Các giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô dần phát huy tác dụng đã giúp nền kinh tế nước ta có những chuyển biến tích cực trong những tháng gần đây. Theo đó, xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao hơn mục tiêu đề ra, sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi... Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn và thách thức, việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2012 vẫn đòi hỏi nhiều nỗ lực.
Cân đối giữa tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế luôn được quan tâm trong những phiên họp Quốc hội dịp cuối năm. Bởi, nếu không lo cho tăng trưởng thì mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng nếu chạy theo tăng trưởng, mà nới lỏng quá mức tiền tệ, tài khóa thì lại dẫn đến lạm phát cao và bất ổn vĩ mô sẽ quay trở lại.
Chính vì vậy, bài toán khó trong điều hành kinh tế hiện nay là nỗ lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng nhưng vẫn phải kiên định và nhất quán với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Bài toán tăng trưởng và lạm phát
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 9 tháng qua đã có xu hướng cải thiện sau từng quý: quý I tăng 4%, quý II tăng 4,66%, quý III tăng 5,35%. Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, GDP quý III/2012 ước đạt 5,35% vẫn là mức thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Điều này cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế đang có xu hướng chậm lại. Hơn nữa, GDP cả năm 2012 nhiều khả năng không đạt mục tiêu như đã đề ra từ đầu năm là tăng từ 6,0 - 6,5%.
Song, các chuyên gia kinh tế cho rằng, mức tăng trưởng như hiện nay vẫn là hợp lý trong bối cảnh phải kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Khó có tăng trưởng cao trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn. Việc phải cân nhắc giữa tăng trưởng và lạm phát luôn là bài toán khó trong điều hành kinh tế xã hội nước ta.
Thực tế 9 tháng qua cho thấy, tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sau khi liên tục giảm trong 7 tháng đầu năm thì trong những tháng gần đây lại có xu hướng tăng trở lại, trong đó, CPI tháng 8 tăng 0,63% và tháng 9 tăng 2,2%. CPI tháng 9 tăng đột biến chủ yếu do các yếu tố chủ quan: việc tăng giá dịch vụ y tế, học phí tăng, các đợt tăng giá xăng dầu gần đây. Tuy trong tháng 10, mức tăng của chỉ số tiêu dùng có xu hướng chậm lại nhưng chính sách điều hành kinh tế vẫn không thể lơ là với lạm phát. “CPI thường tăng cao hơn vào những tháng cuối năm, khi nhu cầu đầu tư, sản xuất, nhập khẩu, tiêu dùng cao lên và cộng hưởng với nhau”, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh lưu ý.
Từ nay đến cuối năm, theo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tính theo tháng sẽ cao hơn những tháng đầu năm. Ngân hàng Nhà nước đã xác định sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, trong đó sẽ phấn đấu đạt mức tăng trưởng tín dụng hợp lý để vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế vừa góp phần kiềm chế lạm phát.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc nới lỏng chính sách tiền tệ phải rất thận trọng. “Hạ lãi suất huy động theo mức độ chậm lại của CPI là cần thiết để tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay, giảm bớt khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Nhưng cần đề phòng khả năng, những ngân hàng yếu thanh khoản sẽ lại lách lãi suất huy động bằng các biện pháp tinh vi hơn, tạo cho cuộc đua lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại quay trở lại. Và lãi suất tăng có thể khiến cho áp lực lạm phát tăng lên”, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Võ Trí Thành nhận xét.
Vừa qua, việc điều chỉnh giá một số mặt hàng thiếu yếu đã tác động tới lạm phát, do đó, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cần tính toán và có những bước đi thận trọng trong việc điều chỉnh giá một số hàng hóa, dịch vụ. Trước mắt tạm thời chưa điều chỉnh thêm giá trong tháng 10 để củng cố tâm lý thị trường.
Nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế
Kích thích tăng trưởng kinh tế, tăng đầu tư, trong đó có vốn ngân sách là một giải pháp. Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tổng cầu của nền kinh đã được cải thiện đáng kể so với 2 quý đầu năm với mức độ gia tăng khả quan hơn. Trong quý III, vốn đầu tư toàn xã hội tăng khá mạnh so với những tháng đầu năm. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước đã tăng nhanh kể từ đầu quý III và đạt mức cao hơn nhiều so với 2 quý đầu năm (dự báo tháng 9 đạt mức 23 - 24 nghìn tỷ đồng so với mức bình quân 16 - 18 nghìn tỷ đồng của 6 tháng đầu năm); nguồn vốn FDI vẫn giữ được mức giải ngân ổn định khoảng 1 tỷ USD/tháng; tín dụng ngân hàng trong quý III được cải thiện khá so với 6 tháng đầu năm.
Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng cho biết, để thúc đẩy đầu tư, Chính phủ đã chủ trương đẩy nhanh việc thực hiện và giải ngân đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA, đặc biệt là các dự án lớn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cùng với việc tăng vốn cho đầu tư, phát triển thì cần chú ý đến khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Khả năng mở rộng tín dụng trong thời gian tới vẫn rất khó khăn do nhu cầu thị trường hàng hóa, dịch vụ trong và ngoài nước tăng thấp, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho lớn, nợ quá hạn cao.
Do đó, để tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, điều quan trọng là phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính để giúp DN nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn vốn tín dụng xuất khẩu; điều chỉnh linh hoạt thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và tạo thuận lợi hơn nữa về thủ tục hải quan theo hướng hỗ trợ tối đa cho sản xuất trong nước và thúc đẩy kinh doanh, xuất khẩu.
Để tập trung tháo gỡ khó khăn hỗ trợ sản xuất kinh doanh, Chính phủ chủ trương tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tăng sức mua, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa. Trong đó, Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện để khuyến khích sản xuất đối với các lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế, nhất là trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ. Triển khai hiệu quả chính sách cấp bách hỗ trợ sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Để kích thích tiêu thụ hàng hóa, giảm hàng tồn kho, Chính phủ chỉ đạo tích cực triển khai các chương trình khuyến mại, kích thích tiêu thụ và tiêu dùng, trong đó có đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Nâng cao chất lượng công tác xúc tiến thương mại và đầu tư, tìm kiếm mở rộng thị trường để đẩy mạnh các hoạt động sản xuất và xuất khẩu.
TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: “Cần đổi mới phương thức xác định các chỉ tiêu kinh tế - xã hội” GDP năm nay có thể có khoảng cách khá xa so với phương án mà Quốc hội đã thông qua từ đầu năm. Trong những năm gần đây, một số chỉ tiêu kinh tế lớn như CPI, GDP... thường không được như dự kiến từ đầu năm. Tuy nhiên, các chỉ tiêu về kinh tế xét cho cùng chỉ là phương tiện; còn các chỉ tiêu về an sinh - xã hội mới là mục tiêu của phát triển. Vì thế theo tôi, chúng ta cần đổi mới nội dung và phương thức xác định các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hiện nay theo hướng chuyển từ tính chất pháp lệnh sang tính chất chỉ dẫn. Ví dụ như với chỉ số CPI, chỉ cần mang tính chất dự báo để định hướng, không cần xem đó là những trói buộc trong điều hành nền kinh tế của Nhà nước. Thay vào đó, chúng ta cần tập trung vào các chỉ tiêu phát triển bền vững như các chỉ tiêu về an sinh xã hội, môi trường...
TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: “Không nên đặt mục tiêu tăng trưởng quá cao” Năm 2013 được dự báo là tiếp tục khó khăn và nguy cơ lạm phát cao hơn năm 2012. Do đó, không cần, không nên đặt mục tiêu tăng trưởng cao. Mà Chính phủ cần tiếp tục ưu tiên dồn sức cho nhiệm vụ tái lập ổn định kinh tế vĩ mô. Phải dành nhiều nguồn lực cho các đột phá tái cơ cấu, không nên quá ưu tiên cho tăng trưởng như các năm trước. Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2013 chỉ đặt ở mức 3 - 4 % và cũng chỉ được coi là mục tiêu định hướng. Với kinh tế trong năm 2012 cũng như trong năm 2013, nhiệm vụ quan trọng nhất là phải tập trung giải tỏa các “cục máu đông” như nợ xấu và tồn kho. |
Thu Hường