệnh. Virus gây bệnh có trong máu, cơ quan, dịch bài tiết từ lợn nhiễm bệnh. Virus có sức đề kháng cao, chịu được nhiệt độ thấp, trong thịt lợn sống hoặc ở nhiệt độ không cao có thể tồn tại được 3 - 6 tháng, virus bị chết ở 70oC. Do sức đề kháng của virus cao nên bệnh có khả năng lây lan trên phạm vi rộng và kéo dài, đường lây truyền rất đa dạng, khó kiểm soát và chưa có thuốc điều trị.

Khi phát hiện lợn mắc bệnh, cần phải xử lý triệt để ổ dịch ở phạm vi nhỏ, chưa lây lan. Đã có vaccine phòng bệnh và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo tiêm cho lợn thịt, tuy nhiên thực hiện với quy trình giám sát nghiêm ngặt; năm 2023, một số tỉnh đã thử nghiệm tiêm vaccine và đang đánh giá hiệu quả.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo phòng, chống, kiểm soát khống chế ổ dịch tả lợn châu Phi; trong đó, nhấn mạnh tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, nhất là tại các khu vực đang có dịch và khu vực có nguy cơ cao xuất hiện dịch.

Tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu chính quyền cấp huyện chuẩn bị sẵn sàng vật tư, hóa chất và huy động mọi nguồn lực của địa phương để tổ chức triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch với mục tiêu cao nhất là khoanh vùng, dập dịch, nhanh chóng kiểm soát các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới, tuyệt đối không để lây lan diện rộng trên địa bàn. Chuẩn bị tốt các điều kiện để khôi phục chăn nuôi lợn ngay sau khi dịch bệnh được khống chế và đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc khác, gia cầm, thuỷ sản để bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành các văn bản về tập trung chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể, Chủ tịch UBND cấp huyện và cấp xã trực tiếp chỉ đạo phòng chống dịch, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch hại cây trồng, vật nuôi địa phương, phân công rõ người, rõ trách nhiệm để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch khi mới phát sinh, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi; rà soát, thống kê chính xác tổng đàn lợn của địa phương.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên vật nuôi, quản lý chặt chẽ hoạt động vận chuyển, kinh doanh, giết mổ, sơ chế, chế biến lợn, sản phẩm của lợn trên địa bàn; tại các vùng dịch, yêu cầu các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thú y, bảo đảm an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm.

UBND tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu lập các tổ, các đội của xã, thôn khu thực hiện việc giám sát chặt chẽ ổ dịch, hướng dẫn chủ cơ sở chăn nuôi thu gom phân, rác, dọn dẹp vệ sinh chuồng trại, phun hóa chất khử trùng, tiêu độc, chủ động sử dụng vôi bột rắc xung quang chuồng trại để tiêu diệt mầm bệnh.

Đặc biệt, chuẩn bị địa điểm chôn hủy, nhân lực, vật lực thực hiện tiêu hủy lợn bệnh; bố trí kinh phí để mua vật tư, hóa chất, chi trả công cho lực lượng tham gia chống dịch và hỗ trợ cho hộ chăn nuôi có lợn mắc bệnh buộc tiêu hủy theo quy định.

Ngoài ra, khuyến cáo hộ chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, định kỳ thực hiện vệ sinh khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi; truyền thông đưa tin đầy đủ, tránh hoang mang cho người sản xuất, tiêu thụ thịt lợn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn đảm bảo sẵn sàng nhân lực, tập trung chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi; chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, hạn chế dịch bệnh lây lan.

Tại các chốt kiểm dịch động vật tạm thời (cấp xã) lập barie, biển báo, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại các chốt kiểm soát chặt chẽ lợn, sản phẩm lợn ra, vào vùng dịch.

Trong thời gian tới, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục phát sinh, lây lan diện rộng, dịch có thể phát tán, lây lan nhanh đến các địa bàn chưa bị bệnh; dịch bệnh xâm nhiễm vào cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô của tỉnh gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi...

Văn Đức (TTXVN)
Khẩn trương ứng phó với dịch tả lợn châu Phi
Khẩn trương ứng phó với dịch tả lợn châu Phi

Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp ở một số địa phương, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn và Bắc Kạn về tăng cường công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN