Nhộn nhịp hoa về phố

Ngày 23 Tết ta, rất nhiều thuyền chở hoa, cây kiểng tại miền Tây, các xe chở hoa miền Trung đang nối đuôi nhau đổ về TP Hồ Chí Minh phục vụ nhu cầu mua sắm hoa Tết của người dân thành phố. Còn tại Hà Nội, đào rừng từ các tỉnh miền núi phía Bắc cũng đang được vận chuyển về các tuyến phố trung tâm.

Chợ hoa “trên bến dưới thuyền”


Mặc dù thời tiết diễn biến thất thường đã ảnh hưởng tới nhiều nhà vườn trồng hoa tại các tỉnh Tây Nam Bộ nhưng lượng hoa, cây kiểng Tết đổ về TP Hồ Chí Minh vẫn khá dồi dào với giá bán ổn định như mọi năm.

Ghi nhận tại chợ hoa bến Bình Đông (quận 8), nơi được người dân quen gọi là chợ hoa “trên bến dưới thuyền”, có hơn 500 tiểu thương đến đây họp chợ. Chợ đặc biệt này kéo dài 3 km trên sông, chủ yếu là các nhà vườn ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ với đủ các loại như: hoa mai, cây bonsai, quất, cúc, lan, trạng nguyên...

Là một chủ buôn hoa, anh Năm Tài, quê chợ Lách (Bến Tre) cho biết: “Gia đình tôi chở 300 cây mai lên đây để bán. Hiện nay, hầu hết hoa mai đều đã được tuốt lá. Nếu thời tiết thuận lợi thì chỉ khoảng vài ngày nữa là hoa mai sẽ khoe sắc đón xuân. So với năm ngoái, năm nay giá hoa mai Tết không tăng. Cao điểm mua hoa mai Tết của người dân TP là từ 25 Tết”.

Đào rừng được bày bán trên vỉa hè đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội. Ảnh: Thu Hồng


Tại các con đường chuyên kinh doanh hoa, cây kiểng Tết như Thành Thái, Bắc Hải (Quận 10), Lý Thường Kiệt (Quận Tân Bình)...  xuất hiện nhiều loại cây ăn trái trồng chậu để bán Tết như thanh long, quýt, cam, bưởi, phật thủ... Giá các loại cây kiểng ăn trái trồng chậu được các cửa hàng bán ra khá đa dạng. Cụ thể, thanh long, quất chậu nhựa loại nhỏ khoảng 200.000  -  350.000 đồng/chậu; cam, quýt tiều, bưởi loại trung khoảng 1 - 2 triệu đồng, loại lớn 2 - 3 triệu đồng/chậu...  Các loại cây ăn trái này được các cửa hàng, chủ vựa mang về từ các tỉnh miền Tây, miền Trung, thậm chí miền Bắc.

Dọc các tuyến đường quốc lộ 13, Kha Vạn Cân, Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức) cũng đã xuất hiện hàng ngàn chậu mai bán Tết được các nhà vườn tại TP Hồ Chí Minh, Bình Định, Phú Yên...  mang bày bán dọc vỉa hè. Giá các loại hoa mai Tết năm nay không tăng so với năm ngoái. Chậu mai nhỏ giá từ 200.000 - 2 triệu đồng/chậu, mai loại trung giá 5 - 10 triệu đồng/chậu... .

Anh Nguyễn Thành Hải, nhà vườn tại Phú Yên mang hoa vào TP Hồ Chí Minh để bán cho biết: Lượng mai Tết tại Phú Yên cung cấp ra thị trường năm nay khá dồi dào, tăng khoảng 20 - 30% so với năm ngoái. Tuy nhiên, giá hoa không tăng so với năm ngoái nhằm chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.

Đào rừng đổ về Hà Nội

Tại thời điểm ngày 23 Tết, trên các tuyến phố của Hà Nội xuất hiện nhiều điểm bán đào rừng. Theo những người bán đào rừng trên phố thì khoảng 2 - 3 ngày nữa, các điểm bán đào rừng sẽ đông hơn.

Trên đường Lạc Long Quân hiện có 2 - 3 điểm bán đào rừng. Anh Phạm Tuấn Long, một người bán đào rừng cho biết: “Tôi bán đào ở đây từ ngày 20 âm lịch. Đến hôm nay đã bán được hơn 10 cây đào nguồn gốc từ Sơn La, giá dao động từ 2 - 5 triệu đồng/cành”.

Một người bán đào rừng khác trên phố Lạc Long Quân cho biết thêm, năm nay đào Nhật Tân nở sớm, giá rẻ. Cành đào nhỏ chỉ dao động từ 100.000 – 500.000 đồng. Trái với đào Nhật Tân, đào rừng nở đúng thời điểm, cánh hoa cứng cáp, bông rất đẹp nên giá ổn định.

Còn tại các tuyến phố khác như Hoàng Hoa Thám, Hoàng Quốc Việt, đường Láng, Kim Ngưu...  đào rừng cũng được bày bán trên vỉa hè. So với đào thường, cành đào rừng thường to, nhiều nhánh, cành xù xì, gân guốc, nhiều mốc và rêu. Cành càng mốc càng giá cao. Giá trung bình từ 570.000 đến vài triệu đồng/cành tùy loại. Loại giá cao mấy chục triệu nếu khách muốn mua thì phải đặt trước.

Ngoài đào rừng, Tết năm nay người dân Thủ đô còn có nhiều lựa chọn khác như hoa địa lan Sa Pa. Đây là loài hoa lan quý của Sa Pa, thường nở hoa dịp đầu xuân. Địa lan Sa Pa được khách hàng cao cấp ở Hà Nội ưa thích vì hoa đẹp, hương thơm độc đáo và hoa nở 3 tháng mới tàn.

Một số loại hoa cao cấp được nhân giống bằng công nghệ nuôi cấy mô tại các tỉnh miền núi như Lào Cai, Yên Bái như tiểu quỳnh, lily, tulip, hồ điệp, vạn thọ Pháp... cũng dần chiếm lĩnh thị trường Thủ đô trong dịp Tết năm nay. Theo những người chơi hoa “sành sỏi”, trước đây, cây hoa lan thường được nuôi cấy theo phương pháp thủ công nên nhiều giống hoa bị thoái hóa, bị bệnh lạ. Những năm gần đây, ngành sản xuất hoa lan đã phát triển mạnh mẽ nhờ ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất. Với công nghệ hiện đại, chi phí trồng đã giảm đáng kể, từ 40.000 - 70.000 đồng/gốc lan xuống chỉ còn 4.000 - 7.000 đồng/gốc. Để mua những loại hoa cao cấp này, khách hàng thường tìm đến các shop hoa tại chợ hoa Quảng Bá hay khu vực phố cây cảnh gần Chợ Bưởi.

Từ sáng 23 Tết, có gần 128 chợ hoa Tết bắt đầu khai mạc tại các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM. Trong đó, nhiều nhất là quận 8 và Thủ Đức với 23 điểm, quận 7 có 17 điểm, quận 10 có 15 điểm... Các chợ hoa này quy tụ hàng ngàn nhà vườn từ các tỉnh miền Tây, miền Trung, miền Bắc với đủ các loại hoa Tết đặc trưng các vùng miền như hoa mai, hoa cúc, hoa đào, quất, bưởi, hoa lan...



Nhóm phóng viên


Hoa giả cạnh tranh... hoa thật
Hoa giả cạnh tranh... hoa thật

Hoa giả mặc dù được làm bằng các chất liệu nhựa, giấy, lụa, cao su… nhưng nhìn giống hoa tươi đến 99% nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng trong dịp Tết Nguyên đán năm nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN