Bấp bênh nghề nuôi cá tra

Tổng cục Thủy sản cho biết, 6 tháng đầu năm 2012, sản lượng cá tra, ba sa nuôi lồng, bè ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều giảm nhẹ. Tình trạng thiếu cá nguyên liệu dự báo sẽ tiếp tục kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các nhà máy chế biến thủy sản trong thời gian tới.

 

Nhiều nguy cơ “treo” ao


Sau khi chạm mốc 27.000 - 28.000 đồng/kg hồi đầu tháng 4, thời gian gần đây giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh, thành ĐBSCL sụt giảm liên tục khiến người nuôi lo lắng. Hiện, giá cá nguyên liệu loại I ở mức 22.000 - 24.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất.


Ông Nguyễn Văn Tiến, một hộ nuôi cá ở Đồng Tháp cho biết, lúc giá cá ở mức 27.000 - 28.000 đồng/kg khiến ai cũng mừng. Nhưng gần đây, giá cá sụt giảm liên tục xuống dưới mức giá thành, đẩy hàng loạt hộ nuôi vào cảnh khốn đốn. Hầm cá 200 tấn của ông Tiến đã gần tới ngày thu hoạch, nếu bán lúc này lỗ khoảng 1.500 đồng/kg. Ông cho biết, bán xong đợt này, gom tiền trả nợ rồi nghỉ luôn không dám đầu tư nuôi lại vì nghề này quá rủi ro.


 

Nuôi cá tra tại một hộ gia đình ở quận Ô Môn (Cần Thơ). Ảnh: Duy Khương – TTXVN

 

Người nuôi thua lỗ, cộng với sự khó khăn về vốn đầu tư sản xuất, tình trạng “treo” ao dự báo sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, nguy cơ cao hơn là sẽ đẩy ngành sản xuất và chế biến cá tra tái diễn cuộc khủng hoảng đói nguyên liệu trong khi xuất khẩu vẫn tăng trưởng tốt.


Bên cạnh đó, một nghịch lý vẫn đang tồn tại trong thời điểm này là dù nguồn cá tra nguyên liệu phục vụ cho chế biến và xuất khẩu đang thiếu, nhiều nhà máy hoạt động không hết công suất nhưng giá cá lại giảm mạnh. Theo các chuyên gia thủy sản, giá cá tra nguyên liệu giảm mạnh là do ảnh hưởng khó khăn về tài chính, chứ không phải do cá nguyên liệu dư thừa gây ra. Chính sách thắt chặt tiền tệ đã khiến các ngân hàng siết chặt tín dụng, doanh nghiệp (DN) sản xuất cầm chừng, không đẩy mạnh thu mua nguyên liệu, người nông dân không thiết tha đầu tư thả nuôi.


Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Hùng Vương, Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản VASEP cho biết, do việc thắt chặt tín dụng, lãi suất ở mức cao. Do vậy, các DN buộc phải bán tháo nguyên liệu dưới giá thành, lấy tiền trả nợ ngân hàng, tránh quá hạn.


Theo VASEP, hiện chỉ có khoảng 30% số nhà máy chế biến thủy sản tôm và cá hoạt động được 70% công suất trở lên, 30% còn lại hoạt động chưa đến 50% công suất, 20% hoạt động chưa đến 30% công suất/ngày, 20% còn lại gần không như không hoạt động.

 

Cần những giải pháp kịp thời


Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, kiêm Tổng cục trưởng Thủy sản cho biết, khó khăn của ngành thủy sản đã được nhìn thấy. Bộ NN&PTNT đã làm việc với VASEP, các bộ, ngân hàng để tìm giải pháp. Tuy nhiên, việc đưa ra các chính sách cho người nuôi và doanh nghiệp cần phải thận trọng, để không vi phạm các nguyên tắc quốc tế, không làm méo mó chính sách vĩ mô.


Hiện, VASEP đang đánh giá, phân loại các doanh nghiệp hoạt động trong ngành để tái cấu trúc. Bởi, trong khó khăn hiện nay thì những DN có nhà máy chế biến, có vùng nuôi hoặc có quy trình sản xuất khép kín vẫn giữ được mức tăng trưởng xuất khẩu khả quan so với năm trước. Do đó, để đảm bảo nguồn nguyên liệu chế biến, một số DN chế biến lớn đã chủ động xây dựng vùng nuôi.


Các chuyên gia ngành thủy sản nhận định, để phát triển con cá tra bền vững rất cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời của các ngành chức năng. Thực hiện chủ trương giảm lãi suất, giúp DN tiếp cận vốn vay. Vừa qua, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cũng đã ủng hộ các đề nghị của VASEP về gói hỗ trợ khẩn cấp cho doanh nghiệp cá tra Việt Nam. Trên cơ sở này, VDB đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận những đề xuất như: Cho phép VDB được gia hạn nợ các khoản vay xuất khẩu thủy sản nói chung và xuất khẩu cá tra nói riêng đối với các doanh nghiệp vay vốn gặp khó khăn tạm thời về tài chính, thời gian gia hạn nợ tối đa 2 năm. Theo đó, VDB sẽ có trách nhiệm phối hợp với VASEP rà soát và xử lý cụ thể với từng trường hợp để gia hạn nợ, tiếp tục cho vay vốn duy trì sản xuất, xuất khẩu, ổn định việc làm cho người lao động.


Còn đối với một số DN xuất khẩu thủy sản có thương hiệu đang phải tạm dừng hoạt động, ngoài các giải pháp trên đề nghị các cơ quan liên quan và VASEP có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu lại sản xuất, tài chính, quản trị, tổ chức hoạt động... Các ngân hàng được phép khoanh nợ, tiếp tục cho vay bổ sung vốn lưu động để doanh nghiệp khôi phục sản xuất tạo nguồn thu trả nợ.


Theo VASEP, ước tính cần khoảng 5.000 tỷ đồng để mua 200.000 tấn cá tra của dân. Do đó, Hiệp hội cũng đề nghị VDB hỗ trợ các DN có hợp đồng xuất khẩu thu mua nguyên liệu cá tra, kỳ hạn vay 4 tháng (2 kỳ hạn cho năm 2012) với lãi suất ưu đãi dưới 10%/năm, giải ngân theo tiến độ thu mua. Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, về lâu dài, ngành thủy sản cần phải tổ chức lại ở các khâu xuất khẩu, sản xuất nguyên liệu trong nước, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, ngành cần tổ chức lại thị trường xuất khẩu, không để một thị trường nhiều DN chào bán giá một cách tự do như hiện nay; thống nhất về chất lượng, thương hiệu cá tra của Việt Nam. Mặc khác, phải tổ chức lại sản xuất trong nước, theo chuỗi sản phẩm, có cơ chế chia sẻ rủi ro, lợi nhuận giữa các khâu trong chuỗi. Ngoài ra, về khoa học kỹ thuật, cần tìm cách thay thế toàn bộ giống hiện nay bằng giống chất lượng.


Thúy Hiền

Cuối năm có thể thiếu cá tra nguyên liệu
Cuối năm có thể thiếu cá tra nguyên liệu

Theo Sở Công Thương An Giang, giá thu mua cá tra trên thị trường toàn tỉnh liên tục giảm đã kéo theo giá cá tra bột, cá tra giống giảm theo. Người nuôi cá đang gặp khó khăn nhiều mặt khi quyết định có tiếp tục nuôi cá tra thương phẩm cho chu kỳ nuôi mới hay không.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN