Nông nghiệp thông minh – Bài 2: Hướng đến nông nghiệp xanh

Với kỳ vọng về một Hậu Giang xanh, cải thiện chất lượng cuộc sống của người nông dân Hậu Giang trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, địa phương này đang nỗ lực chuyển từ nền nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh.

Hiện tỉnh đã thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang tại huyện Long Mỹ, với diện tích 5.200 ha. Hậu Giang cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân và các nhà đầu tư làm nông nghiệp 4.0, nông nghiệp sạch, xây dựng chuỗi giá trị nông sản nhằm chuyển hóa tư duy làm nông nghiệp. Từ đó, tiết kiệm chi phí giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyên nghiệp, chuyên môn hóa từng công đoạn, góp phần cải thiện đời sống nông dân.

Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết, tỉnh xác định phát triển nông nghiệp xanh, tiếp tục thúc đẩy mô hình làm kinh tế theo hướng bền vững, kinh tế xanh, hướng tới nông nghiệp thông minh, liên kết phát triển theo cơ chế thị trường trên nền tảng logistics. 

Theo đó, tỉnh tập trung tuyên truyền, chuyển hóa suy nghĩ, cách làm theo thói quen, giúp người nông dân chủ động thích ứng với đổi thay căn bản về phương thức sản xuất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Điều này cũng thể hiện tinh thần cầu thị, nghiêm túc, dám nghĩ, dám làm và kỳ vọng về một Hậu Giang xanh, với hình ảnh những người nông dân có kiến thức, hạnh phúc và được làm giàu trên chính mảnh ruộng quê hương mình.

Cũng theo ông Lê Tiến Châu, việc xây dựng mô hình nông nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 trong phát triển nông nghiệp là một yêu cầu cấp bách phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh Hậu Giang. Tuy nhiên, để hiện thực hóa được điều này, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của nhà quản lý, các nhà khoa học, nhà báo, các doanh nghiệp, ngân hàng và người nông dân; trong đó, người nông dân đóng vai trò là chủ thể chính.

“Do đó, tôi cho rằng, người nông dân phải có khát vọng làm giàu, tinh thần khởi nghiệp, sự cầu thị và niềm tin thành công. Do đó, nông dân cần mạnh dạn thay đổi nhận thức, chuyển từ cách làm theo thói quen, sang cách làm theo hướng dẫn của các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan quản lý nhà nước. Nông dân phải chủ động tự tìm tòi, nâng cao kiến thức, tiếp thu tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đừng ngại đổi mới. Đồng thời, nông dân cũng phải là người bạn đồng hành, là đối tác tin tưởng của các doanh nghiệp bao tiêu, từ bỏ suy nghĩ ăn xổi, ở thì. Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa, hãy đi cùng nhau”, ông Lê Tiến Châu nói.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết, Sở phối hợp các Viện, trường trong và ngoài nước, các công ty, doanh nghiệp để triển khai, trình diễn, thử nghiệm đưa vào sản xuất, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ 4.0 trong nông nghiệp. Từ đó, giúp nông dân, hợp tác xã dễ dàng tiếp cận các ứng dụng vào thực tế trên từng địa phương.

Đồng thời, ngành nông nghiệp tỉnh không ngừng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý thông qua các chương trình, đề án nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp; các chương trình hợp tác quốc tế.

Còn theo ông Nguyễn Văn Vui, Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy thì huyện vừa lên kế hoạch đưa 100ha trồng lúa tại xã Vị Thắng để liên kết, hợp tác sản xuất theo mô hình canh tác lúa thông minh. 

Ông Võ Văn Năng, Giám đốc Hợp tác xã Dưa hấu VietGAP, ở ấp 1, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy cho biết, sản xuất nông nghiệp hiện nay là phải an toàn cho người tiêu dùng, nên Hợp tác xã đi theo mô hình sản xuất theo chuẩn GAP là bền vững nhất. 

Hiện nay, trong quá trình sản xuất dưa hàng ngày, các thành viên hợp tác xã đều ghi sổ sách cẩn thận các công việc chăm sóc dưa hấu, việc sử dụng phân, thuốc. Làm theo quy trình GAP, hợp tác xã luôn có đầu ra cho sản phẩm và chí phí đầu vào thì giảm được hơn 30%. Nên mỗi vụ dưa, một xã viên có thể thu lời hơn 10 triệu đồng/1.000m2.

PGS.TS Nguyễn Duy Cần, Khoa Phát triển nông thôn, trường đại học Cần Thơ cho rằng, Hậu Giang cần có tư duy tiếp cận nền nông nghiệp 4.0, ứng dụng phù hợp công nghệ cao mạnh hơn nữa. Cũng như tiếp cận đúng từng ngành hàng, hài hòa với cả công nghệ của giai đoạn nông nghiệp 3.0 (tự động hóa, nhà màng), để tiến tới sản xuất thông minh, nông nghiệp chính xác, hiệu quả và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, tỉnh cần đẩy mạnh chính sách đầu tư, kêu gọi đầu tư các ngành hàng trọng tâm, ngành hàng lựa chọn cho ứng dụng công nghiệp cao, nông nghiệp 4.0. Trong số đó, ưu tiên đầu tư cho hợp tác xã vì hợp tác xã là đơn vị tiềm năng của ứng dụng công nghệ cao; và đầu tư phải đủ lớn để vận hành được, không đầu tư dàn trãi, không theo số lượng.

Đồng thời, tỉnh nên lựa chọn đào tạo nguồn nhân lực cho ngành hàng sản xuất được ứng dụng công nghệ cao. Có thể đào tạo qua chương trình hợp tác, thực tập sinh nước ngoài để học tập, nắm bắt công nghệ cao về áp dụng, phát triển doanh nghiệp công nghệ cao. Địa phương cần hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động có thiện chí, có tài để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hướng đến một Hậu Giang xanh như mục tiêu đặt ra.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, trường đại học Cần Thơ, đối với một quốc gia nông nghiệp đang phát triển như Việt Nam, hay riêng biệt hơn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, việc áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp ở quy mô lớn vẫn chưa phổ biến.

“Nếu căn cứ vào các hạng bậc nông nghiệp của châu Âu thì nền nông nghiệp của chúng ta phổ biến ở nông nghiệp 1.0, một số trang trại đạt tới mức nông nghiệp 2.0, rất ít nơi có thể đạt một số mức sơ khởi của nông nghiệp 3.0. Tuy nhiên, rà soát ở một số tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu có các mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, hoặc nông nghiệp thông minh. Các mô hình này chưa áp dụng hoàn toàn, đầy đủ các công nghệ cao, nhưng cũng được xem là những bước đi ban đầu đến nông nghiệp hiện đại”, PGS.TS Lê Anh Tuấn nói.

Phạm Duy Khương (TTXVN)
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào quản lý sản xuất nông nghiệp
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào quản lý sản xuất nông nghiệp

Theo báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp thời gian qua có bước tăng trưởng đáng kể với kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 40 tỉ USD, tăng gần 10% so với năm 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN