Phát triển kinh tế vùng ĐBSCL - Bài cuối: Tạo 'cú hích' cho sự phát triển

Nhận thức được tầm quan trọng của hệ thống hạ tầng giao thông, Trung ương và các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông một cách hoàn chỉnh, đồng bộ. Từ đó, tạo đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tương xứng với tiềm năng, lợi thế của khu vực này.

Chú thích ảnh
Phương tiện lưu thông trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đoạn qua xã Tân Phú, thị xã Cai Lậy sáng ngày 30/4/2022. Ảnh: Minh Trí/TTXVN

Ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp cho biết: Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phát triển giao thông vận tải đã được Đảng bộ tỉnh xác định qua các kỳ Đại hội là “Khâu quan trọng nhất của kết cấu hạ tầng” và ngành giao thông vận tải được giao trọng trách phải “Đi trước để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế”.

Theo đó, tỉnh định hướng phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ hiệu quả, phủ khắp từ khu vực thành thị đến nông thôn, tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hoá, hành khách được thuận lợi, nhanh chóng, thiết thực, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn; trong đó, ưu tiên đầu tư hoàn chỉnh các tuyến giao thông kết nối trọng điểm giữa tỉnh với quốc gia, các tuyến giao thông mang tính kết nối liên vùng, các trục chính đô thị, trục tuyến kết nối các đô thị, khu, cụm công nghiệp, các vùng nguyên liệu lớn.

Đồng Tháp phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 90 km đường cao tốc, thêm 14 km đường Quốc lộ. Tỉnh sẽ tích cực phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải đầu tư, nâng cấp hoàn chỉnh, đồng bộ các trục giao thông đường cao tốc, đường Quốc lộ như: đầu tư tuyến cao tốc An Hữu - Cao Lãnh; tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh; nâng cấp Quốc lộ N2B lên thành cao tốc; xây dựng hoàn chỉnh tuyến tránh Quốc lộ 30, đoạn thành phố Cao Lãnh…

Tại Long An, trong các nhiệm kỳ gần đây, lãnh đạo tỉnh luôn xác định phát triển hạ tầng giao thông là chương trình đột phá của địa phương. Long An huy động mọi nguồn lực để tập trung đầu tư cho hạ tầng giao thông, nhất là tại các địa bàn trọng điểm phát triển công nghiệp.

Tuyến đường ĐT.830 là công trình trọng điểm của nhiệm kỳ trước hiện đang phát huy vai trò khá lớn trong việc kết nối các địa phương vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh như Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc. Tuyến đường này được đưa vào sử dụng tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, kết nối trực tiếp từ nhiều khu, cụm công nghiệp trên địa bàn đến Cảng Quốc tế Long An.

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đồng Tâm cho biết, thời gian qua, chính quyền các cấp tỉnh Long An rất quan tâm đến việc phát triển hạ tầng giao thông; trong đó, có nhiều dự án kết nối trực tiếp đến Cảng quốc tế Long An. Khi các dự án hoàn thiện sẽ tạo ra sự kết nối thông suốt từ khu, cụm công nghiệp đến cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa cho doanh nghiệp trên địa bàn, một phần của Tp. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong giai đoạn 2021 – 2025, Long An tiếp tục dành các nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng giao thông; trong đó, có 3 công trình trọng điểm gồm Đường Vành đai thành phố Tân An, đường ĐT.830E và đường ĐT.827E.

Ông Đặng Hoàng Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Long An cho biết, ngành giao thông đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương liên quan để đôn đốc nhà thầu sớm hoàn thành dự án Đường Vành đai thành phố Tân An; tập trung thực hiện các thủ tục để sớm khởi công dự án đường ĐT.830E và ĐT.827E. Đây là những dự án trọng điểm của địa phương trong nhiệm kỳ này, được kỳ vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, Long An còn tập trung thực hiện 8 dự án giao thông đột phá, tạo sự kết nối đồng bộ giữa các địa phương trong tỉnh, kết nối với TP Hồ Chí Minh  và các tỉnh lân cận.

Cùng với nỗ lực của các địa phương, Trung ương cũng đang có kế hoạch đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ nêu rõ: “Đến năm 2030, hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối vùng với vùng Đông Nam Bộ, hệ thống cảng biển và các cửa khẩu quốc tế gồm các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bắc - Nam phía Tây, TP Hồ Chí Minh - Sóc Trăng, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, Hồng Ngự - Trà Vinh; nâng cấp hệ thống quốc lộ chính yếu, các cầu; đầu tư hệ thống đường ven biển qua các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang; phát triển một số trục kết nối đến các đầu mối vận tải lớn, các khu công nghiệp.

Cùng với đó, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; trong đó, chú trọng kết nối các trung tâm đầu mối với hành lang vận tải thủy chính của vùng; phát triển các cụm cảng hàng hóa, cụm cảng hành khách và hệ thống cảng chuyên dùng đường thủy nội địa. Đồng thời hoàn thành hệ thống cảng biển theo quy hoạch; trong đó Cảng Trần Đề phát triển thành cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng; phát triển cảng Hòn Khoai thành bến cảng tổng hợp; nâng cấp luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, luồng hàng hải Trần Đề.

Bên cạnh đó, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc; điều chỉnh quy hoạch và đầu tư Cảng hàng không Rạch Giá, Cà Mau. Hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt Tp. Hồ Chí Minh - Cần Thơ; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng cảng container và các đoạn tuyến đường sau cảng, kết nối thuận lợi cảng biển với mạng giao thông quốc gia".

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Nguyễn Văn Thể, trong giai đoạn 2021-2025, kế hoạch vốn ngân sách Trung ương đầu tư cho hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long lên đến 86.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 14% so với cả nước, tăng gấp 2,6 lần so với giai đoạn 5 năm trước. Riêng nguồn vốn bố trí để đầu tư cho đường cao tốc lên tới hơn 42.600 tỷ đồng, chiếm 20% tổng mức đầu tư đường cao tốc trên phạm vi cả nước. Trong giai đoạn tiếp 2026-2030, theo tinh thần Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị, dự kiến nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông sẽ tiếp tục tăng.

Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2025, sẽ triển khai 11 dự án lĩnh vực đường bộ quan trọng tại Đồng bằng sông Cửu Long, như: dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau với tổng chiều dài 109 km, dự kiến khởi công vào cuối năm 2022; dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, có chiều dài hơn 188 km, dự kiến khởi công trong năm 2023, hoàn thành vào năm 2026; dự án xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60; cao tốc Cao Lãnh - An Hữu; cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh; dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 62, đoạn qua tỉnh Long An; dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 53 đoạn Long Hồ - Ba Si;… Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cũng tập trung đầu tư các dự án giao thông đường thủy, hàng hải và hàng không.

Với sự quan tâm đầu tư của Trung ương, sự nỗ lực của các địa phương, trong thời gian không xa, hệ thống hạ tầng giao thông của vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có những bước thay đổi vượt bậc, tạo động lực mới, thúc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân; đồng thời, góp phần xây dựng các tỉnh, thành phố trong vùng theo hướng văn minh, hiện đại đảm bảo cho sự phát triển bền vững trên nhiều lĩnh vực.

Bùi Giang – Nhựt An (TTXVN)
Phát triển kinh tế vùng ĐBSCL - Bài 1: Hạ tầng giao thông chưa tương xứng với tiềm năng
Phát triển kinh tế vùng ĐBSCL - Bài 1: Hạ tầng giao thông chưa tương xứng với tiềm năng

Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích tự nhiên gần 4 triệu km2, dân số khoảng 18 triệu người, có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN