Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nằm bên bờ vịnh Ba Tư, là nền kinh tế lớn thứ hai ở Trung Đông, đóng vai trò trung tâm thương mại và tài chính của khu vực, đồng thời là nơi trung chuyển hàng hóa và trung tâm tái xuất hàng hóa lớn thứ 3 thế giới.
Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết, UAE là thị trường có khả năng thanh toán cao, là địa bàn trung chuyển lớn nhất tại khu vực, có sức mua lớn và nhu cầu nhập khẩu hàng hóa đa dạng với kim ngạch nhập khẩu năm 2017 khoảng 265 tỷ USD. Trong khi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE năm 2017 đạt hơn 5 tỷ USD, chiếm chưa tới 2% thị phần. Tiềm năng mở rộng và đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt Nam sang UAE còn rất lớn, tập trung ở một số mặt hàng như thủy sản, hạt tiêu, hạt điều, cà phê, rau quả, dệt may, giày dép, vật liệu xây dựng…
Hiện nay, nhóm hàng vật liệu xây dựng của Việt Nam đã bước đầu có mặt tại thị trường UAE, trong những năm tới sẽ là nhóm hàng có mức tăng trưởng tốt ở UAE do nhu cầu xây dựng tại UAE đang ngày càng tăng cao. Số lượng dự án tại UAE chiếm khoảng 30% tổng số các dự án đang được triển khai tại Trung Đông. Nhiều khoản đầu tư lớn được dành cho các dự án cơ sở hạ tầng, bất động sản, du lịch và giải trí, chủ yếu tại Abu Dhabi và Dubai. Hơn nữa, Dubai đã giành được quyền đăng cai Expo 2020 với mức đầu tư hạ tầng 7 tỷ USD sẽ góp phần đưa thị trường xây dựng bùng nổ trở lại trong những năm tiếp theo.
Tương tự, nhóm nông, thủy sản gồm các mặt hàng gạo, chè, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, rau quả, cá tra, cá ba sa, tôm đông lạnh… là những mặt hàng có lợi thế, nhiều tiềm năng xuất khẩu sang UAE. UAE là thị trường tiêu dùng khá tốt và là trung tâm tái xuất nông sản của cả khu vực Trung Đông và châu Phi.
UAE còn là quốc gia tái xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, nhờ vị trí địa lý, hạ tầng dịch vụ phát triển và luật lệ thương mại thông thoáng, nên được xem là một cửa ngõ quan trọng cho xuất khẩu gạo. Năm 2013, UAE từng nhập khẩu gạo với kim ngạch đạt mức kỷ lục 2 tỷ USD, trong đó gạo tái xuất chiếm 93%. Mỗi năm, UAE nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn gạo các loại. Gạo (jasmine) của Việt Nam hiện cũng đang được ưa chuộng tại UAE. Ngoài ra, thủy sản Việt Nam bước đầu đã có chỗ đứng tại thị trường UAE, đặc biệt là mặt hàng cá da trơn, đây là mặt hàng được đánh giá là tiềm năng của Việt Nam do nhu cầu tiêu thụ cá ở UAE là rất lớn.
Với nhóm hàng thực phẩm và rau quả tươi, UAE có nhu cầu nhập khẩu lớn do điều kiện khí hậu không thuận lợi cho trồng trọt (nhập khẩu của UAE năm 2014 đạt gần 3,2 tỷ USD và 2015 đạt khoảng 2,6 tỷ USD). Các mặt hàng rau quả có khả năng đẩy mạnh gồm thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, măng cụt, hồng xiêm đang được bán tại các siêu thị với giá tốt.
Bên cạnh đó, các mặt hàng nông sản truyền thống có thế mạnh của Việt Nam như hạt tiêu (tiêu đen), cà phê… đã dần tìm được chỗ đứng tại thị trường UAE nói riêng, cũng như tái xuất sang các thị trường lân cận tại Trung Đông khác và khu vực Bắc Phi. UAE nhập khẩu từ khoảng 20 quốc gia, chủ yếu từ Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nam Phi, với các loại trái cây như táo, lê, các loại trái cây họ cam, rau củ tươi…