Nhộn nhịp mùa gặt lúa xuân ở vùng biên Bình Phước

Trong những ngày đầu Xuân Ất Tỵ 2025, không khí mùa gặt lúa xuân nhộn nhịp ở nhiều nơi trên vùng biên Bình Phước.

Chú thích ảnh
Máy gặt đập liên hợp giúp người dân vùng biên giảm chi phí, tăng hiệu quả lao động. 

Tiếng máy gặt, tiếng cười nói của bà con nông dân râm ran trên những cánh đồng lúa chín vàng trĩu bông.

Ghi nhận vụ lúa Đông Xuân 2024-2025, trên địa bàn huyện biên giới Bù Đốp, người dân bắt đầu thu hoạch sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Những năm gần đây, hầu hết các hộ dân trồng lúa không còn sử dụng phương pháp cắt thủ công truyền thống mà chuyển sang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp. Máy gặt đập liên hợp đang là lựa chọn của người dân trong mùa thu hoạch lúa nơi đây bởi giúp thời gian thu hoạch nhanh, giảm bớt nhân công lao động cũng như chi phí vận chuyển.

Quá trưa, trời nắng như đổ lửa, gia đình anh Nguyễn Văn Cò, ở ấp Thanh Tâm (thị trấn Thanh Bình) thu hoạch xong hơn 0,2 ha lúa chỉ trong vòng nửa ngày. Anh Nguyễn Văn Cò phấn khởi cho biết, đầu năm mới khi lúa chín vàng, gia đình đã nhanh chóng bắt tay thu hoạch lúa để tiếp tục làm vụ tiếp theo. Năm nay, khí hậu thuận lợi nên năng suất lúa tốt, gia đình thu hơn 1,5 tấn/0,2 ha.

Ông Nông Văn Hướng ở thôn 3 (xã Thiện Hưng) cũng phấn khởi khi những hạt lúa vàng đã được chất đầy các bao tải, chỉ chờ để chở về phơi khô. Ông Hướng chia sẻ: Đầu vụ vừa qua, gia đình ông trồng giống Đài thơm 8 trên khoảng 1 ha; khi thu hoạch, được khoảng 5 tấn lúa, cao hơn cùng kỳ năm trước.

Theo nhiều hộ dân ở huyện biên giới Bù Đốp, vụ này giá thu mua hơn 10.000 đồng/kg, năng suất cao hơn nên họ rất phấn khởi. Gia đình ông Điểu Tài ở xã Thanh Hòa cũng vui mừng khi đầu Xuân thu hoạch gần 2 tấn lúa trên diện tích gần 0,4 ha. Theo ông Tài, năm nay thời tiết thuận, vụ Đông Xuân này sản lượng được hơn vụ trước. Các hộ dân nơi đây hầu hết thuê dịch vụ cắt lúa bằng máy gặt đập liên hợp. Thu hoạch theo cách này, bà con không còn lo kiếm nhân công như mọi năm. Ngoài ra, người dân trồng lúa sau khi thu hoạch còn bán rơm để kiếm thêm nguồn thu. Những ngày đầu Xuân, giá thu mua lúa tốt, được mùa nên bà con ai ai cũng phấn khởi chuẩn bị vào mùa vụ Hè Thu năm nay.

Những năm gần đây, người dân vùng biên trên địa bàn huyện Bù Đốp đã có nhiều đổi thay trong canh tác lúa nước. Đặc biệt, những tuyến kênh mương thủy lợi được hoàn thiện đưa vào sử dụng giúp người dân tăng từ 1 lên 2 vụ, hoặc thậm chí 3 vụ/năm. Theo ông Võ Văn Thành ở ấp Sóc Nê (xã Tân Tiến), tuyến kênh thủy lợi nội đồng dài hơn 6 km được Nhà nước đầu tư đã đưa nước về tận ấp, sóc mang lại hiệu quả canh tác nông nghiệp. Hiện nay, người dân đã chủ động được nguồn nước, tăng vụ, tăng năng suất.

Niềm vui thu hoạch đầu Xuân không chỉ đến với nông dân trồng lúa mà cả người lao động cũng có thêm thu nhập trong mùa thu hoạch. Anh Điểu Nin, nhân công lái máy đập gặt liên hợp cho biết: Sau vài ngày nghỉ Tết, anh đã bắt đầu công việc từ mùng 5 cho chủ máy gặt đập liên hợp. Khi hộ nào gọi gặt là chúng tôi đến ngay để bà con kịp làm đồng cho vụ tiếp theo. Có máy gặt đập liên hợp, việc thu hoạch lúa ở địa phương rất thuận lợi và giảm chi phí đáng kể.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đốp, địa phương có khoảng 1.800 ha canh tác lúa nước. Vụ Đông Xuân năm nay, toàn huyện gieo cấy khoảng 1.000 ha. Huyện xây dựng vùng chuyên canh lúa, trồng lúa 2-3 vụ/năm ở khu vực sau đập M26 (xã Phước Thiện), sau đập Bù Tam (xã Hưng Phước) và khu vực các kênh nhánh thủy lợi Cần Đơn tại các xã Thanh Hòa, Tân Tiến, Tân Thành, thị trấn Thanh Bình.

Những năm qua, các cơ quan chuyên môn huyện Bù Đốp đã tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội thảo đầu bờ, tư vấn về kỹ thuật chăm sóc và phòng trị bệnh trên các loại cây trồng nhằm giúp nông dân tháo gỡ những khó khăn bất cập trong quá trình sản xuất.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đốp Trần Văn Thành cho biết, địa phương là huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 18,24%; kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao. Về trồng lúa nước, địa phương quan tâm đầu tư các hệ thống kênh mương thủy lợi giúp người dân canh tác 3 vụ/năm. Qua đó, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Chú thích ảnh
Người dân thu hoạch lúa về kho trong những ngày đầu Xuân. 

Huyện biên giới Bù Đốp hiện có 7 công trình hồ đập, thủy lợi và hệ thống kênh mương kiên cố, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân và tưới cho hơn 3.500 ha đất sản xuất, trong đó có hơn 1.800 ha trồng lúa nước. Nhiều hộ dân cũng đã được hưởng lợi từ các công trình thủy lợi, giúp cây trồng tăng năng suất, mang lại nguồn thu kinh tế cao hơn.

Một mùa xuân mới đã về. Hình ảnh những chuyến xe chở đầy ắp lúa không chỉ xuất hiện trên các cánh đồng ở huyện biên giới Bù Đốp mà còn có ở các huyện Lộc Ninh, Bù Gia Mập, đã và đang mang lại niềm vui đầu năm, giúp nhà nông có khởi đầu mới, gặt hái nhiều thành công, kinh tế phát triển bền vững.

Tin, ảnh: K GỬIH (TTXVN)
Phố cá lóc nướng TP Hồ Chí Minh nhộn nhịp xuyên đêm chuẩn bị cho ngày vía Thần Tài
Phố cá lóc nướng TP Hồ Chí Minh nhộn nhịp xuyên đêm chuẩn bị cho ngày vía Thần Tài

Nhằm phục vụ nhu cầu của người dân trong ngày vía Thần Tài, các cửa hàng trên đường Tân Kỳ - Tân Quý, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh đã hoạt động xuyên đêm, nướng hàng tấn cá lóc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN