Là công trình thủy lợi có dung tích lớn thứ ba toàn quốc (775 triệu m3), chỉ sau hồ Cửa Đạt (Thanh Hóa) và hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh), công trình hồ chứa nước Ngàn Trươi được khởi công từ tháng 9/2009; đầu năm 2017, công trình được xây dựng hoàn thành và tiến hành tích nước. Đến năm 2020 toàn bộ các hạng mục liên quan của dự án đã được hoàn thành.
Theo quy định, sau khi công trình hoàn, đơn vị quản lý dự án (Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 4 - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) sẽ bàn giao cho một doanh nghiệp nhà nước để khai thác, vận hành hồ chứa theo quy định. Tuy nhiên từ năm 2020 đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn đang loay hoay tìm kiếm phương án thành lập đơn vị chuyên trách để quản lý công trình thủy lợi có dung tích lớn thứ 3 toàn quốc này. Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 4 phải đứng ra đảm trách nhiệm vụ quản lý, vận hành công trình đầu mối hồ chứa nước Ngàn Trươi.
Mặc dù được giao đứng thế chân, đảm nhiệm việc quản lý vận hành hồ chứa nhưng Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 4 vẫn không nhận được bất cứ nguồn kinh phí nào để trang trải cho công tác quản lý, vận hành và duy tu, bảo dưỡng công trình suốt ba năm qua. Vì vậy, đơn vị này phải sử dụng chi phí quản lý các dự án khác để trả lương cho đội ngũ cán bộ được “biệt phái” đến làm việc tại đây cũng như việc sửa chữa, thay thế các hạng mục bị hư hỏng, xuống cấp.
Ông Văn Thắng, Phó Trưởng Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 4 cho biết, mặc dù đến năm 2020 tất cả các hạng mục công trình mới được hoàn thiện và nghiệm thu, tuy nhiên một số hạng mục, thiết bị, nhất là thiết bị điện đã được đưa vào sử dụng từ năm 2017 nên sẽ không tránh khỏi việc xuống cấp hư hỏng, cần phải duy tu, bão dưỡng.
Liên quan đến kinh phí vận hành, quản lý các công trình thủy lợi, qua tìm hiểu được biết, ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi công ích từ ngân sách nhà nước, các đơn vị quản lý, vận hành hồ thủy lợi còn được sử dụng nguồn thu từ giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác từ việc cung cấp nguồn nước cho các nhà máy thủy điện.
Theo ước tính sơ bộ, với việc cung cấp nguồn nước cho Công ty cổ phần thủy điện Ngàn Trươi phát điện tại nhà máy thủy điện Ngàn Trươi có công suất 25,5MW, số kinh phí thu từ việc sử dụng nguồn nước kết hợp với phát điện tại hồ Ngàn Trươi không hề nhỏ. Đây được coi là một trong những nguồn thu chính để trang trải cho quản lý, vận hành công trình hồ đầu mối Ngàn Trươi.
Tuy nhiên, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa xây dựng, thành lập được doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi theo quy định để quản lý, vận hành hồ chứa nước Ngàn Trươi, do đó chưa thể xây dựng mức giá và thực hiện thu giá cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác từ việc sử dụng nguồn nước để phát điện tại công trình này theo quy định.
Theo ý kiến của đa phần người trong cuộc, công trình hồ chứa nước Ngàn Trươi là công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt, với diện tích lưu vực 408 km2, cao trình đỉnh đập thiết kế + 57,8 m, dung tích hồ chứa 775 triệu m3 nước, được đầu tư với nguồn kinh phí khá lớn. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm xây dựng mô hình quản lý, để bàn giao công trình đưa vào khai thác, sử dụng theo đúng quy định nhằm phát huy tối đa hiệu quả công trình cũng như làm tốt việc duy tu, bảo dưỡng, bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn công trình tại đại công trình thủy lợi này.