Hiệu quả kinh tế cao là yếu tố hấp dẫn nông dân trên địa bàn nhiều tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An… chuyển sang trồng sầu riêng.
Từ tháng 7/2022, Trung Quốc đồng ý nhập khẩu chính ngạch sầu riêng tươi nhưng tình hình xuất khẩu hiện nay vẫn còn hạn chế nên vẫn còn đáng lo về tình trạng “rộ mùa dội chợ” như trước đây.
Từ thực tế này, để cây sầu riêng phát triển bền vững, đòi hỏi ngành chức năng các địa phương cùng các bộ, ngành trung ương cần có một giải pháp thích hợp để nâng cao được chuỗi giá trị của cây sầu riêng cũng như đảm bảo được đầu ra ổn định cho trái sầu riêng trong tương lai.
Bài 1: Lợi nhuận cao
Kể từ khi Nghị định thư về việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 11/7/2022, giá loại trái này trên địa bàn tỉnh hầu như duy trì ở mức cao, giúp nông dân thu lợi nhuận lớn. Đặc biệt, sau Tết Nguyên đán năm 2023, giá sầu riêng lên "cơn sốt" khi tăng lên hơn 200.000 đồng/kg. Đây là mức giá chưa từng có của sầu riêng từ trước đến nay.
Giá trị kinh tế cao
Theo Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang) Võ Văn Men, sầu riêng đang là cây trồng đặc sản, có lợi thế cạnh tranh, là nguồn nông sản hàng hóa giá trị xuất khẩu lớn và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất trong số các cây trồng đặc sản của tỉnh Tiền Giang. Với năng suất bình quân 20 – 25 tấn/ha và giá sầu riêng vụ nghịch, nông dân bán đầu tháng giêng 2023 vừa qua đạt mức cao kỷ lục, từ 120.000 - 140.000 đồng/kg, mỗi ha đạt giá trị từ 2 - 2,4 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi ròng từ 1 - 1,2 tỷ đồng.
Ông Ngô Văn Sơn, canh tác 1 ha sầu riêng ở xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết, năm qua, ông thu trên 20 tấn quả, bán trừ chi phí còn lãi không dưới 1,1 tỷ đồng. Từ một nông dân nhiều khó khăn, nhờ vào vườn sầu riêng, gia đình ông đã nghiễm nhiên trở thành tỷ phú nông thôn. Hay ông Nguyễn Ngọc Tý (xã Mỹ Hội, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) có 5 công đã cho trái và 12,5 công mới được 01 năm tuổi. Theo ông Tý, sau khi trồng 5 năm, vườn sầu riêng cho trái mùa đầu tiên với năng suất trung bình khoảng 1 tấn/công. Lợi nhuận trung bình cho mỗi công sầu riêng được khoảng 100 triệu đồng/công/năm.
Anh Trần Thanh Dũng ở xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) trồng 200 cây sầu riêng trên diện tích 1ha. Sau hơn 4 năm trồng, anh Dũng xử lý, cho 120 cây mang trái vụ đầu tiên, đã thu hoạch gần 11 tấn quả, có giá bán 120.000 đồng/kg, mang về trên 1,2 tỷ đồng.
“Để đạt kết quả tốt như thế, tôi đã trải qua nhiều khó khăn về kỹ thuật trồng, xử lý ra hoa, nuôi quả; chi phí đầu tư cao hơn nhiều so với những cây trồng khác. Từ lúc trồng đến khi thu hoạch, tốn khoảng 3,5 triệu đồng/cây, chưa kể tiền thuê đất. Nhưng may mắn bán sầu riêng được giá cao, tôi rất mừng vì đã thu hồi được vốn đầu tư” - anh Dũng chia sẻ.
Anh Trần Đăng Khoa, (xã Tân Lập, Tân Thạnh, Long An) cho biết, gia đình trước đây chủ yếu trồng lúa nhưng lợi nhuận thu về khá thấp. Sau khi thăm qua các vườn sầu riêng ở Tiền Giang, anh đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để chuyển đổi một phần diện tích sang trồng sầu riêng. Sau 5 năm, hiện vườn sầu riêng đã bước vào đợt thu hoạch thứ hai.
Do nằm trong vùng được cấp mã số vùng trồng, nên giá sầu riêng đang được thu mua với mức khoảng 150.000 đồng/kg. Với năng suất khoảng 15 tấn vườn sầu riêng có diện tích một hecta của anh Khoa có khả năng thu về lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng mỗi năm. Do đó, anh đang tính mở rộng thêm diện tích trồng sầu riêng.
Tín hiệu vui từ xuất khẩu chính ngạch
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam ký kết với Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm sầu riêng mở rộng thị trường cũng như nâng cao sản lượng xuất khẩu. Năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023, giá bán sầu riêng dao động từ 100.000 - 190.000 đồng/kg, cao hơn năm 2021 từ 20.000 - 90.000 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí, nhiều nhà vườn ở tỉnh Tiền Giang thu được lợi nhuận từ 1 - 2 tỷ đồng/ha nên rất phấn khởi.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho rằng, việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc là cơ hội để nông dân nâng cao giá trị sản xuất sầu riêng; bởi chi phí trung gian giảm, lợi nhuận sẽ tăng. Ngành nông nghiệp đã và đang khẩn trương hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương hoàn chỉnh các thủ tục cần thiết để được cấp mã số vùng trồng và mã số đóng gói.
Hiện nay, nông dân Tiền Giang đang bắt đầu thu hoạch rộ vụ sầu riêng sớm 2023 với niềm vui trúng mùa, được giá. Tại các vùng chuyên canh huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy, Cái Bè,… thương lái thu mua sầu riêng giá từ 90.000 - 120.000 đồng/kg tùy theo chất lượng, cao kỷ lục so với các loại trái cây đặc sản khác của địa phương. Sầu riêng Tiền Giang đạt năng suất bình quân 25 tấn/ha. Với giá trên, mỗi ha sầu riêng đạt giá trị sản lượng từ 2,2 - 2,4 tỷ đồng, trừ chi phí, bà con còn lãi từ 1,2 - 1,4 tỷ đồng. Nhờ vụ sầu riêng bội thu, nhiều nông dân đã tạo dựng cơ nghiệp vững bền.
Gia đình ông Nguyễn Văn Đẹp (xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) đã đặt mua cây giống để chuyển đổi sang trồng sầu riêng với diện tích khoảng 2ha từ 7ha đất vườn. Theo ông Đẹp, trước khi chọn trồng cây sầu riêng, ông đã đi tham quan nhiều vườn trong khu vực lân cận và gặp gỡ các thương lái chuyên thu mua, xuất khẩu sầu riêng trong, ngoài tỉnh để được hướng dẫn về kỹ thuật trồng và tìm hiểu về đầu ra của sản phẩm. Nhận định tình hình tiêu thụ loại trái cây này khả quan với giá bán cao, nên ông Đẹp quyết tâm đầu tư trồng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, tổng diện tích trồng sầu riêng của Đồng Tháp là trên 2.380 ha, tập trung nhiều ở các huyện Cao Lãnh, Châu Thành, Lai Vung. Dự kiến đến năm 2025, diện tích sầu riêng của Đồng Tháp khoảng 3.000 ha. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có 32 vùng trồng sầu riêng được cấp mã số, diện tích hơn 708 ha. Trong số đó, 23 vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (gần 520 ha), còn lại là các vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Nga, Mỹ, Australia… Với giá bán trên 100.000 đồng/kg, giúp nông dân trồng sầu riêng ở tỉnh Đồng Tháp đạt lợi nhuận mỗi năm gần 1 tỷ đồng/ha, cao gấp hàng chục lần trồng lúa.
Giá sầu riêng tăng, nhà vườn có lợi nhuận cao là những tín hiệu rất đáng mừng cho ngành hàng sầu riêng. Với hiệu quả kinh tế quá hấp dẫn, một số nông dân đã và đang đầu tư trồng mới và mở rộng diện tích trồng sầu riêng. Tuy nhiên, nếu điều này không được ngành chức năng và chính quyền địa phương kiểm soát, quản lý tốt thì có thể sẽ xảy ra tình trạng mất kiểm soát vùng trồng, dư thừa sầu riêng xuất khẩu và thiệt hại dĩ nhiên là người nông dân gánh chịu.
Bài cuối: Xác định vùng chuyển đổi phù hợp