Theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), sau ngày 30/9, các tổ chức tín dụng (TCTD) phải hoàn thành mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3%. Bên cạnh việc tự giải quyết nợ xấu, dồn sức phối hợp với khách hàng thu hồi nợ, nhiều ngân hàng đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ để bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản (VMAC).Thu hồi nợ bằng nhiều cách Nhiều năm nay, công tác thu hồi nợ của ngân hàng đối với các doanh nghiệp đến kỳ trả nợ vô cùng khó khăn. Trưởng phòng công nợ, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) Trần Châu Hạnh chia sẻ: “Khoảng 4 năm nay, việc thu hồi nợ của Vietcombank đối với Công ty Thép Nam Đô chuyên sản xuất thép cán và gang thành phẩm gần như bế tắc. Ngân hàng đã phải đàm phán rất nhiều lần, thậm chí kiện doanh nghiệp nhưng đến nay vẫn không thu được đồng nào từ số tiền 100 tỷ đồng tiền gốc vay (chưa tính lãi)”.
Nhà máy thép của Công ty Thép Vạn Lợi đóng cửa im ỉm, không hoạt động khiến ngân hàng khó khăn khi thu hồi nợ. |
Theo Vietcombank, tài sản đang thế chấp ngân hàng của Công ty Thép Vạn Lợi là khu nhà máy luyện phôi thép rộng lớn khoảng 25 ha. Theo dự kiến, nhà máy có công suất hoạt động 600.000 tấn/năm và nhà máy luyện gang công suất 300.000 tấn/năm với tổng vốn đầu tư lên đến 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do không có thị trường tiêu thụ nên cụm dự án này đang nằm "đắp chiếu".
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết: 5 năm qua, gần như toàn bộ hệ thống ngân hàng đã tập trung xử lý nợ xấu bằng việc đôn đốc, ráo riết thu hồi các khoản nợ cũ; xử lý tài sản đảm bảo. Nếu như trước kia, tỷ lệ nợ xấu của TPBank là 7% thì nay chỉ về mức 0,68%.
Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) Nguyễn Đình Tùng cho biết: “Chưa bao giờ tôi thấy quá trình tái cơ cấu ngân hàng, xử lý nợ xấu lại được triển khai quyết liệt như những năm qua, đặc biệt là năm nay. Nếu như năm 2014, ngân hàng xử lý được 1.400 tỷ đồng nợ xấu thì 6 tháng đầu năm nay, OCB đã thu được về 651 tỷ đồng tiền nợ”. Theo OCB, có được kết quả này là nhờ ngân hàng đã đa dạng cách thức thu nợ như thông qua đàm phán với khách hàng nợ, miễn giảm lãi hoặc tham gia tái cấu trúc doanh nghiệp để tìm nhà đầu tư mới mua lại. Vì vậy, doanh nghiệp vay cũ đã có tiền trả nợ.
Lãnh đạo NHNN chi nhánh thành phố Hà Nội cho biết: Tổng nợ xấu mà 13 ngân hàng thương mại cổ phần tại Hà Nội được NHNN giao xử lý hoàn thành trước 30/9/2015 (trừ GPBank) là 30.778 tỷ đồng. Tính đến 30/6, tổng số nợ xấu đã xử lý là 24.705 tỷ đồng, đạt 80% kế hoạch được giao.
Chủ động mua bán nợ
“Nhằm hỗ trợ các TCTD đưa nợ xấu toàn ngành về dưới 3%, đến nay Công ty Quản lý Tài sản (VAMC) đã mua được 80.000 tỷ đồng nợ xấu, đạt 80% kế hoạch. Còn 2 tháng nữa là hạn chót nhưng việc mua nợ của VAMC sẽ hoàn thành sớm do các TCTD đều tích cực chủ động bán nợ cho VAMC”, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, ông Nguyễn Quốc Hùng nói.
Theo VAMC, từ nay đến ngày 15/9, công ty sẽ mua hết số nợ còn lại từ các TCTD đồng nghĩa với việc phải xử lý với khối lượng nợ xấu 30 - 40.000 tỷ đồng. “Đây là áp lực không nhỏ nhưng chúng tôi luôn đảm bảo thẩm định kỹ các khoản nợ xấu. Khoản nợ nào đủ điều kiện VAMC mới mua còn nếu không sẽ yêu cầu các TCTD bổ sung hoặc trả lại hồ sơ”, lãnh đạo VAMC nói.
Đại diện VAMC cho biết: Sau khi hoàn thành mục tiêu cùng với hệ thống ngân hàng đưa tỷ lệ nợ xấu xuống ngưỡng 3%, VAMC vẫn tiếp tục bán nợ theo đúng quy định pháp luật như: Phối hợp TCTD đi thu hồi nợ, tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ nếu như khoản nợ có đủ điều kiện, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, xem xét miễn giảm lãi… VAMC đặt mục tiêu đến hết ngày 31/12, tổng giá trị thu hồi nợ trong năm 2015 gồm cả bán nợ, bán tài sản đảm bảo đạt tối thiểu 10.000 tỷ đồng. Tiến tới, VAMC mở rộng hoạt động nghiệp vụ chuyển nợ thành vốn góp đối với doanh nghiệp có khả năng hồi phục hiệu quả.
Theo các chuyên gia ngân hàng, sau khi bán nợ cho VAMC không có nghĩa là các ngân hàng đã hết trách nhiệm. Các ngân hàng vẫn phải tiếp tục phối hợp với VAMC để thu nợ khách hàng; hoặc được VAMC ủy quyền tự xử lý khoản đó, nên tốc độ triển khai thu nợ không thay đổi.