Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú. Ảnh: Đức Hiếu/Vietnamplus |
Chính phủ mới ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 (Nghị quyết 35). Tại Nghị quyết này, ngành ngân hàng được giao nhiệm vụ đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, giảm bớt phiền hà cho khách hàng, bảo đảm an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật; nâng cao năng lực thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng. Ngành ngân hàng sẽ làm gì để thực hiện nhiệm vụ này? Những chia sẻ dưới đây của
Phóng viên: Xin Phó Thống đốc cho biết những mục tiêu, giải pháp của ngành ngân hàng để hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết 35 của Chính phủ?
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 35, Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu đề xuất những mục tiêu, giải pháp thực hiện có tính khả thi nhằm xóa bỏ các yếu tố gây cản trở về thủ tục hành chính trong hoạt động của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, đồng thời giảm chi phí hoạt động, chi phí đầu vào, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng đối với doanh nghiệp.
Chỉ hơn 1 tháng sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 35, ngày 28/6/2016, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020.
Mục tiêu trong Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng là tập trung hỗ trợ nâng cao xếp hạng tín dụng quốc gia, nâng cao mức độ sẵn có và đầy đủ về dịch vụ ngân hàng; nâng cao năng lực của hệ thống ngân hàng; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng; thực hiện các giải pháp để tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các giao dịch hành chính với Ngân hàng Nhà nước.
Phóng viên: Những điểm nổi bật của kế hoạch hành động này là gì, thưa Phó Thống đốc?
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Kế hoạch hành động gồm 7 nhóm nhiệm vụ, lộ trình và các giải pháp thực hiện; kết quả được lượng hóa cụ thể theo từng năm và cả giai đoạn từ nay đến hết năm 2020. Khác với các kế hoạch về cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính của Ngân hàng Nhà nước, kế hoạch hành động lần này có nhiều nội dung chỉ đạo cụ thể đối với hệ thống các tổ chức tín dụng, tập trung vào việc đơn giản hóa thủ tục vay vốn, cắt giảm các loại phí không hợp lý, công khai, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ…
Có thể lý giải thêm về điểm khác biệt này, đó là nhiệm vụ cải cách, đổi mới không chỉ được thực hiện đối với các đơn vị trong hệ thống ngân hàng Nhà nước mà còn chỉ đạo, yêu cầu các tổ chức tín dụng cũng phải đẩy mạnh cải cách thủ tục cho vay, cung cấp các dịch vụ tốt hơn mặc dù tổ chức tín dụng là doanh nghiệp không có chức năng quản lý và ban hành thủ tục hành chính. Tuy nhiên, việc cải cách, đổi mới, tạo thuận lợi trong các hoạt động, quan hệ có tính chất hành chính, nhất là trong quan hệ tín dụng, tiền tệ, thanh toán… thì rõ ràng các doanh nghiệp sẽ trực tiếp hưởng lợi ngay.
Do đó, trong kế hoạch hành động Ngân hàng Nhà nước đã giao nhiệm vụ rất cụ thể đổi mới, cải tiến cho các tổ chức tín dụng. Quan điểm chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng đó là ngoài việc chú trọng vào mục tiêu lợi nhuận, còn phải quan tâm đến lợi ích xã hội; phải nhận thức được trách nhiệm chung đối với xã hội thông qua việc nâng cao chất lượng phục vụ cho người dân và doanh nghiệp, giải quyết hài hòa mối quan hệ kinh doanh và phục vụ. Các cải cách về thủ tục, cắt giảm phí… cho doanh nghiệp phải bảo đảm nguyên tắc chặt chẽ, phòng chống rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động cho mỗi ngân hàng.
Bên cạnh việc đôn đốc, kiểm tra triển khai kế hoạch hành động, hiện nay, chúng tôi đang tập trung chỉ đạo trong toàn ngành các giải pháp đồng bộ cả về xây dựng cơ chế, chính sách và quán triệt nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ của đội ngũ cán bộ, công chức đối với ngành, đối với đất nước trong công cuộc đổi mới hiện đại hóa đất nước. Việc này được thực hiện theo đúng định hướng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 64/NQ-CP mới được ban hành, đó là thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh.
Phóng viên: Thưa Phó Thống đốc, một trong những hạn chế trong thủ tục hành chính có liên quan đến chất lượng đội ngũ công chức. Vậy ngành ngân hàng sẽ có những giải pháp nào để khắc phục vấn đề này?
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Đối với doanh nghiệp, thời cơ là nhân tố quyết định trong kinh doanh nhưng nhiều doanh nghiệp bỏ lỡ thời cơ ngay trước mắt chính vì thói quan liêu, sách nhiễu của một số công chức. Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, các thủ tục giao dịch ngân hàng sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt cơ hội và hiện thực hóa các cơ hội kinh doanh kịp thời hơn.
Để làm được điều này ngoài việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính cần kết hợp với đổi mới mạnh mẽ phương thức làm việc và nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ công chức. Vấn đề này, thời gian qua ngành ngân hàng đã bước đầu triển khai quyết liệt và đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao hiệu quả cải cách hành chính.
Nếu xem xét về hệ thống các quy định của pháp luật và quy định của các cơ quan hành chính nhà nước về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của công chức, có thể thấy hệ thống văn bản quy định đã được ban hành đồng bộ, khá đầy đủ, nhưng thiếu quy định cụ thể. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn tình trạng công chức làm thì đúng, nhưng chưa đủ, còn sợ trách nhiệm, đùn đẩy, tính phối hợp không cao và như vậy yếu tố quan trọng nhất vẫn là ý thức của con người, ý thức của cán bộ công chức.
Để cải thiện hạn chế này, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo xây dựng cơ chế để đề cao trách nhiệm trong hoạt động thực thi công vụ của cán bộ, công chức và gắn chế độ trách nhiệm cùng kết quả thực thi công vụ với các chế tài về khen thưởng, kỷ luật, thăng tiến, đãi ngộ. Để tránh tình trạng dĩ hòa vi quý, bao che cán bộ, chúng tôi cũng sẽ áp dụng những phương pháp kiểm soát chất lượng và thời hạn hoàn thành công việc cho từng người, từng đơn vị một cách khách quan, công khai, cụ thể qua các chương trình tin học hóa, không phụ thuộc nhiều vào nhận xét của người phụ trách.
Và bên cạnh những giải pháp đánh giá lượng hóa cơ học sẽ kết hợp với những hình thức tuyên truyền, giáo dục, từ đó thúc đẩy được ý thức tự giác, động cơ công vụ công tâm, trong sáng, có tinh thần yêu ngành, yêu nghề, truyền thống đoàn kết và tự hào với công việc của mình. Đây chính là mục tiêu chính, quan trọng trong nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, công chức đã và đang được hiện thực hóa tại Ngân hàng Nhà nước.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Phó Thống đốc!