Phát triển bền vững cây sầu riêng - Bài cuối: Xác định vùng chuyển đổi phù hợp

Diện tích sầu riêng đang tăng nhanh, vượt qua số diện tích của tỉnh trong quy hoạch của các địa phương. Do đó, xác định vùng chuyển đổi phù hợp, nâng cao chất lượng, đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ đang là vấn đề mấu chốt hiện nay.

Chú thích ảnh
Vườn sầu riêng của anh Cao Văn Sạch ở xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh gần đến ngày thu hoạch. Ảnh minh họa: Nhựt An /TTXVN

Để nông dân không trồng tự phát

Tại Tiền Giang, nếu trước đây, diện tích vùng chuyên canh sầu riêng chỉ tập trung ở các xã ven sông Tiền của huyện Cai Lậy thì hiện nay đã mở rộng sang hầu hết các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây và vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Tiền Giang như: thị xã Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước. Chỉ riêng khu vực các xã phía Bắc Quốc lộ 1 thuộc các huyện Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy trong năm vừa qua đã chuyển đổi hàng ngàn ha đất canh tác sang trồng sầu riêng xuất khẩu.

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, đến cuối năm 2022, diện tích sầu riêng toàn tỉnh là hơn 17.653 ha, chủ yếu tập trung tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và thị xã Cai Lậy.

Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tình Tiền Giang, quan điểm của Sở là không khuyến khích phát triển thêm diện tích trồng sầu riêng ở những vùng đất nhiễm phèn, nhiễm mặn hoặc ngoài các vùng quy hoạch mà cần tập trung nâng cao chất lượng trái sầu riêng thương phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn phía Trung Quốc đưa ra để được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch. 

Tại tỉnh Long An, nhiều người dân đang có xu hướng chuyển đổi và mở rộng diện tích trồng sầu riêng vì thấy giá trị kinh tế cao. Từ con số không, đến nay toàn tỉnh đã có gần 500ha trồng sầu riêng, tăng hơn 200 ha so với thời điểm cuối năm 2021, tập trung chủ yếu ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười như Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Mộc Hóa...

Sầu riêng được trồng trên địa bàn tỉnh Long An được ngành chức năng đánh giá là có chất lượng tốt, hiện đang mang lại thu nhập cao cho nông dân. Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Long An, việc trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh đang đứng trước nhiều rủi ro và thách thức như: nhiều địa phương đang có xu hướng mở rộng trồng mới ở những vùng không có lợi thế. Tác động của biến đổi khí hậu vùng trồng thường bị lũ lụt, xâm nhập mặn đang là thách thức với sản xuất trồng trọt nói chung và sản xuất sầu riêng nói riêng; diện tích được cấp mã số vùng trồng, số lượng cơ sở đóng gói được cấp mã số đủ điều kiện để xuất khẩu chính ngạch còn rất nhỏ so với quy mô diện tích. 

Trong khi đó, nguồn lực đầu tư trồng sâu riêng khá lớn. Ước tính với mỗi ha trồng sầu riêng, người dân cần đầu tư số vốn trên 1 tỷ đồng. Do vậy, người dân cần cẩn trọng khi có ý định chuyển đổi sang loại cây trồng này.

Tương tự như vậy, với lợi nhuận hấp dẫn từ loại cây này, vài tháng nay, nhiều nông dân ở tỉnh Đồng Tháp đã đầu tư, chuyển từ đất trồng lúa, các loại cây ăn quả khác sang trồng sầu riêng với diện tích hàng chục ha. Cuối năm 2022, tổng diện tích trồng sầu riêng của Đồng Tháp trên 2.380 ha, tập trung nhiều ở các huyện Cao Lãnh, Châu Thành, Lai Vung, Tháp Mười. Dự kiến đến năm 2025, diện tích sầu riêng của Đồng Tháp khoảng 3.000 ha.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Lê Quốc Điền khuyến cáo, bà con nông dân cần cân nhắc kỹ khi chuyển sang trồng sầu riêng. Vì ở khu vực có đất đai, khí hậu phù hợp, cây sầu riêng mới phát triển và cho năng suất tốt. Từ khi trồng đến lúc thu hoạch mất nhiều năm và chi phí trồng sầu riêng rất cao, từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha nên nhà vườn cần có vốn "mạnh". 

Trước tình hình nhiều nhà vườn chuyển sang trồng sầu riêng, UBND tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương tuyên truyền cho người dân nhằm thay đổi thói quen, không sản xuất theo phong trào, theo số đông. Việc phát triển cây trồng nói chung và sầu riêng nói riêng cần theo định hướng thị trường, định hướng của cơ quan quản lý.

Chú thích ảnh
Doanh nghiệp thu mua sầu riêng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Anh Dũng/TTXVN

Xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ

Để phát triển bền vững cây sầu riêng, tăng thu nhập, giúp nông dân làm giàu và nông nghiệp, nông thôn đổi mới, Tiền Giang đã xây dựng và triển khai Đề án phát triển cây sầu riêng đến năm 2025 và Dự án xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sầu riêng tỉnh Tiền Giang. 

Đến thời điểm này, Trung Quốc chỉ mới cấp cho tỉnh Tiền Giang 02 mã số vùng trồng và tỉnh đã nộp hồ sơ, chờ thẩm định 21 hồ sơ, với khoảng 1.100 ha, ước sản lượng đạt 24.000 tấn, rất ít so với thực tế sản xuất. Để thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ, hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đang khẩn trương phối hợp với chính quyền các địa phương tập huấn thủ tục lập hồ sơ xuất khẩu chính ngạch cho các doanh nghiệp và hợp tác xã với mục tiêu đến cuối năm nay có khoảng 50% diện tích được Trung Quốc cấp mã số vùng trồng.

Tại tỉnh Đồng Tháp, địa phương có mã số vùng sầu riêng đầu tiên đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc vào tháng 9/2022, tỉnh Đồng Tháp. Vùng trồng sầu riêng này ở xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh rộng hơn 16 ha với 20 hộ tham gia. Bà Phan Thị Ngọc Hương ở xã Mỹ Long phấn khởi vì vườn sầu riêng 10.000m2 của bà nằm trong vùng được cấp mã số. Bà Hương chia sẻ, khi được cấp mã số vùng trồng, xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc, bà không còn lo "điệp khúc" trúng mùa rớt giá; tránh tình trạng thương lái ép giá vì có Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Long lo khâu tiêu thụ.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Lê Quốc Điền cho biết, tỉnh Đồng Tháp đang tập trung việc tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật canh tác sầu riêng để đảm bảo chất lượng; giúp nhà vườn Đồng Tháp làm chủ kỹ thuật trồng "né" vụ, thu hoạch không cùng thời điểm với các vùng trồng ở trong và ngoài nước. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có tham mưu UBND tỉnh trong việc quản lý chặt chẽ nguồn giống sầu riêng; quản lý vùng trồng sầu riêng, đảm bảo phù hợp với quy hoạch của tỉnh, tránh việc phát triển tràn lan, trồng ngoài quy hoạch

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu xây dựng Kế hoạch Phát triển cây ăn trái chủ lực tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung định hướng, tích hợp phát triển cây ăn trái trong quy hoạch của tỉnh; đề xuất cơ chế, chính sách; thu hút doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến liên kết với nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng vùng trồng cây ăn trái tập trung; xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói; áp dụng quy trình công nghệ canh tác tiên tiến, an toàn.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các đơn vị, địa phương tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra chất lượng giống cây sầu riêng; công tác thẩm định, công nhận cây đầu dòng, vườn cây sầu riêng đầu dòng; phổ biến áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt trong vùng sản xuất tập trung, mã số vùng trồng, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm; liên kết với doanh nghiệp đóng gói, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu; xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An đang phối hợp với các đơn vị, địa phương rà soát diện tích sầu riêng trên địa bàn; xây dựng đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030. Đồng thời, xây dựng hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu phù hợp. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc cấp, quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Đồng thời, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mạo danh, gian lận, sử dụng mã số không đúng mục đích. Tăng cường quản lý chặt chẽ chất lượng cây giống và công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sơ chế sầu riêng phục vụ xuất khẩu. Cùng đó, tập trung xây dựng các chuỗi giá trị sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng hiệu quả trên địa bàn.

Bên cạnh đó, yêu cầu UBND các địa phương cấp huyện khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, nguồn nước không phù hợp. Ngoài ra, tăng cường hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trong vùng sản xuất sầu riêng, tập trung, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Quản lý chặt chẽ một số đối tượng sinh vật gây hại nguy hiểm như bệnh phytophthora hại sầu riêng…

Hữu Chí – Nhựt An – Bùi Giang (TTXVN)
Phát triển bền vững cây sầu riêng - Bài 1: Lợi nhuận cao
Phát triển bền vững cây sầu riêng - Bài 1: Lợi nhuận cao

Từ khi được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đã giúp tình hình tiêu thụ sầu riêng trở nên khởi sắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN