Nông dân vẫn ngại thả nuôi dù cá tra tăng giá

Trong những ngày cuối tháng 2/2017, giá cá tra nguyên liệu ở Đồng bằng sông Cửu Long đã chạm ngưỡng 25.000 đồng/kg và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng.

Với giá hiện tại, người nuôi cá tra đã có lãi sau nhiều năm thua lỗ. Dù vậy, người nuôi vẫn dè dặt trong việc thả nuôi vì sợ tiếp tục lỗ.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã Cá tra Thới An (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) cho biết, người nuôi cá tra năm 2017 tiếp tục khó khăn như các năm trước.

Mặc dù thời điểm này, giá cá nguyên liệu cao hơn giá sản xuất, người nuôi có lãi và xuất khẩu năm 2016 qua thị trường Trung Quốc có tăng, thị trường này cũng dễ tính. Nhưng, trong chuỗi sản xuất và xuất khẩu cá tra gồm nuôi và chế biến thì vẫn chưa có sự liên kết chặt chẽ với nhau.

Theo ông Hải, người nuôi lúc nào cũng bắt buộc phải làm ra sản phẩm tốt bởi vì không tốt thì doanh nghiệp chế biến sẽ không mua. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp chế biến và đem đi xuất khẩu thì có những vấn đề không phù hợp với xu hướng của thế giới, các nhà nhập khẩu. Do đó, sản phẩm cá tra xuất khẩu của Việt Nam chỉ được mua với giá rẻ, còn phải chịu nhiều rào cản, thậm chí bị trả về.

Tại Hợp tác xã Cá tra Thới An, từ nhiều năm nay, khi doanh nghiệp đến thu mua cá thì đều kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu như kháng sinh, hóa chất. Nếu cá không đạt thì sẽ bị từ chối thu mua.

Khi đó, nông dân phải kéo dài thời gian nuôi để loại bỏ những chất cấm này ra khỏi sản phẩm thì mới bán được. Ngoài vấn đề chất lượng, một số quốc gia nhập khẩu cá tra của Việt Nam cũng có một số rào cản về thuế, các đạo luật áp lên cá tra.

Thu hoạch cá tra tại vùng nuôi của Công ty Bình An (TP Cần Thơ). Ảnh: An Đăng - TTXVN

Ông Hải nhận định, hiện giờ nuôi cá tra rất khó khăn so với những năm trước đây. Do đó, sản lượng khó mà tăng được. Mặc dù giá cá nguyên liệu loại 1 (0,8kg/con) trong tuần này đã chạm ngưỡng 25.000 đồng/kg, người nuôi có lãi nhưng sản lượng chắc chắn không tăng.

Lý do theo ông Hải là sau nhiều năm lỗ liên tục thì người nuôi đã có phần chán nản, không muốn tiếp tục đầu tư. Trong khi đó, cá tra là loại thủy sản cần vốn đầu tư rất lớn so với các sản phẩm nông nghiệp khác.

Về diện tích, ông Hải cho rằng cũng sẽ thu hẹp lại chứ không tăng được, nhất là diện tích cá giống. Sau nhiều năm bị thua lỗ, người nuôi cá giống ở Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hẹp diện tích, chính điều này đã đẩy giá cá giống lên cao.

Một nguyên nhân khác là mùa sinh sản của cá tra đã kết thúc nên cũng góp phần làm tăng giá cá giống. Theo những hộ nuôi cá tra thương phẩm ở TP Cần Thơ, thời điểm này ai có cá giống để bán thì sẽ có lãi sau nhiều năm lỗ liên tục.

Hiện nay, giá cá tra giống đã tăng 10.000 đồng/kg so với cuối năm 2016. Tại tỉnh Đồng Tháp, các hộ sản xuất cá giống cho biết, giá cá giống loại 28 - 30 con/kg đã tăng lên khoảng 36.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng so với thời điểm trước Tết.

Còn tại TP Cần Thơ, giá cá tra giống loại 50 con/kg có giá hơn 1.000 đồng/con, tăng gần gấp đôi so với các năm trước. Loại 30 - 32 con/kg có giá hơn 1.500/con.

Giá cá tra nguyên liệu tăng cao trong những ngày qua đã làm xuất hiện tin đồn thiếu cá nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Nếu thông tin này không được kiểm chứng và có cơ sở thì nông dân sẽ lại ồ ạt thả nuôi rồi cuối cùng lại rơi vào bế tắc như các năm trước đây.

Chủ nhiệm Hợp tác xã Cá tra Thới An, ông Nguyễn Ngọc Hải nhìn nhận tin đồn về thiếu cá nguyên liệu không phải là câu chuyện mới. Ông Hải khẳng định: “Công suất chế biến của các nhà máy trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là hơn 2 triệu tấn, trong khi sản lượng năm 2016 chưa đến 1,1 triệu tấn thì lúc nào không thiếu”.

“Trước đây, doanh nghiệp cũng từng kêu khan hiếm nguyên liệu, rồi nông dân thả nuôi, cuối cùng phải bán đổ bán tháo. Cả năm sản xuất có hơn 1 triệu tấn cá thương phẩm mà xuất khẩu còn trầy trật thì làm sao thiếu nguyên liệu được”, ông Hải nói.

Ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ cho biết, lũy kế thả nuôi mới cá tra năm 2017 của Cần Thơ đến nay được 334 ha, bằng 79% so với cùng kỳ (425 ha), đạt 43% so với kế hoạch năm (772 ha). Diện tích thu hoạch là 40 ha.


Theo Phòng Công nghiệp Thương mại Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), năm 2017 sẽ là năm chứng kiến sự gia tăng khoảng 20% nhu cầu xuất khẩu cá tra ở hầu hết các thị trường truyền thống cũng như tiềm năng. Đáng chú ý, xuất khẩu cá tra sang thị trường châu Á, đặc biệt là Trung Quốc sẽ tăng gấp rưỡi thị trường Mỹ.

Dựa trên thực tế sản xuất và dự báo, Tổng cục Thủy sản đề xuất kế hoạch sản xuất năm 2017 với diện tích nuôi cá tra thương phẩm từ 5.000 đến 5.500 ha, sản lượng trên 1,15 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu trên 1,7 tỷ USD.

Theo báo cáo của Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VN Pangasius), thời gian qua, thị trường cá tra chứng kiến sự sụt giảm diện tích nuôi nhưng lại tăng năng suất ở các vùng nuôi trọng điểm, cũng như tăng giá cá nguyên liệu.

Năm 2016, diện tích nuôi mới cá tra các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là 3.071 ha, giảm 11%, diện tích thu hoạch còn 3.439 ha, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy vậy, sản lượng lại tăng 5%, đạt 1.077.470 tấn, năng suất trung bình tăng 10%, đạt 313 tấn/ha so với 285 tấn/ha năm 2015.

Bên cạnh đó, giá cá nguyên liệu cũng có sự cải thiện rõ ràng. Nếu như đầu năm 2016, giá cá tra nguyên liệu luôn nằm ở mức 18.000 đồng đến 19.000 đồng, thì tháng 2/2017 đã chạm mốc 25.000 đồng/kg và sẽ còn tiếp tục tăng.

Bà Võ Thị Thu Hương, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng, nguyên nhân là do số lượng cá quá lứa tăng, cũng như nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường dễ tính như Trung Quốc, Hồng Kông tăng cao. Năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1.714 triệu USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ 2015.

Trong đó, thị trường Mỹ đạt 387 triệu USD, tăng 22,8%; thị trường Trung Quốc và Hong Kong đạt 304,7 triệu USD, tăng 88,7%. Như vậy, đã có sự thay đổi về cơ cấu tỷ trọng của các thị trường xuất khẩu cá tra, theo hướng giảm ở thị trường EU, ASEAN, tăng ở thị trường Mỹ và thị trường mới như Trung Quốc và Hồng Kông, tiếp đó là các nước Trung Đông và Nhật Bản.

Thanh Liêm (TTXVN)
Chấm dứt nuôi cá tra tự phát
Chấm dứt nuôi cá tra tự phát

Chiếm hơn 90% thị phần xuất khẩu và đóng góp khoảng 73% sản lượng cá da trơn thế giới nhưng chưa bao giờ cá tra của Việt Nam lại đối mặt với muôn vàn khó khăn như giai đoạn hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN