Những tình huống 'dở khóc dở cười' khi mua thực phẩm online mùa dịch

Để phòng tránh dịch bệnh, nhiều người dân đã chọn hình thức “đi chợ online”, nhưng không ít người rơi vào tình huống dở khóc dở cười khi mua thực phẩm qua mạng.

Tiền mất, tật mang

Hà Nội đang trong những ngày giãn cách, nhiều người dân “ngại” đi siêu thị hay chờ đến ngày đi chợ theo phiếu nên đã chọn cách mua thực phẩm trên các chợ cư dân online hoặc các trang thương mại điện tử.

Chị Nguyễn Oai (Hoàng Mai, Hà Nội) thấy bài đăng bán gà quê trên group chợ cư dân nơi chị sinh sống với giá 120.000 đồng/kg, mức giá này cao hơn tại chợ, nhưng được miễn phí ship và không phải đi xa nên chị quyết định đặt 2 con. Sau 1 ngày, chị Oai phấn khởi nhận gà, nhưng khi mang gà về nhà,  mở túi ra, chị thấy một mùi hôi xộc thẳng lên mũi. 

“Tôi ho sặc sụa vì mùi hôi bốc lên nồng nặc, có thể trời nóng và gà làm sẵn để trong túi nilon lâu nên đã bị hỏng. Nhưng bộ lòng gà còn nguyên 2 con ruồi chết nằm trong đó thì không chấp nhận được. Tôi gọi điện cho người bán hàng để phản ánh nhưng không liên lạc được. Sau khi đăng đàn “bóc phốt” và gọi điện nhiều lần thì người bán hàng mới chịu giao đền tôi 1 con gà mới’, chị Oai cho hay.

Chú thích ảnh
Nhiều thực phẩm được rao trên các group chợ cư dân chưa kiểm định được chất lượng hàng hóa. 

Cũng chịu cảnh tương tự như trên, chị Nguyễn Thanh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đặt mua 20 quả trứng gà trên một nhóm bán hàng của chung cư. Đến khi đập trứng để nấu, chị mới tá hỏa khi liên tiếp 3-4 quả có mùi thối như trứng ung. Khi chị liên hệ với người bán, cũng là người cùng chung cư, người này lý giải có thể do vận chuyển trong trời nắng nóng nên mới vậy và “mong thông cảm”. Chị Thanh đành ngậm ngùi chấp nhận vì không còn cách nào khác.

Còn chị Thu Hằng (Long Biên, Hà Nội) kể, có lần chị mua pate ở một trang hàng thực phẩm online trên mạng. Khi người giao hàng đến thì chị không có nhà nên nhờ người nhận hộ. Đến tối khi mang ra ăn, gia đình chị thấy có mùi hơi lạ. Hậu quả, ăn cơm xong, cả nhà chị thay nhau “canh” phòng vệ sinh. Chị liên hệ với chủ cửa hàng thì người bán thậm chí còn khẳng định hàng của họ chất lượng tốt, và đổ lỗi cho chị là không biết bảo quản. Đôi co qua lại nhưng không được kết quả gì, chị Hằng đành “chịu thua” và cũng không dám đặt mua đồ ăn online sau lần đó.

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm

Thực tế, tại nhiều chợ cư dân, các hàng kinh doanh thực phẩm online nhỏ lẻ không có giấy phép kinh doanh, các sản phẩm chế biến không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm hay thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không được các cơ quan chức năng thẩm định. Vì vậy, nguy cơ ngộ độc thực phẩm là điều không tránh khỏi.

Trong thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) liên tiếp phát hiện và ngăn chặn số lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đơn cử, ngày 10/8, đoàn kiểm tra Đội QLTT số 4 thuộc Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã tổ chức kiểm tra đột xuất tại 1 hộ kinh doanh thịt heo trên tuyến đường tại huyện Gò Công Tây. Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện cơ sở đang kinh doanh thịt gia súc không có dấu kiểm soát giết mổ. Tang vật vi phạm là 50 kg thịt heo, với trị giá hàng hóa vi phạm là 5 triệu đồng. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ cơ sở này, đang hoàn chỉnh hồ sơ để xử lý theo quy định pháp luật.

Hay hồi đầu tháng 7 vừa qua, Cục QLTT Hà Nội thu giữ gần 3.000kg các loại thịt, sườn bò, trâu, lợn đông lạnh, chân gà, đùi gà đông lạnh, tôm đông lạnh... tại cơ sở kinh doanh ở làng Kim 1, xã Kim Quan, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chủ cơ sở chưa xuất trình được giấy tờ, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, người dân có tâm lý tránh tiếp xúc gần với tác nhân gây bệnh và có xu hướng lựa chọn sử dụng phương thức trực tuyến để đặt hàng thay vì mua hàng tại điểm bán truyền thống. 

Tuy nhiên, việc mua - bán thực phẩm trực tuyến trên các website, ứng dụng thương mại điện tử và các mạng xã hội tiềm ẩn một số rủi ro, nhiều đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm giả, hàm lượng chất dinh dưỡng thấp hơn tiêu chuẩn công bố. Hoặc các sản phẩm có thành phần các chất không đúng theo tiêu chuẩn quy định, không nằm trong giới hạn cho phép; sản phẩm chứa các chất phụ gia không cho phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép; thực phẩm chứa các chất độc hại, ô nhiễm; thực phẩm bị hư hỏng biến chất do điều kiện bảo quản không bảo đảm... Các hành vi vi phạm ngày cách tinh vi, phức tạp, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện kiểm tra, giám sát.

Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số khuyến cáo người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. 

Nếu mua hàng qua các mạng xã hội, người tiêu dùng cần phải tìm hiểu các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét về vấn đề nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan quản lý kiểm tra về an toàn thực phẩm, tuyệt đối không nên mua ở những fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn (inbox), chỉ bán hàng online chứ không có cửa hàng cụ thể.

Chú thích ảnh
Trung Hiếu/Báo Tin tức
Giá một số loại thực phẩm tăng vọt
Giá một số loại thực phẩm tăng vọt

Mấy ngày nay, nhiều loại lương thực, thực phẩm tại thị trường Hà Nội đã tăng giá; rau xanh, trứng... là những mặt hàng có giá tăng gấp đôi. Trong khi trước đó, Sở Công Thương Hà Nội đã thông báo các mặt hàng dự trữ đủ cho nhu cầu của người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN