Giống như nhiều hộ nông dân khác ở xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc (Kiên Giang), gia đình ông Lê Minh Phong ở ấp Khu Tượng đã có nhiều đời chuyên canh cây hồ tiêu. Trải qua nhiều thăng trầm, việc canh tác cây tiêu trên đảo ngày càng gặp nhiều khó khăn, nhất là về nguồn nước tưới.
Từ đó, ông Phong và nhiều nông dân khác đã từng bước chuyển hướng, phá thế độc canh cây tiêu, cải tạo vườn tạp, trồng nhiều loại cây ăn trái như xoài, sầu riêng, thanh long, chôm chôm…
Ông Phong cho biết, từ năm 2012, qua quá trình tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, ông đã đưa vào trồng thử nghiệm 300 gốc thanh long ruột đỏ. Sau một năm xuống giống, thanh long đã cho hoa, kết trái và sau ba năm trồng, thanh long cho thu hoạch từ 10 - 15 kg/bụi.
Đến nay, ngoài việc giữ vững diện tích cây tiêu với 1.500 gốc, ông Phong cũng đã mở rộng diện tích trồng thanh long với tổng số 1.200 gốc.
Trước ông Phong cũng có một số người đã trồng thử nghiệm cây thanh long trên đảo nhưng không đạt hiệu quả. Theo ông Phong, trồng thanh long không đòi hỏi kỹ thuật nhiều, nhưng phải tìm hiểu kỹ. Cái gì không biết thì đến trạm khuyến nông hay cán bộ kinh tế kỹ thuật xã để được tư vấn, chỉ dẫn.
Riêng phần đất của gia đình mình, ông Phong thấy rất thuận lợi vì loại cây trồng này không kén đất, lại phù hợp với điều kiện thời tiết trên đảo và cũng không tốn quá nhiều công chăm sóc.
Theo ông Lê Thanh Huy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cửa Dương, trên địa bàn xã chủ yếu là đất trồng tiêu. Tuy nhiên, có thời điểm giá cả bấp bênh, nông dân không mặn mà nữa nên chuyển sang trồng một số loại cây khác; trong đó phần nhiều là trồng màu. Riêng mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ của gia đình ông Phong những năm gần đây đã cho kết quả khá tốt.
Để phát huy, nhân rộng mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ trên địa bàn xã đảo, các ngành chức năng cần quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ người nông dân nhất là về vốn, giống, kỹ thuật để phát triển sản xuất nhằm đa dạng sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, phục vụ tiêu dùng và du lịch của địa phương, ông Huy đề xuất.
Ông Lê Minh Phong cho biết, thành công từ việc trồng thanh long ruột đỏ, ông tiếp tục tận dụng quỹ đất vườn nhà để trồng thêm các loại cây ăn trái như dừa xiêm, mít không hạt, măng cụt, bơ…
Đến nay, với việc canh tác cây tiêu kết hợp cây ăn trái đã cho gia đình ông Phong thu nhập trên 250 triệu đồng/năm. Nhiều năm liền, ông Phong được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.