Phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng trao đổi với Phóng viên TTXVN về chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại địa phương.

Xin ông cho biết tỉnh đã có những ứng dụng khoa học công nghệ nào để thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng?     

Việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Lâm Đồng đã được Tỉnh ủy, UBND quan tâm. Đặc biệt từ năm 2014, giữa nhiệm kỳ, Tỉnh ủy đã có Nghị quyết về phát triển ứng dụng công nghệ cao, trước đó, tỉnh cũng có Nghị quyết chuyên đề về ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao định hướng đến năm 2020.    

Thực hiện nghị quyết, ngành khoa học và công nghệ đã tập trung nhiều giải pháp để thúc đẩy việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh, liên quan đến thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương như: rau, hoa, chè, cà phê cũng như một số cây dược liệu, cây đặc sản và một số vấn đề liên quan đến chăn nuôi bò thịt và cá nước lạnh cũng đã được quan tâm, thiết lập thành các nhiệm vụ khoa học để giải quyết các kỹ thuật canh tác cũng như nhân giống, quản lý trong toàn bộ quá trình để đảm bảo an toàn và truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu gồm: Đề án nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020; Đề án giảm tổn thất sau thu hoạch đối với các nông sản chè, rau, hoa; Đề án bảo quản và chế biến cà phê sau thu hoạch; Đề án phát triển kinh tế tập thể; Đề án phát triển kinh tế trang trại; Dự án đầu tư phát triển cơ sở sản xuất giống cây công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2013 - 2015; Dự án tìm kiếm, nhập khẩu, thử nghiệm và chuyển giao công nghệ cao phục vụ sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2013 - 2015… Đồng thời, trong quá trình nghiên cứu, triển khai việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đã hình thành và thiết lập các mô hình liên kết tổ chức sản xuất giữa doanh nghiệp với hộ nông dân để tạo thành các chuỗi giá trị và nâng cao các giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương.     
Ông có thể cho biết cụ thể về các mô hình việc liên kết, tổ chức sản xuất cũng như hiệu quả của các mô hình này?    

Các mô hình liên kết hoạt động như các doanh nghiệp, tổ chức việc phân phối giống, vật tư nông nghiệp, cung cấp kỹ thuật, kiểm soát quá trình sản xuất… còn hộ nông dân trong mô hình thực hiện các quy trình theo đúng hướng dẫn của doanh nghiệp. Sau đó doanh nghiệp tổ chức thu mua các sản phẩm và phân phối dưới các thương hiệu khác nhau để nâng cao giá trị và đảm bảo quyền lợi của các bên. Đáng chú ý, mô hình công ty đầu tư nước ngoài Dalat Hasfarm - công ty đầu tiên đầu tư về nông nghiệp tại Lâm Đồng đã đưa các tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp vào các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Qua mô hình này, người dân đã học hỏi và nâng cao khả năng sản xuất theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, công ty đã có chính sách mở rộng như liên kết với người dân theo mô hình tương tự là cung cấp giống, kiểm soát các vấn đề kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật và thu mua các sản phẩm cho người dân. Tuy nhiên, các hộ nông dân hoạt động theo mô hình liên kết phải đảm bảo các tiêu chí nghiêm ngặt của doanh nghiệp để đảm bảo chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng.      

Tại Lâm Đồng còn có 2 mô hình hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành công là Hợp tác xã Xuân Hương và Hợp tác xã Anh Đào. Tại mô hình hợp tác xã này, các thành viên chính là hộ nông dân trực tiếp tổ chức sản xuất và hoạt động theo mô hình hợp tác xã kiểu mới, cung ứng các dịch vụ nông nghiệp trong quá trình sản xuất để đảm bảo bao tiêu sản phẩm. Các xã viên có quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ liên quan đến việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, chủ động trong tổ chức sản xuất để đáp ứng các yêu cầu thị trường.     
Tuy nhiên hiện nay tỉnh chỉ có “chưa đầy” 10 doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Vậy “khó khăn” nào mà các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của tỉnh, thưa ông?     

Tỉnh Lâm Đồng cùng với các cơ quan chuyên môn đã tổ chức tuyên truyền, vận động, hội nghị, hội thảo giúp cho các doanh nghiệp, hộ nông dân thay đổi nhận thức, xác định rõ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là khâu then chốt và đột phá trong sản xuất nông nghiệp, từ đó chủ động đầu tư và tổ chức lại sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao để đạt hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế không được như “mong đợi”, các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có mô hình tương đối lớn tại Lâm Đồng không nhiều. Việc dành hẳn quỹ đất để doanh nghiệp đầu tư chuyên sâu cũng không được doanh nghiệp “sẵn sàng” do quy mô nhất định của doanh nghiệp. Do đó, để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo mô hình lớn, hướng phát triển phù hợp là tổ chức liên kết lại với nhau, cùng nhau phát triển, tạo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực địa phương.      

Được thiên nhiên ưu đãi nhưng điều kiện tài nguyên có hạn cùng với đặc điểm địa hình phức tạp, diện tích đất canh tác manh mún, nhiều khu vực chưa có nguồn nước phục vụ sản xuất, gây khó khăn trong việc đầu tư và phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, suất đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao cao hơn so với sản xuất nông nghiệp truyền thống nên một bộ phận nông dân không đủ điều kiện đầu tư. Một số mô hình điểm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa đạt hiệu quả như mong muốn, công tác nhân rộng còn hạn chế do thiếu kinh phí. Vì vậy, hiện nay tỉnh đang xây dựng và phê duyệt các đề án quy hoạch vùng sản xuất rau, chè tập trung, vùng sản xuất lúa, vùng sản xuất hoa, cây đặc sản… từng bước tổ chức liên kết các nông hộ quy mô nhỏ lại với nhau, cùng nhau phát triển, tạo chuỗi giá trị, đáp ứng các tiêu chí đảm bảo sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.      

Trân trọng cảm ơn ông!  
Thu Hà (thực hiện)
Du lịch và nông nghiệp công nghệ cao, hai mũi nhọn của Lâm Đồng
Du lịch và nông nghiệp công nghệ cao, hai mũi nhọn của Lâm Đồng

Sáng 5/6, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác của Chính phủ đã tham dự Lễ công bố cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Lạt - Lâm Đồng và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng năm 2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN