Cùng với đó là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đã khiến cho phần lớn hoạt động xuất khẩu hàng hóa đều bị gián đoạn, trong đó có tôm nước lợ. Hệ quả là giá tôm thương phẩm không ngừng giảm xuống, gây khó khăn lớn cho cả người nuôi và doanh nghiệp.
Đi kèm với những khó khăn, thách thức thì niên vụ tôm nước lợ 2020 vẫn có những cơ hội để doanh nghiệp, người nuôi, cùng các địa phương có thể tận dụng và chớp thời cơ khi nếu có các giải pháp chủ động ứng phó, kế hoạch sản xuất và xuất khẩu phù hợp, để hướng đến mục tiêu đạt sản lượng trên 800 nghìn tấn tôm nước lợ và xuất khẩu 3,5 tỷ USD trong năm 2020.
Bài 1: Những thách thức lớn
Qua nhiều năm tập trung đầu tư phát triển, sản lượng tôm của Việt Nam đạt gần 800 nghìn tấn; trong đó khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là vùng nuôi tôm lớn nhất cả nước với khoảng 600 nghìn ha. Bước vào vụ nuôi tôm nước lợ 2020, ngành tôm đã đương đầu với những thách thức lớn, gây khó khăn đến người nuôi và doanh nghiệp cả trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu.
Bất lợi ngay từ đầu vụ
Theo Tổng cục Thủy sản, những diễn biến thời tiết gần đây cho thấy, biến đổi khí hậu đang diễn ra khó lường, cực đoan, nằm ngoài và diễn ra sớm hơn dự kiến. Tác động từ hạn hán, xâm nhập mặn dẫn đến người nuôi chưa thể thả giống hoặc tôm chậm lớn đối với vùng khó điều tiết nước ngọt sẽ làm đảo lộn kế hoạch sản xuất. Thời tiết cực đoan sẽ là một trong những nguyên nhân dễ gây ra dịch bệnh trên tôm.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dịch bệnh COVID-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thủy sản không tránh khỏi bị ảnh hưởng, ít nhất cho đến hết nửa đầu năm 2020.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2020 được tổ chức tại Sóc Trăng mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định, ngành tôm nước lợ 2020 phải đối mặt với nhiều thách thức. Bên cạnh đó, thời tiết cực đoan, hạn mặn những tháng đầu năm cũng làm cho việc nuôi tôm gặp thách thức lớn, dịch bệnh rất dễ xảy ra trên tôm nuôi.
Ông Võ Văn Phục, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (tỉnh Sóc Trăng) cho biết, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động thương mại của toàn cầu. Trong khi thị trường tôm Việt Nam thì chủ yếu xuất sang các thị trường lớn như: Nhật Bản, Mỹ, châu Âu. Khi những thị trường này bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19 thì kéo theo việc xuất khẩu tôm của Việt Nam cũng chịu tác động mạnh.
Theo báo cáo từ các địa phương, diện tích tôm thả nuôi tính đến nay khoảng 481.534 ha (bằng 84,9% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 71,1% so với kế hoạch năm 2020); trong đó, tôm sú là 457.420 ha (bằng 85,3% so với cùng kỳ năm 2019), tôm thẻ chân trắng đạt 22.132 ha (bằng 79% so với cùng kỳ năm 2019).
Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), trong 4 tháng đầu năm 2020, đã có hơn 25.000 ha nuôi tôm của 19 tỉnh bị thiệt hại, tăng gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, trên 1.500 ha nuôi tôm bị thiệt hại do bệnh, hơn 23.000 ha bị thiệt hại nhưng không rõ nguyên nhân, trên 600 ha bị thiệt hại do biến động thời tiết, môi trường.
Hiện nay, các địa phương vẫn còn đang trong giai đoạn đầu thả nuôi chính (lịch thời vụ là từ tháng 3/2020 đến tháng 10/2020), do đó, diện tích nuôi chưa nhiều nên diện tích tôm mắc bệnh còn thấp. Tuy nhiên, thời gian tới, khi vào chính vụ, nhiều địa phương, cùng người nuôi sẽ phải đối mặt với các bệnh nguy hiểm về tôm; vốn đã xảy ra trong vụ nuôi 2019 như: bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (chiếm trên 42% diện tích thả nuôi), bệnh đốm trắng (chiếm gần 37%), bệnh vi bào tử trùng (chiếm trên 4%)…nguy cơ diện tích tôm bị nhiễm bệnh có thể tăng cao hơn khi thời tiết, khí hậu tiêu cực, giao mùa.
Thực trạng chung hiện nay tại các vùng nuôi, đa số các diện tích nuôi vẫn mang tính nhỏ lẻ, hộ gia đình, chưa tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, dẫn đến khó khăn trong kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc; chưa kể, cơ sở hạ tầng phục vụ cho các vùng nuôi nhiều nơi chưa được đầu tư hoàn chỉnh, các cơ sở nuôi nhỏ lẻ thường thiếu vốn sản xuất, phải mua thiếu (chịu) vật tư đầu vào với mức lãi suất cao, hầu như không có cơ hội lựa chọn sản phẩm có chất lượng, khả năng thành công trong vụ nuôi cực thấp.
Các giải pháp gỡ khó
Tổng cục Thủy sản cho biết, trong năm 2020, kế hoạch thả nuôi tôm nước lợ sẽ đạt khoảng 730.000 ha; trong đó, tôm sú là 620.000 ha và tôm thẻ là 110.000 ha. Sản lượng dự kiến đạt 830.000 tấn (tôm sú là 280.000 tấn, tôm thẻ chân trắng là 550.000 tấn). Kim ngạch xuất khẩu tôm nước phấn đấu đạt ở mức 3,5 tỷ USD, tăng khoảng 2-3% so với năm 2019.
Để hoàn thành kế hoạch sản xuất tôm nước lợ trong các tháng đầu năm và cả năm 2020, Tổng cục Thủy sản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trung ương ven biển tăng cường trao đổi, làm việc với các doanh nghiệp chế biến, Hiệp hội, các hợp tác xã, người nuôi và chính quyền địa phương trên địa bàn nhằm nắm bắt tình hình và hoạch định kế hoạch tiêu thụ sản phẩm phù hợp với diễn biến thực tế trong và sau khi dịch bệnh kết thúc. Cùng đó là khuyến cáo doanh nghiệp, người dân tối ưu hoá chuỗi sản xuất để giảm giá thành sản phẩm; để khi tôm nuôi đến kỳ thu hoạch là có sự kết nối từ người dân với doanh nghiệp chế biến để tiêu thụ sản phẩm.
Theo ông Võ Văn Phục, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, trong thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh, công ty đã chuyển hướng kịp thời, đẩy mạnh bán hàng qua các kênh siêu thị, kênh phân phối tận nhà. Nhờ đó, giúp doanh số bán hàng không những không giảm mà còn tăng hơn so với bình thường.
Ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Việt-Úc đánh giá: “Dịch COVID-19 xảy ra quá nhanh, không ai ngờ được. Vì thế, về phía công ty cũng phải có kế hoạch tăng trưởng và để giúp người nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn này, Việt-Úc cũng đã hỗ trợ cả về khâu tôm giống, lẫn hỗ trợ về mặt tài chính cho các doanh nghiệp và hộ dân”.
Theo đánh giá của Ngành Nông nghiệp Sóc Trăng, điểm nổi bật trong vụ nuôi tôm 2020 này chính là một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã từng bước xây dựng và ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm với mật độ cao. Hiện, toàn toàn tỉnh Sóc Trăng có khoảng 678 ha ứng dụng các mô hình trên, đã đạt năng suất bình quân 20-30 tấn/ha.
Bên cạnh đó, Công ty Fimex đang hình thành vùng dự án nuôi tôm công nghệ cao với 250 ha tại thị xã Vĩnh Châu; các công ty chế biến thủy sản trong tỉnh đã thực hiện liên kết từ đầu vào chế biến, tiêu thụ sản phẩm, hình thành vùng nuôi tôm khép kín với 460 ha.
Để đẩy nhanh tiến độ phục hồi sản xuất trong tình hình phòng chống dịch bệnh COVID-19, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu, ông Dương Thành Trung cho rằng, Bạc Liêu kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có giải pháp kéo dài thời gian đáo hạn, giảm lãi suất ngân hàng cho các công ty, doanh nghiệp, cơ sở trong giai đoạn khó khăn do tác động của dịch bệnh như hiện nay.
Việc đặt ra các giải pháp phù hợp cho vụ nuôi, bên cạnh hướng giảm chi phí đầu tư sẽ là yếu tố ưu tiên hàng đầu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các địa phương, các doanh nghiệp, các Hiệp hội… đặc biệt hướng đến trong vụ nuôi 2020; cùng với đó là việc tranh thủ những cơ hội, thời cơ tốt nhất trong xuất khẩu, để qua đó góp phần mang lại sự phát triển bền vững ngành nuôi tôm nước lợ Việt Nam.
Bài cuối: Nắm bắt thời cơ trong niên vụ 2020